Xử lý nghiêm vi phạm kéo dài tại các ô đầm ven biển Tiền Hải ở Thái Bình

Mặc dù địa phương tổ chức vận động, tuyên truyền và đối thoại nhiều lần; chính quyền cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh, cấp Bộ đã trả lời rõ bằng văn bản, nhưng nhiều cá nhân liên quan việc thuê thầu đầm nuôi thủy sản tại xã Nam Phú (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) vẫn không chấp hành bàn giao ô đầm và không hợp tác để giải quyết thấu đáo sự việc.

Các ô đầm ven biển khu vực cồn Vành, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Các ô đầm ven biển khu vực cồn Vành, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tiền Hải cho biết: Theo bản đồ đo đạc các năm 2011, năm 2014 và trích đo địa chính năm 2023 xác định khu đất 701.292,3m2 là đất nuôi trồng thủy sản do Ủy ban nhân dân xã Nam Phú (cho ông Trần Văn Thuyết và ông Đinh Văn Phương thuê 70.925m2 và cho ông Phạm Hoài Nam và ông Đinh Quang Nghi (ông Nghi chết ngày 15/7/2020) thuê thầu đầm 630.367,9m2) để nuôi tôm điểm theo chương trình Ramsar từ năm 1991.

Quá trình thực hiện hợp đồng, ông Trần Văn Thuyết và ông Đinh Văn Phương, ông Phạm Hoài Nam, ông Đinh Quang Nghi và những người thừa kế của ông Đinh Quang Nghi đã không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng.

Nhà canh coi ô đầm nuôi thủy sản của một cá nhân tại xã Nam Phú (huyện Tiền Hải).

Nhà canh coi ô đầm nuôi thủy sản của một cá nhân tại xã Nam Phú (huyện Tiền Hải).

Cụ thể, từ năm 2007 đến nay, không thực hiện theo thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt mà chỉ quai đắp để nuôi thủy hải sản; không trực tiếp sử dụng diện tích ô đầm để thực hiện theo mô hình Ramsar mà tự ý cho cho 7 cá nhân khác thuê đầm để nuôi trồng thủy sản, gồm: ông Nguyễn Xuân Liên sử dụng 118.078,4m2, ông Vũ Văn Hoàn sử dụng 119.357,6m2, ông Trần Anh Tuấn sử dụng 94.086,3m2, ông Phạm Văn Tâm sử dụng 96.058,9m2, ông Đinh Văn Bùi sử dụng 49.396,2m2, ông Lê Văn Trữ sử dụng 49.460,5m2, ông Phạm Văn Pháp sử dụng 103.403,4m2.

Làm rõ các vi phạm

Trước tình hình này, ngày 15/5/2023, Thanh tra huyện Tiền Hải đã có báo cáo số 30 về kết quả xác minh việc quản lý và sử dụng vùng nuôi tôm điểm theo quy ước Ramsar tại cồn Vành (xã Nam Phú). Trong đó nêu rõ, ngày 27/3/2023, Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải đã tổ chức buổi làm việc, đối thoại với ông Phạm Hoài Nam.

Tại đây, ông Nam thừa nhận từ năm 2007 đến nay do không có vốn nên không thực hiện theo mô hình dự án, không thực hiện theo thiết kế đã được phê duyệt, mà chỉ quay đắp đầm nuôi hải sản. Ông Nam ủng hộ chủ trương thu hồi đất của nhà nước và đề nghị bồi thường khi thu hồi đất.

Đồng chí Nguyễn Xuân Khánh, Bí thư Huyện ủy Tiền Hải (thứ 2 từ trái qua) cùng đại diện các phòng, ban, đơn vị kiểm tra thực địa khu vực nuôi trồng thủy sản tại xã Nam Phú.

Đồng chí Nguyễn Xuân Khánh, Bí thư Huyện ủy Tiền Hải (thứ 2 từ trái qua) cùng đại diện các phòng, ban, đơn vị kiểm tra thực địa khu vực nuôi trồng thủy sản tại xã Nam Phú.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải Bùi Tuấn Anh nêu rõ: “Đây chỉ là hợp đồng giao khoán công việc, cụ thể chỉ được nuôi tôm giống, tuy nhiên các cá nhân không làm theo cam kết mà cho thuê lại. Như vậy, đây là vi phạm nghiêm trọng trong hợp đồng. Mấy chục năm trời sử dụng đất của Nhà nước, lại không được giao đất nhưng vẫn cho thuê là trái thẩm quyền, trái quy định”.

