Xu hướng phát triển kiến trúc xanh phù hợp truyền thống văn hóa dân tộc
Kỷ niệm ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông chia sẻ góc nhìn về phát triển kiến trúc, nhấn mạnh kiến trúc xanh phù hợp văn hóa dân tộc.
Kiến trúc hướng đến giá trị nhân sinh và phát triển bền vững
KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam: Điểm lại những chặng đường có thể thấy, kiến trúc Việt Nam đi qua các giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, khi đất nước giành độc lập cho đến năm hòa bình thống nhất (1945 - 1975). Thời kỳ này, kiến trúc giàu chất văn hóa bản địa, le lói hiện đại được hình thành và kịp thời phục vụ tùy từng bối cảnh.

Cung Thiếu nhi Hà Nội (tác giả KTS Lê Văn Lân) là một trong những công trình sáng tạo với triết lý kiến trúc nhiệt đới theo hướng bản địa.
Những năm cả nước vận hành cơ chế kế hoạch và bao cấp (1975 - 1986), việc tạo dựng những công trình kiến trúc chủ yếu từ nguồn viện trợ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Kiến trúc hiện đại Đông Âu mọc lên khắp mọi miền đất nước. Những công trình này ít tính truyền thống hơn, nhưng nhìn chung vẫn là gắng gỏi cho dòng chảy kiến trúc Việt Nam tìm đến hội nhập với tinh thần không hòa tan.
Thời kỳ đổi mới hội nhập (1990 - 2025), vấn đề sáng tạo kiến trúc được thay đổi từ "cầm tay chỉ việc bao cấp" sang cơ chế "cạnh tranh thị trường" như mô hình chung quốc tế. Những tác phẩm tốt của KTS Việt Nam có cơ hội thi thố để được triển khai.
Những sáng tác kiến trúc của KTS Việt Nam thời kỳ này thành công nhất có lẽ là sự tiếp cận bản sắc hiện đại với việc hòa quyện, kết nối theo hướng khai thác tinh thần nơi chốn, không còn theo kiểu biểu hiện, bắt chước, mô phỏng...

Công trình Nhà Quốc hội (KTS Von Gerkan, Đức) mang phong cách kiến trúc hiện đại mới.
Nhìn lại chặng đường đã qua, hãy cùng nhau thử hoạch định một con đường cho phát triển kiến trúc Việt Nam, trong tương lai với sự tích hợp từ những yếu tố nền tảng.
Về cơ sở pháp lý, từ chủ trương cho đến luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn…, có lẽ chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội đề xuất chỉnh lý và bổ sung về mặt chi tiết, nhưng về khung thì cũng cơ bản đủ để cho kiến trúc đi tới tương lai.
Về phát triển khoa học công nghệ, đây là yếu tố ảnh hưởng hàng đầu đến kiến trúc sắp tới. Cơ hội vô cùng rộng lớn, nhưng rất cần soi chiếu và ứng dụng một cách hợp lý, kịp thời nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, chính nó cũng mang đến nhiều nguy cơ nhất cho sự đánh mất "cái tôi" trong sáng tạo kiến trúc, đe dọa cả sự tồn tại của KTS hành nghề.
Sự gia tăng của biến đổi khí hậu một cách khó lường, dẫn đến những thiên tai bất ngờ và thảm khốc, cũng là những tiền đề cần tích hợp mọi nơi, mọi lúc khi làm kiến trúc.
Sự biến đổi nhu cầu từ đối tượng "phục vụ" của kiến trúc, trong phát triển xã hội cũng thay đổi nhanh theo thời gian. Trong đó, có cả những khoảng trống vô lường mà đến nay chúng ta chưa thể dự báo.

