Đề xuất chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và đánh giá hiệu quả cuối cùng

Cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi. Nhà nước quản lý mục tiêu, quản lý đầu ra, quản lý kết quả và hiệu quả nghiên cứu, không quản lý cách làm. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp...

Giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu.

Giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu.

Đề xuất này được nêu trong Tờ trình dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội ngày 6/5/2025.

Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có nhiều nội dung quan trọng mang tính định hướng phát triển đất nước dựa trên Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với nhiều nhiệm vụ, giải pháp có tính cách mạng để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

TỒN TẠI MỘT SỐ RÀO CẢN TRONG VIỆC ĐƯA KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO THÀNH ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN

Tờ trình chỉ rõ, hơn 10 năm qua, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản, quan trọng cho tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học công nghệ. Khoa học và công nghệ đã có những bước tiến tích cực, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế- xã hội.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật Khoa học và Công nghệ 2013 cho thấy pháp luật hiện hành còn có những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn để phát triển khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế- xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ nhất, các quy định của pháp luật về Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, chưa đồng bộ và được xác định là một trong những rào cản để thực hiện mục tiêu đưa Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo thành động lực chính phát triển kinh tế- xã hội. Pháp luật về Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng chưa quy định được đầy đủ cơ chế để thực sự thu hút, đào tạo, phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân tài cho Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, các làn sóng công nghệ mới phát triển nhanh chóng, mãnh liệt, đặc biệt là làn sóng của Cách mạng công nghệ 4.0 mà trong đó chuyển đổi số là cốt lõi đòi hỏi các quy định của pháp luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo phải được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ ba, khi xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ 2013, các chủ thể tham gia hoạt động khoa học công nghệ chủ yếu đến từ khu vực viện nghiên cứu, trường đại học công lập. Hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, nhất là trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh tuy đã được quan tâm nhưng chưa trở thành xu thế phổ biến.

Trong bối cảnh hiện nay, để Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo thực sự tác động đến tăng trưởng kinh tế thì việc xác định doanh nghiệp là chủ thể quan trọng nhất trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, sáng tạo công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo là vấn đề căn bản nhất cần được thể chế hóa trong Luật để xoay trục các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Căn cứ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn cũng như nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Khoa học và Công nghệ 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận thấy cần nghiên cứu và sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ.

NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ ĐẦU RA, KẾT QUẢ VÀ HIỆU QUẢ NGHIÊN CỨU, KHÔNG QUẢN LÝ CÁCH LÀM

Dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở tiếp tục kế thừa nhiều nội dung quan trọng của Luật Khoa học và Công nghệ 2013; đồng thời có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung mới.

Cụ thể, về quan điểm, định hướng để xây dựng, sửa đổi luật, Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo được xác định là động lực thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển của nhân loại.

Dự thảo Luật đã có những điều chỉnh quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu cơ bản, cân đối giữa nghiên cứu khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn, đặc biệt là chú trọng đến các yêu cầu triển khai nghiên cứu cơ bản xuất phát từ vấn đề nảy sinh cần giải quyết từ nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ.

Dự thảo Luật xây dựng chính sách cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết với kết quả nghiên cứu, tài sản hình thành từ nghiên cứu. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp.

Về giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu, theo tờ trình của Chính phủ, cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi. Nhà nước quản lý mục tiêu, quản lý đầu ra, quản lý kết quả và hiệu quả nghiên cứu, không quản lý cách làm.

Sự thông thoáng này sẽ đẩy nhanh quá trình nghiên cứu. Thêm vào đó, nếu một dự án nghiên cứu không đạt được kết quả như kỳ vọng, tổ chức nghiên cứu sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nghiên cứu.

Mặc dù, rủi ro được chấp nhận ở từng nhiệm vụ, từng dự án cụ thể nhưng hiệu quả hoạt động vẫn được đánh giá trên tổng thể của tổ chức đó và chương trình nghiên cứu. Những tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí để tiếp tục phát triển. Ngược lại, những tổ chức hoạt động kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm nguồn lực, thậm chí giải thể.

Theo tờ trình, việc giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu không có nghĩa là buông lỏng trách nhiệm, mà để tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới. Sự dám chấp nhận rủi ro sẽ tạo động lực cho các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, đưa khoa học tiến xa hơn và mang lại những đột phá quan trọng.

Những nghiên cứu không đạt mục tiêu ban đầu mang lại bài học quý giá, giúp tránh lặp lại sai lầm trong tương lai hoặc mở ra những hướng đi mới tiềm năng. Thêm vào đó, cơ chế đánh giá hiệu quả gắn với giao kinh phí đảm bảo tài chính nghiên cứu được phân bổ một cách hợp lý và tạo động lực nâng cao chất lượng khoa học, công nghệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.

Điểm quan trọng nhất về tài chính cho Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo là thay đổi triết lý theo hướng phải đánh giá kết quả, hiệu quả cuối cùng của hoạt động Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo làm cơ sở để nhà nước phân bổ nguồn lực.

Nhà nước sẽ đầu tư nguồn lực Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo cho chủ thể, hoạt động có tác động chính đến tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện cơ chế cấp kinh phí cho nhiệm vụ Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo thông thoáng hơn qua cơ chế quỹ gắn với hậu kiểm.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần cộng với các biện pháo khuyến khích, ưu đãi để để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban tán thành với quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; cần bổ sung quy định để phân biệt với lỗi chủ quan hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu; bổ sung nguyên tắc nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, tránh lạm dụng.

Nhất trí với sự cần thiết và cơ bản thống nhất với nội dung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát nhưng ông Huy cho rằng cần thiết kế mang tính nguyên tắc chung, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tán thành với quy định phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu chỉnh lý theo hướng cần xác định khung tỷ lệ phân chia cụ thể, khuyến khích cơ chế tự thỏa thuận quy định trong hợp đồng và có thể dựa trên tỷ lệ vốn góp.

Về thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và nền kinh tế, cơ quan thẩm tra thấy rằng doanh nghiệp là động lực chính thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cung cấp nguồn lực tài chính, nhân lực cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và đưa sản phẩm, công nghệ mới ra thị trường, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước.

Tán thành các quy định này, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát việc gắn kết đồng bộ, thống nhất với các quy định về đầu tư, tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng hệ sinh thái và phát triển thị trường để bảo đảm tính khả thi.

Đỗ Phong

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-chap-nhan-rui-ro-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-va-danh-gia-hieu-qua-cuoi-cung.htm
Zalo