Vì sao Hà Nội, TPHCM chưa thể kiểm soát 'thủ phạm số 1' gây ô nhiễm không khí?

Việc kiểm soát khí thải phương tiện tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM là nhiệm vụ cấp thiết nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay các quy định về kiểm soát khí thải phương tiện vẫn chưa thể thực hiện.

Khí thải từ phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy cũ nát, không đạt chuẩn đang được xem là "kẻ thù số 1" của chất lượng không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM.

Với số lượng phương tiện khổng lồ và tốc độ gia tăng chóng mặt, trong khi hệ thống kiểm soát khí thải còn lỏng lẻo, công tác kiểm định thiếu đồng bộ, đây là nguồn phát thải lớn nhưng vẫn chưa được quản lý hiệu quả.

Khí thải phương tiện đang gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại các đô thị lớn. Ảnh: Thạch Thảo

Khí thải phương tiện đang gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại các đô thị lớn. Ảnh: Thạch Thảo

Theo thống kê năm 2024, Việt Nam có khoảng 77 triệu xe máy đăng ký lưu hành, tương đương 770 xe/1.000 dân - thuộc nhóm cao nhất thế giới. Riêng Hà Nội có 6,1 triệu xe máy, gần 700.000 ô tô; TPHCM có hơn 7,3 triệu xe máy và hơn 630.000 ô tô. Các phương tiện này đang trở thành nguồn phát thải chủ yếu tại hai đô thị lớn nhất cả nước.

Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, tại Hà Nội, hoạt động giao thông đóng góp tới 96% bụi mịn PM2.5, 92% CO, 87% NOx, và phần lớn là từ xe máy.

TPHCM cũng ghi nhận xe máy phát thải tới 97,8% CO, 69,2% NOx, cho thấy mức độ ô nhiễm đáng báo động.

Nguyên nhân chính khiến phương tiện giao thông trở thành nguồn ô nhiễm nghiêm trọng là do nhiều xe đã quá cũ, không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải, trong khi công tác kiểm soát và kiểm định, đặc biệt với xe máy, vẫn còn nhiều bất cập.

Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), việc xây dựng và áp dụng quy chuẩn khí thải cho xe máy là một trong những giải pháp trọng tâm đang được nghiên cứu.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành đang đề xuất thiết lập khu vực hạn chế xe cá nhân vào giờ cao điểm ở các đô thị lớn nhằm giảm ùn tắc và khí thải.

Thiếu đồng bộ giữa tiêu chuẩn khí thải và chất lượng nhiên liệu

Một vấn đề đáng lo ngại là sự thiếu đồng bộ giữa tiêu chuẩn khí thải và chất lượng nhiên liệu. Kể từ ngày 1/1/2022, Việt Nam yêu cầu phương tiện mới phải đạt tiêu chuẩn Euro 5, tuy nhiên nhiên liệu trên thị trường vẫn phổ biến ở mức Euro 2-3. Điều này khiến hiệu quả giảm phát thải không đạt như kỳ vọng.

Cần kiểm soát cả chất lượng nhiên liệu phù hợp với tiêu chuẩn phương tiện. Ảnh: GTVT

Cần kiểm soát cả chất lượng nhiên liệu phù hợp với tiêu chuẩn phương tiện. Ảnh: GTVT

“Có thể xe đạt chuẩn Euro 5, nhưng xăng, dầu cung cấp ra thị trường người dân đang mua chỉ đạt ở mức Euro 2-3, một số mức 4. Khi nhiên liệu không đồng bộ với phương tiện thì hiệu quả giảm thải ô nhiễm chưa được giảm như mong muốn”, ông Nam cảnh báo.

Hiện nay, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm ban hành quy chuẩn khí thải với phương tiện mới sản xuất, nhập khẩu; Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành quy chuẩn cho phương tiện đang lưu hành. Các cơ quan liên quan cũng đang phối hợp xây dựng hệ thống kiểm định, quản lý và xử phạt hành vi vi phạm khí thải.

Việc đồng bộ hóa tiêu chuẩn phương tiện, nhiên liệu và hệ thống kiểm soát khí thải, đặc biệt với xe máy, đang được kỳ vọng là giải pháp mang tính đột phá nhằm cải thiện chất lượng không khí, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại các thành phố lớn.

Theo lãnh đạo Cục Môi trường, dự kiến Quy chuẩn Việt Nam về khí thải đối với xe máy sẽ được ban hành trong tháng 5 hoặc tháng 6 tới. Các quy định về khí thải sẽ chặt chẽ hơn, có lộ trình áp dụng với từng địa phương, đặc biệt là tại các đô thị lớn đang ô nhiễm nặng như Hà Nội, TPHCM.

Vũ Điệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vi-sao-ha-noi-tphcm-chua-the-kiem-soat-thu-pham-so-1-gay-o-nhiem-khong-khi-2395118.html
Zalo