Kho bạc Nhà nước ở TP.HCM (KTS Nguyễn Trường Lưu), thiết kế theo phong cách High-tech với việc áp dụng công nghệ xây dựng tiên tiến, từ kết cấu đến vật liệu.
Văn hóa bản địa, về nền tảng sẽ có những bổ sung, gọt giũa theo tinh thần thời đại và yêu cầu hội nhập, cùng tồn tại, phát triển trên cơ sở sẻ chia, tôn trọng và giao thoa. Điều này cũng ảnh hưởng kiến trúc không nhỏ.
Cơ chế, mô hình xã hội cũng là yếu tố cần được đặt ra và nghiên cứu kỹ lưỡng, để tạo nên những sản phẩm kiến trúc thích ứng. Không thể xem nhẹ vấn đề này, vì kiến trúc cũng là công cụ biểu hiện quyền năng chính trị hữu hiệu ở mọi xã hội. Với cách tiếp cận đó, sự phát triển kiến trúc Việt Nam không thể ráp theo mô hình của Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore…, mà vẫn phải có con đường riêng.
Với cách nhìn đa diện, đa chiều như vậy, KTS Việt Nam tương lai sẽ phải giải quyết hàng loạt vấn đề, mà KTS chỉ là một mắt xích trong hệ thống chuyển động. Cơ bản chính là những vấn đề: Kiến trúc với các yếu tố văn hóa bản địa và toàn cầu; ứng dụng công nghệ trong thiết kế kiến trúc; kiến trúc thích ứng biến đổi khí hậu và điều kiện tự nhiên; kiến trúc hướng tới những vấn đề nhân sinh và xã hội; góp phần cân bằng phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả; vai trò và trách nhiệm của KTS với cộng đồng và xã hội.
Mong rằng, kiến trúc Việt Nam ngày càng xanh, hiện đại mà bản sắc trong nền kiến trúc toàn cầu, hướng đến những giá trị nhân sinh và phát triển bền vững.
Phát triển kiến trúc xanh phù hợp truyền thống văn hóa dân tộc
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Trước những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và môi trường, đến điều kiện sống con người, phát triển kiến trúc xanh đang là xu hướng phát triển trong thế kỷ XXI. Ở mức độ cao hơn, một số nước đã đưa ra những mô hình công trình "super - low energy building" hay "zero energy build-ing" ít tiêu hao hoặc không tiêu hao năng lượng.
Kiến trúc xanh phải đặt ra sự kết hợp giữa công nghệ và những giải pháp thông minh, những kinh nghiệm truyền thống, hướng về thiên nhiên. Cần phải có sự quan tâm của nhà đầu tư trong việc lựa chọn công nghệ, vật liệu xanh nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Công trình trụ sở Tập đoàn Viettel (do Công ty Tư vấn thiết kế Gensler của Mỹ thiết kế) là sự kết hợp giữa công nghệ và những giải pháp thông minh.
Phát triển kiến trúc xanh ở Việt Nam cần đề ra những chiến lược, chính sách, giải pháp quy hoạch, thiết kế xây dựng phù hợp từng vùng, địa phương và nhất thiết phải quy định thành luật. Cần xây dựng hoặc áp dụng hệ thống tiêu chí công trình xanh phù hợp điều kiện Việt Nam.
Bên cạnh đó, vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu là thách thức lớn nhất của thời đại. KTS phải đề cao vai trò công tác thiết kế kiến trúc trong việc ứng phó biến đổi khí hậu.
Đô thị cần được tạo dựng tính thích ứng để có thể phát triển bền vững. Công nghệ mới cần được áp dụng một cách hiệu quả để dự đoán, mô phỏng các kịch bản rủi ro, nhằm giảm thiểu nguy cơ gây thiệt hại.
Trên cơ sở quy hoạch thích ứng biến đổi khí hậu, cần nghiên cứu áp dụng thiết kế kiến trúc khu dân cư có tính thích ứng cao với những hiện tượng thiên tai tại từng khu vực vùng miền như gió bão, ngập lụt, sạt lở đất...

Công trình Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh (KTS Hoàng Thúc Hào) góp phần định hình rõ hơn xu hướng kiến trúc bản địa mới.
Vùng sông nước có thể sử dụng những mô hình nhà nổi, nhà trên sông, đưa ra giải pháp phù hợp trong việc đầu tư xây dựng công trình cộng đồng có khả năng thích ứng và chống chịu bền vững trước thiên tai.
Tại những điểm có nguy cơ sạt lở đất và lũ lụt, căn cứ đặc điểm công trình, tùy mức độ, cần xây dựng quy chuẩn riêng đối với quy hoạch xây dựng và yêu cầu thiết kế kết cấu của tòa nhà như: Kết cấu móng, độ dày của tường, vật liệu xây dựng, quy định mật độ xây dựng, các loại công trình xây dựng và mật độ dân cư cho phù hợp...
Để giảm thiểu thảm họa thiên tai, cần tiếp cận theo cách thích ứng môi trường hơn là tìm cách chống lại nó. Thay vì tăng cường bảo vệ chống lại lũ lụt, cần chấp nhận thực tế mực nước biển dâng và đưa vào thiết kế. Công trình sẽ được thiết kế xây dựng trong khu vực an toàn, trong khi những khu vực dễ bị tổn thương trở thành vùng đệm.
Kiến trúc xanh và vấn đề toàn cầu là thách thức lớn nhất của thời đại. Kiến trúc xanh vừa phù hợp mục tiêu phát triển của kiến trúc Việt Nam, vừa phù hợp truyền thống văn hóa - kiến trúc dân tộc; đáp ứng nếp sống của người Việt, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường sống của đất nước hiện tại và tương lai; phù hợp tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu.
Kiến trúc xanh theo hướng bền vững và bản sắc luôn rất cần thiết
GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông: Những năm gần đây, yếu tố bản địa và xanh được các KTS, đặc biệt là KTS trẻ, quan tâm khai thác. Theo xu hướng này, bản sắc địa phương được cảm nhận rõ nét hơn. Vì thế, nhiều tác phẩm kiến trúc đoạt những giải cao trong nước và quốc tế.
Điều đó không chỉ khích lệ sáng tạo kiến trúc mà còn đặt nền móng cho sự hình thành xu hướng kiến trúc hiện đại bản địa mới và xu hướng kiến trúc xanh ở nước ta với phong cách kiến trúc mang đậm tính chất địa phương.

