Tín hiệu vui của ngành tôm
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong tháng 4/2025 tăng mạnh, dự tính sẽ đạt 1 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Riêng mặt hàng tôm đạt 350 triệu USD, tăng 24% so với tháng 4/2024, đưa kết quả xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm lên gần 1,3 tỷ USD.
Khởi sắc tại thị trường EU
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong quý I/2025, xuất khẩu tôm đem về 939 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2024. Mức tăng trưởng ấn tượng này đến từ sự phục hồi nhu cầu tại nhiều thị trường lớn, đặc biệt là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và khối các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Về thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam trong quý 1/2025, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là điểm sáng lớn nhất với tổng kim ngạch đạt 288 triệu USD, tăng tới 125%. Đáng chú ý, tại thị trường châu Âu (EU), xuất khẩu tôm trong quý I/2025 đạt 107 triệu USD, ghi nhận mức tăng trưởng khả quan. Giá xuất khẩu trung bình tôm chân trắng sang EU ở mức 7,6 USD/kg, trong khi giá tôm sú tăng nhẹ lên 10,9 USD/kg trong tháng 3. Theo VASEP, động lực tăng trưởng tại EU là do sự chủ động của doanh nghiệp (DN) Việt trong việc đa dạng hóa sản phẩm, cũng như tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Theo VASEP, với tổng kim ngạch đạt 87 triệu USD chiếm tới 81% tổng giá trị xuất khẩu tôm sang EU trong quý I, tôm chân trắng vẫn là mặt hàng chủ lực của Việt Nam tại thị trường này.
Bên cạnh đó, tôm sú – dòng sản phẩm truyền thống và có giá trị cao – cũng đạt gần 10 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ. Việt Nam hiện là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu tôm sú lớn thứ hai tại thị trường EU, cho thấy đây là lợi thế cạnh tranh đáng kể cần được khai thác hiệu quả trong chiến lược dài hạn.
Xây dựng thương hiệu gắn với phát triển bền vững
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành tôm Việt Nam vẫn đang đối mặt với thách thức về thuế quan và sự cạnh tranh. Chính sách thuế đối ứng 46% của Hoa Kỳ áp lên hàng hóa Việt Nam đã được tạm hoãn, nhờ vậy xuất khẩu thủy sản sang thị trường này vẫn duy trì tăng trưởng trong tháng 4/2025, dự tính sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tháng 5/2025.
“Trong tháng 5 xuất khẩu tôm Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng. Tuy nhiên, mục tiêu đạt 4 tỷ USD trong năm 2025 vẫn rất thách thức do ảnh hưởng từ thuế đối ứng của Hoa Kỳ và áp lực cạnh tranh toàn cầu” - bà Kim Thu - chuyên gia ngành hàng tôm của VASEP nhận định.
Song, trước những ảnh hưởng từ thuế quan và áp lực cạnh tranh, đại diện VASEP cho rằng, việc đa dạng thị trường là giải pháp tối ưu, trong đó, thị trường tại EU được xem là thị trường giàu tiềm năng với ngành tôm Việt Nam.
Theo VASEP, để tận dụng lợi thế cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU, các DN cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại, nâng tỷ trọng chế biến sâu; chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chế biến sẵn mang hương vị truyền thống Việt Nam. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia cho tôm Việt Nam tại EU.
Cũng theo VASEP, từ ngày 6–8/5 diễn ra sự kiện Triển lãm Thủy sản toàn cầu lần thứ 31 (Seafood Expo Global 2025) tại Fira de Barcelona, Tây Ban Nha. Đây là sự kiện thương mại thủy sản lớn nhất thế giới và là cơ hội tốt để các DN Việt Nam quảng bá sản phẩm tôm Việt Nam tới thị trường EU và toàn cầu.
Việc tham gia triển lãm không chỉ giúp DN tiếp cận trực tiếp nhà nhập khẩu, phân phối, chuỗi siêu thị châu Âu mà còn là cơ hội để cập nhật xu hướng tiêu dùng, tiêu chuẩn kỹ thuật mới và tìm hiểu sâu hơn về chuỗi cung ứng hiện đại. Kỳ vọng sau sự kiện, các đơn hàng từ EU và các thị trường phụ cận sẽ gia tăng trong quý II/2025, góp phần củng cố đà tăng trưởng và ổn định đầu ra cho ngành tôm Việt trong mùa cao điểm giữa năm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, DN ngành tôm cần triển khai nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu xuất khẩu, bao gồm đầu tư vào công nghệ chế biến, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam gắn với phát triển bền vững.