Xóm Ót ấm no từ trồng bí xanh
Về xóm Ót, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) những ngày đầu năm dễ dàng nhận thấy những ngôi nhà mới còn thơm mùi nước sơn được xây dựng khang trang, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc. Những năm gần đây cây bí xanh dần trở thành cây trồng giúp nhiều nhà nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tại xóm Ót, mô hình trồng bí xanh ngày càng được nhân rộng, trở thành mô hình chủ lực giúp người dân thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Về xóm Ót, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) những ngày đầu năm dễ dàng nhận thấy những ngôi nhà mới còn thơm mùi nước sơn được xây dựng khang trang, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc. Những năm gần đây cây bí xanh dần trở thành cây trồng giúp nhiều nhà nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tại xóm Ót, mô hình trồng bí xanh ngày càng được nhân rộng, trở thành mô hình chủ lực giúp người dân thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
![Năm 2024, gia đình ông Bùi Văn Huy ở xóm Ót, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) thu hơn 500 triệu đồng từ trồng bí xanh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_431_51482933/1ce4f02dc3632a3d7372.jpg)
Năm 2024, gia đình ông Bùi Văn Huy ở xóm Ót, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) thu hơn 500 triệu đồng từ trồng bí xanh.
Đối với người dân xóm Ót, phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả đã được chuyển đổi trồng bí xanh. Gia đình ông Bùi Văn Huy là một trong số ít hộ dân tiên phong trồng bí xanh từ năm 2019. Đến nay, diện tích bí xanh của gia đình ông đã được mở rộng lên 1,5 ha; sản lượng dao động từ 50 - 60 tấn/ha; giá thành ổn định 15.000 đồng/kg, cao điểm có thể lên tới 26.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Huy thu về trên 500 triệu đồng .
Ông Huy phấn khởi chia sẻ: "Học hỏi từ những người anh em tại xã Thượng Cốc, trồng bí xanh dần trở thành mô hình chủ lực của gia đình, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống. Quá trình trồng bí xanh cho thấy, đây là giống cây dễ trồng, tuy nhiên đòi hỏi các kỹ thuật khắt khe để phòng, trừ sâu bệnh. So với trước đây khi gia đình trồng mía, lợi nhuận từ trồng bí xanh cao hơn từ 5 - 6 lần”.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng bí xanh, hiện nay, toàn xã Chí Đạo có 22 hộ tham gia trồng bí xanh với tổng diện tích gần 20 ha. Qua tìm hiểu thực tế, vùng đất Chí Đạo địa hình tự nhiên bằng phẳng. Có hệ thống sông, suối thuận lợi phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, trong đó, bí xanh là cây trồng cần nhiều nước tưới. Theo thực tế, mỗi năm có thể trồng được 2 vụ bí xanh, trong đó khoảng 60 ngày sau khi xuống giống thì có thể cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài trong 2 tháng. Quá trình trồng và chăm sóc cho thấy, cây bí xanh phù hợp với nền nhiệt dao động từ 17 – 29 độ C. Các tiểu thương thu mua nông sản chủ yếu đến từ Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Qua tìm hiểu được biết, từ năm 2019 đến nay, các hộ dân xóm Ót đã liên kết với Công ty TNHH Hạt Giống Nova để phát triển và mở rộng diện tích bí xanh trên địa bàn. Theo đó, công ty cung cấp toàn bộ giống, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc hiệu quả nhất. Hạt bí giống Nova là giống cây khỏe, có ưu điểm chịu rét, chịu hạn tốt. Mỗi quả bí đạt từ 1,5 - 2kg. Một số hộ tại xóm Ót phát triển hiệu quả mô hình như gia đình các ông: Quách Văn Tiến, Bùi Công Tiền…
Đối với thị trường tiêu thụ, hiện nay, các hộ dân chủ yếu cung cấp nhỏ, lẻ cho tư thương tại các chợ đầu mối ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Chính vì vậy, để đảm bảo nguồn "cung - cầu” ổn định, chính quyền địa phương đã chủ động liên hệ với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm ủng hộ, tạo mối liên kết các mặt hàng được đảm bảo tiêu thụ ổn định.
Đồng chí Quách Công Thái, Chủ tịch UBND xã Chí Đạo cho biết: "Mô hình trồng bí xanh tại xóm Ót từng bước phát huy hiệu quả và trở thành cây trồng chủ lực của người dân trên địa bàn. Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con tích cực chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả để trồng bí xanh. Chú trọng tạo mối liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ để đảm bảo "cung” không vượt "cầu”. Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật trong khâu chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Từ đó góp phần nâng cao giá trị cây trồng, sản lượng và hiệu quả kinh tế. Từng bước xây dựng bí xanh là mặt hàng nông sản chủ lực giúp các gia đình nâng cao thu nhập.