Ở một diễn biến khác, Chi cục Thuế khu vực Tiền Hải-Kiến Xương xác nhận: “Về kê khai nộp tiền thuế đất: Đến thời điểm hiện tại chưa nhận được bất cứ loại giấy tờ nào liên quan đến việc thuê đất của ông Phạm Hoài Nam, ông Đinh Văn Cao thừa kế của ông Đinh Văn Nghi. Từ đó Chi cục thuế khu vực Tiền Hải- Kiến Xương không có cơ sở để xác định nghĩa vụ tài chính các khoản thu về đất”.

Theo bản quy hoạch do Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải cung cấp, các cá nhân chỉ được sử dụng ao ươm tôm giống (hình ô vuông trên bản quy hoạch). Nhưng trong thực tế, việc nuôi trồng thủy sản phát triển tràn lan ra ngoài khu vực quy hoạch.

Theo bản quy hoạch do Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải cung cấp, các cá nhân chỉ được sử dụng ao ươm tôm giống (hình ô vuông trên bản quy hoạch). Nhưng trong thực tế, việc nuôi trồng thủy sản phát triển tràn lan ra ngoài khu vực quy hoạch.

Căn cứ hành vi nêu trên, tháng 6/2023, Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải có văn bản số 943 về việc chấm dứt hợp đồng đối với diện tích đầm Ramsar tại xã Nam Phú. Trong đó, đề nghị Ủy ban nhân dân xã Nam Phú căn cứ quy định của pháp luật thực hiện chấm dứt hợp đồng ký ngày 15/6/2002 với ông Đinh Quang Nghi và ông Phạm Hoài Nam.

Ngày 3/8/2023, xã Nam Phú có Thông báo số 22 và số 23 với nội dung: Ủy ban nhân dân xã thông báo đến ông Vũ Thanh Hải (người đại diện theo ủy quyền của những người thừa kế của ông Đinh Quang Nghị - do ông Nghị đã chết) và ông Phạm Hoài Nam về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng ngày 15/6/2002.

Ngày 18/8/2023, ông Hải, ông Nam có đơn gửi Ủy ban nhân dân xã Nam Phú thông báo về việc không đồng ý đơn phương chấm dứt hợp đồng. Chính quyền xã tiếp tục có văn bản số 08, số 09 trả lời hai ông: “Căn cứ tài liệu xác minh đủ cơ sở để kết luận ông đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của hợp đồng, không thực hiện theo đúng thỏa thuận đã cam kết nên đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với ông và những người có liên quan trong hợp đồng; nếu không đồng ý với việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của Ủy ban nhân dân xã Nam Phú ông có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa án để giải quyết”.

Nhiều cá nhân chây ì, không hợp tác

Sau khi chính quyền sở tại đơn phương chấm dứt hợp đồng do vi phạm nghiêm trọng, các cá nhân nêu trên tiếp tục không chấp hành, không bàn giao đất ô đầm, nên đến tháng 3/2024, Ủy ban nhân dân xã Nam Phú lập biên bản vi phạm hành chính đối với 17 cá nhân gồm các hàng thừa kế của ông Đinh Quang Nghị và ông Phạm Hoài Nam, về hành vi chiếm 630.367,9 m2 đất nông nghiệp tại khu vực nông thôn (xã Nam Phú, huyện Tiền Hải) kể từ ngày 18 tháng 3/2024 để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Tiếp đó, ngày 1/4/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 51 xử phạt vi phạm hành chính đối với các hàng thừa kế của ông Đinh Quang Nghị và ông Phạm Hoài Nam với hình thức xử phạt chính là 85 triệu đồng, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thu dọn tài sản, trả lại 630.367,9m2 đất nông nghiệp đã chiếm cho Ủy ban nhân dân xã Nam Phú quản lý.

Nhiều ô đầm nuôi trồng thủy sản ở xã Nam Phú (huyện Tiền Hải) bị các cá nhân bán trao tay qua nhiều người.

Nhiều ô đầm nuôi trồng thủy sản ở xã Nam Phú (huyện Tiền Hải) bị các cá nhân bán trao tay qua nhiều người.

Các cá nhân vi phạm đã có đơn khiếu nại gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã tổ chức đối thoại và ban hành các Quyết định giải quyết khiếu nại (lần đầu) đối các hàng thừa kế của ông Đinh Quang Nghị và ông Phạm Hoài Nam.

Được biết, có 5 cá nhân liên quan đến hàng thừa kế của ông Đinh Quang Nghi gửi đơn khiếu nại đến Bộ Tài nguyên và Môi Trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi Trường).

