'Giải độc' không khí đô thị bằng quy hoạch, quản lý

TP HCM và các đô thị lớn Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhưng thách thức đang phải đối mặt đó là tình trạng ô nhiễm không khí.

Tình trạng thiếu hụt không gian xanh, ô nhiễm nguồn nước, áp lực giao thông ngày càng gia tăng, sự bất cập trong bố trí khu công nghiệp và dân cư... là những nguyên nhân tác động trực tiếp đến chất lượng không khí của đô thị. Chính vì thế, việc cải thiện các yếu tố trên gắn với quy hoạch và quản lý môi trường đô thị rất quan trọng để bảo đảm một tương lai bền vững cho các đô thị xanh, giảm ô nhiễm không khí.

Quy hoạch đô thị không chỉ đơn thuần là việc sắp xếp các công trình xây dựng mà còn là một chiến lược dài hạn. Quy hoạch toàn diện cần hướng đến sự cân bằng hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo đảm sức khỏe, chất lượng sống cho người dân.

Đối với hạ tầng giao thông, cần chú trọng phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, tiện lợi và có khả năng kết nối tốt giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân. Điều này góp phần đáng kể vào việc giảm lượng khí nhà kính phát thải và cải thiện chất lượng không khí. Việc đầu tư vào các hệ thống giao thông công cộng tiên tiến như metro, xe buýt nhanh cần đi đôi với quy hoạch các trạm trung chuyển hiện đại, tích hợp với các loại hình giao thông khác.

Một vấn đề đáng quan ngại khác là tình trạng bố trí xen kẽ giữa khu công nghiệp và khu dân cư. Điều này gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường sống của người dân do ô nhiễm khí thải và nước thải công nghiệp.

Nhìn ra thế giới, kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công trong việc giải quyết các vấn đề môi trường đô thị như Trung Quốc và Singapore khiến chúng ta phải học hỏi. Trung Quốc nỗ lực trong việc kiểm soát nguồn thải và áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt, còn Singapore có tầm nhìn quy hoạch dài hạn, ưu tiên không gian xanh, phát triển giao thông công cộng và quy định xử phạt vi phạm rất nặng. Tuy nhiên, việc áp dụng những kinh nghiệm này cần có sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và văn hóa đặc thù của Việt Nam.

Trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí, việc xây dựng hệ thống quan trắc môi trường với một đô thị lớn như TP HCM cũng được xem là rất quan trọng. Thành phố từng sở hữu 9 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, được tài trợ bởi chính phủ Đan Mạch và Na Uy từ những năm 2000. Đáng tiếc là các trạm này đã ngừng hoạt động do thiếu bảo trì.

Hiện tại, thành phố chỉ có 2 trạm quan trắc của Bộ Nông nghiệp và Môi trường là đang hoạt động, trong khi các trạm quan trắc thuộc quản lý của UBND TP HCM vẫn chưa được vận hành do vướng mắc thủ tục hành chính. Thành phố cần sớm đưa các trạm quan trắc đi vào hoạt động, khi đó thuận lợi nắm bắt tình hình chất lượng không khí và có những biện pháp can thiệp kịp thời.

PGS-TS Nguyễn Lữ Phương, Phó trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giai-doc-khong-khi-do-thi-bang-quy-hoach-quan-ly-196250427230815222.htm
Zalo