Nhà ở công nhân Lào Cai (KTS Hoàng Thúc Hào), một ví dụ về kiến trúc xanh giải quyết hợp lý mối quan hệ hữu cơ giữa kiến trúc - con người - thiên nhiên.
Về kiến trúc bản địa mới, đó là sự kết hợp kiến trúc nhiệt đới với kiến trúc địa phương, nhằm tạo đặc trưng bản địa. Nghĩa là công trình phù hợp nơi chốn, hướng đến sự tiếp nối và bổ sung truyền thống trong thời đại mới.
Những công trình tiêu biểu theo xu hướng này là Bảo tàng Hồ Chí Minh (KTS Isakovich), một sự biến đổi kiến trúc phù hợp truyền thống Việt Nam; Công trình cải tạo chợ Đồng Xuân (KTS Lê Văn Lân) với sự tiếp nối cái mới trên cái cũ; Khách sạn Sài Gòn Mũi Né (KTS Nguyễn Văn Tất) được sáng tạo từ cảm hứng nhà ở dân gian.
Từ sau năm 2010, xuất hiện nhiều công trình góp phần định hình rõ hơn xu hướng kiến trúc hiện đại bản địa mới. Tiêu biểu là Nhà cộng đồng Cẩm Thanh, Hội An (KTS Hoàng Thúc Hào), Nhà thờ Ka Đơn (KTS Vũ Hương), Bb Home (H&P Architects), Nhà nguyện (a21 studio), Tòa nhà VUUV (KTS Vũ Hoàng Sơn và Vũ Hoàng Hà), Nhà ở Bắc Hồng (Lab Concept)…
Về kiến trúc xanh, đây là xu hướng tiến bộ, được ưa chuộng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Thành công theo xu hướng này của các KTS Việt Nam, nhất là KTS trẻ được xem là điểm sáng của kiến trúc Việt Nam đương đại.
Về bản chất, kiến trúc xanh đã được thực hành trong kiến trúc truyền thống nhằm giải quyết hợp lý mối quan hệ hữu cơ giữa kiến trúc - con người - thiên nhiên, ngày nay được gọi là kiến trúc xanh thụ động.
Đó là quan niệm thiết kế gắn với địa điểm xây dựng thông qua sử dụng cây xanh, vật liệu địa phương, tiết kiệm năng lượng, thích ứng khí hậu và tập quán sinh hoạt của người dân. Ngôi nhà ở truyền thống của các dân tộc là ví dụ tiêu biểu.
Phát triển theo quan niệm này, nhiều công trình kiến trúc đã thành công, như: Bamboo wings tại Flamingo Đại Lải, Vĩnh Phúc; Nhà ở Bình Thạnh (KTS Võ Trọng Nghĩa); Nhà cộng đồng Suối Rè tại Hòa Bình; Nhà cộng đồng Nậm Đăm tại Hà Giang; Nhà ở công nhân Lào Cai (KTS Hoàng Thúc Hào); M-House (KTS Nguyễn Xuân Minh); Nhà tổ chim (KTS Nguyễn Hòa Hiệp); Vườn vệ sinh (H&P Architects)…

Công trình Ngôi nhà Đức tại TP.HCM (KTS Von Gerkan, Đức) là ví dụ điển hình trong thiết kế kiến trúc xanh chủ động.
Kiến trúc xanh chủ động là xu hướng liên quan sử dụng công nghệ nhiều hơn và thường được áp dụng trong những công trình ở đô thị. Ngôi nhà Đức tại TP.HCM (KTS Von Gerkan) là ví dụ điển hình.
Kiến trúc xanh theo hướng bền vững và bản sắc luôn cần thiết. Đó là bản chất của sáng tạo kiến trúc. Vì thế, kiến trúc xanh là một trong những xu hướng kiến trúc đương đại được quan tâm và hứa hẹn thành công ở nước ta.