Ngày 2/4 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Môi Trường đã ban hành các Quyết định giải quyết khiếu nại đối với 5 cá nhân, trong Quyết định Bộ Nông nghiệp và Môi Trường công nhận và giữ nguyên nội dung các Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc giải quyết khiếu nại (lần đầu) đối với 5 cá nhân nêu trên.

Vận động, tuyên truyền là ưu tiên hàng đầu

Phóng viên Báo Nhân Dân đã gặp ông Lê Văn Trữ ở xã Giao An (huyện Giao Thủy) đang nuôi trồng thủy sản trên ô đầm thuộc xã Nam Phú. Ông cho hay, khu vực này đấu lại của ông Tuế trong 5 năm, còn ông Tuế đấu lại của ông Phạm Hoài Nam. Mỗi năm, ông Trữ phải trả cho ông Tuế 47 triệu đồng cho 5ha đã đấu.

Ông Lê Văn Trữ đã nắm bắt được các chủ trương của địa phương chung quanh việc thu hồi ô đầm sản xuất.

Ông Lê Văn Trữ đã nắm bắt được các chủ trương của địa phương chung quanh việc thu hồi ô đầm sản xuất.

Trao đổi với ông Trữ, các thành viên Tổ công tác của huyện đã phân tích, làm rõ về bản chất vấn đề, trong đó khẳng định: Dù chỉ là đấu lại của cá nhân khác, nhưng ông Trữ đang trực tiếp sử dụng ô đầm nên là đối tượng bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật. Xã Nam Phú đã đơn phương chấm dứt hợp đồng thì mọi giao dịch dân sự tiếp theo đều không có giá trị. Tại đây, ông Trữ đã nhận thức được vấn đề và sẽ thu dọn vật dụng, đồ đạc ở khu vực đang sản xuất.

Sáng 6/5, Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) tổ chức buổi làm việc, đối thoại lần cuối cùng với các cá nhân liên quan. Tại đây, ông Phạm Văn Pháp (người duy nhất đến dự), cư trú tại xã Giao Thiện (huyện Giao Thủy) đang sử dụng 103.403,4m2 ô đầm tại xã Nam Phú được nghe các thành viên Tổ công tác phân tích, trao đổi, làm rõ những vấn đề còn chưa rõ, còn băn khoăn.

Ông Phạm Văn Pháp, cư trú tại xã Giao Thiện (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) nêu ý kiến tại buổi đối thoại sáng 6/5/2025.

Ông Phạm Văn Pháp, cư trú tại xã Giao Thiện (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) nêu ý kiến tại buổi đối thoại sáng 6/5/2025.

Bà Vũ Phương Dung, Trưởng phòng Tư pháp huyện Tiền Hải khẳng định: Hợp đồng các cá nhân ký với bên Tiền Hải là hợp đồng đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đơn phương chấm dứt do có vi phạm nghiêm trọng. Như vậy, hợp đồng ông Pháp và các cá nhân khác đã ký để thuê lại là hợp đồng vô hiệu và diện tích ô đầm đang sử dụng là không hợp pháp.

Đến hết ngày 6/5/2025, đã có 7 cá nhân tự nguyện ký bàn giao ô đầm đang sử dụng tại xã Nam Phú, tuy nhiên các cá nhân còn lại không chấp hành các quyết định của chính quyền địa phương. Trong các ngày tới, huyện Tiền Hải tiếp tục vận động, tuyên truyền để người dân thông tỏ và có sự đồng thuận.

Lãnh đạo huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) và huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) đối thoại với các cá nhân đang nuôi trồng thủy sản tại xã Nam Phú.

Lãnh đạo huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) và huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) đối thoại với các cá nhân đang nuôi trồng thủy sản tại xã Nam Phú.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải Phạm Ngọc Kế cho biết: Việc siết chặt kỷ cương pháp luật trong quản lý đầm bãi ven biển, nhất là tại xã Nam Phú là việc làm cấp thiết, bởi đây là vi phạm nghiêm trọng đã được các cơ quan chức năng chỉ rõ.

Mọi việc làm của tổ chức, cá nhân tại khu vực ven biển cần phải thượng tôn pháp luật và theo đúng quy hoạch phê duyệt. Các cấp chính quyền trên địa bàn sẽ kiên trì giải thích, thuyết phục người dân để có nhận thức đúng và nghiêm chỉnh chấp hành vì mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương cũng như của tỉnh Thái Bình trong thời gian tới.

MAI TÚ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xu-ly-nghiem-vi-pham-keo-dai-tai-cac-o-dam-ven-bien-tien-hai-o-thai-binh-post877910.html
Zalo