Xây dựng mô hình kinh tế HTX hiệu quả

Để kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX hoạt động ngày càng hiệu quả, thời gian qua Liên minh HTX tỉnh đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các HTX, doanh nghiệp với thành viên trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hiệu quả, từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế của địa phương.

Mô hình trồng dưa vàng của HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Định Hòa cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng dưa vàng của HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Định Hòa cho hiệu quả kinh tế cao.

Với sự chủ động hội nhập, tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình kinh tế HTX hoạt động ở tất cả các lĩnh vực, nghề hiệu quả, tạo việc làm cho thành viên, góp phần xóa đói, giảm nghèo... là nhân tố tích cực trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trên địa bàn xã Cát Tân (Như Xuân) có hơn 32ha chè, tập trung chủ yếu ở thôn Thanh Vân. Mặc dù chè là cây trồng truyền thống từ lâu đời của địa phương nhưng do phương thức sản xuất lạc hậu, thiếu sự liên kết trong sản xuất dẫn đến thị trường tiêu thụ còn hạn chế nên người dân không mặn mà trong việc phát triển nghề trồng và sản xuất chè. Năm 2022, với tâm huyết phát triển cây chè, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè xanh Thanh Vân, ông Nguyễn Văn Vũ đã thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp và sản xuất chè hữu cơ Thanh Vân với 31 hộ tham gia. Để người dân thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc, thu hoạch chè, HTX đã sản xuất thử nghiệm để người dân làm theo. Đến năm 2023, HTX đã xây dựng nhãn hiệu chè Thanh Vân và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện, HTX đã trở thành đầu mối thu mua sản phẩm chè nguyên liệu cho các hộ dân địa phương. HTX cũng đầu tư cơ giới hóa để nâng cao năng suất và chất lượng khâu sơ chế, chế biến chè... Năm 2024 sản lượng chè của HTX đạt hơn 4 tấn; 4 tháng đầu năm 2025 HTX đã xuất ra thị trường gần 1,5 tấn chè các loại.

Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh cũng đã tích tụ ruộng đất và hình thành cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết để thực hiện các chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản. Những HTX này đã chú trọng việc cung cấp dịch vụ, vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản xuất gắn với việc phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương. Tiêu biểu như HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Định Hòa, xã Định Hòa (Yên Định). Buổi đầu thành lập, HTX có 5 hộ nông dân tham gia, đến nay đã thu hút hơn 50 hộ tham gia trồng dưa vàng và các loại rau an toàn. Bên cạnh đó, HTX còn thực hiện cung ứng dịch vụ mạ khay, máy cấy và gặt bằng máy cho người dân trong và ngoài tỉnh. HTX đã thể hiện được vai trò kết nối người dân với doanh nghiệp thu mua. Theo đó, liên kết với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, HTX nông nghiệp Khánh Hồng (Ninh Bình), HTX nông nghiệp CNC Điền Trạch (Thọ Xuân) để cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lẫn bao tiêu sản phẩm. Việc liên kết sản xuất đã giúp HTX tăng gấp đôi hiệu quả kinh tế, một vụ xuất bán ra thị trường từ 20 đến 30 tấn dưa. Thành công của HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Định Hòa thể hiện sự năng động trong ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, phát huy vai trò chủ thể của người nông dân và hoàn thiện tiêu chí XDNTM.

Tính đến đầu tháng 5/2025 toàn tỉnh có 1.364 HTX với hơn gần 252.000 thành viên tham gia hoạt động. Trong đó, số lao động làm việc thường xuyên tại HTX khoảng gần 40.000 người; doanh thu bình quân một HTX khoảng hơn 7,6 tỷ đồng/năm; lãi bình quân một HTX khoảng 250 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của một lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt gần 52 triệu đồng/năm.

Để xây dựng các HTX kiểu mới hiệu quả và thêm nhân rộng, Liên minh HTX đã tăng cường phối hợp và khai thác tối đa nguồn lực từ Quỹ hỗ trợ Liên minh HTX Việt Nam để hỗ trợ, giới thiệu vay vốn, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện vay vốn thuận lợi, hỗ trợ các HTX đầu tư công nghệ, nâng cấp hạ tầng sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Đồng thời, kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh của các HTX với doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các HTX mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tăng doanh thu và thu nhập của kinh tế HTX và kinh tế hộ thành viên. Đến nay, hầu hết các HTX đã thay đổi tư duy, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; bổ sung thêm dịch vụ mới, qua đó nâng cao thu nhập cho thành viên; thu hút lao động trẻ, có chuyên môn tham gia HTX, đồng thời góp phần hoàn thành các tiêu chí trong XDNTM.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Hồng Hải cho biết: “Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển bền vững trong giai đoạn mới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền và thực hiện các kế hoạch để nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Xây dựng và phát triển kinh tế tập thể phải gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, tập trung phát triển đa dạng các loại hình HTX, xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có sức cạnh tranh. Đồng thời, chú trọng xây dựng HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và văn hóa ở địa phương. Từ đó, thu hút nhiều nông dân, hộ gia đình tham gia vào kinh tế tập thể, HTX”.

Bài và ảnh: Khánh Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-mo-hinh-kinh-te-htx-hieu-qua-247819.htm
Zalo