Trao 'cần câu' cho nông dân Bắc Trà My thoát nghèo bền vững
Việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp dành cho những HTX có mô hình mới triển vọng ở huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) được ví như trao 'cần câu' nhằm phát triển sản phẩm theo hướng liên kết chuỗi để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Có như vậy sẽ mở đường cho nông dân nơi đây thoát nghèo bền vững.
Cuối tháng 4/2025 vừa qua, đề án khuyến công năm 2025 “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm từ Quế Trà My” đã được chính quyền huyện Bắc Trà My nghiệm thu. Đề án này được thực hiện tại HTX Quế Trà My Minh Phúc (xã Trà Giang).
Ứng dụng máy móc tiên tiến
Từ chính sách khuyến công, nguồn kinh phí được hỗ trợ, HTX Quế Trà My Minh Phúc đã đầu tư máy bào vỏ quế, máy chẻ quế sáo, máy cắt ép quế ống, máy sấy dược liệu lạnh với tổng kinh phí thực hiện 479,7 triệu đồng, trong đó, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 190 triệu đồng.

Đề án khuyến công năm 2025 “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm từ Quế Trà My” được thực hiện tại HTX Quế Trà My Minh Phúc.
Với thiết bị mới này sẽ giúp HTX nâng cao công suất, giảm chi phí lao động, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất và mở rộng hoạt động kinh doanh, phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương. Đồng thời, sản phẩm cũng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng thời gian bảo quản và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đề án nêu trên, theo bà Nguyễn Thị Hồng Lê, Giám đốc HTX Quế Trà My Minh Phúc, nhờ được hỗ trợ tập huấn mà thành viên HTX trồng và thu hoạch quế cạo vỏ theo đúng tiêu chuẩn GACP. HTX ký hợp đồng với các đối tác Hàn Quốc để bán quế cạo vỏ với sản lượng lớn.
Cách đây 4 năm, sản phẩm tinh dầu quế Trà My của HTX đã đạt chuẩn OCOP 4 sao. Bên cạnh đó, HTX còn cho ra đời thêm 20 sản phẩm khác như bột quế, dầu xoa, dung dịch sát khuẩn, dung dịch xịt phòng, quế vỏ, xà phòng quế. Các sản phẩm nước rửa chén và nước lau sàn quế là thành quả chuyển giao công nghệ của Viện Dược liệu (Bộ Y tế).
Có thể nói, việc hỗ trợ đầu tư sản xuất nông nghiệp, ứng dụng máy móc tiên tiến được ví như trao “cần câu” cho những HTX có mô hình hoạt động hiệu quả rất cần được nhân rộng, có như vậy sẽ mở đường cho nông dân Bắc Trà My thoát nghèo bền vững.
Đơn cử như HTX Sản xuất nông sản và dược liệu Bản Boa thời gian gần đây đã đầu tư máy móc để phát triển mô hình sản xuất các sản phẩm từ cây thiên niên kiện và các loại thảo dược khác trên địa bàn xã Trà Giáp và huyện Bắc Trà My.
Lãnh đạo UBND xã Trà Giáp cho biết, thời gian qua, địa phương đã tạo mọi điều kiện để HTX Sản xuất nông sản và dược liệu Bản Boa tổ chức thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp. Địa phương cũng giới thiệu, hướng dẫn HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại.
Đầu tư vườn cây bài bản
Theo lãnh đạo xã Trà Giáp, từ mô hình liên kết chuỗi giá trị trồng thiên niên kiện của HTX với người dân trong xã, thời gian tới, việc hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo sẽ giúp HTX có điều kiện phát triển hơn.

Một chương trình hỗ trợ trồng cây dược liệu ở Bắc Trà My.
Chị Nguyễn Thị Huê, Giám đốc HTX Bản Boa, cho biết do ở một địa phương miền núi nên gặp nhiều trở ngại trong quá trình kinh doanh sản phẩm. Thế nhưng nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã giới thiệu cho HTX tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, sản phẩm đã được nhiều người biết đến. HTX cũng quan tâm đến các kênh thương mại điện tử, tìm cách livestream bán hàng nên thị trường ngày càng được mở rộng.
“Thiên niên kiện là loại cây mọc dưới tán rừng kín lá, vì vậy chúng tôi vẫn đang khai thác trong tự nhiên. Nhằm bảo tồn nguồn gen và tránh việc khai thác tận diệt, thông qua sự hỗ trợ từ chính quyền huyện Bắc Trà My, HTX Bản Boa thường xuyên được tham gia tập huấn cho thành viên trước khi vào rừng khai thác, chỉ hái củ già, lấy bộ phận có hàm lượng dược chất cao nhất, giữ lại phần lá sát thân củ để cây tiếp tục sinh trưởng chứ không nhổ cả cây như trước đây”, chị Huê chia sẻ.
Không chỉ với 2 HTX nêu trên, thời gian qua, nhiều nông dân ở Bắc Trà My đã được hỗ trợ đầu tư phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững từ chính sách của tỉnh Quảng Nam thông qua hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện.
Là một nông dân được chính quyền xã Trà Dương tư vấn, ông Nguyễn Kìa (thôn Dương Lâm) đã đăng ký tham gia vào một chương trình hỗ trợ. Sau khi làm hồ sơ, các thủ tục để đăng ký hỗ trợ giếng khoan, giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, ông đã đầu tư vườn cây ăn trái một cách bài bản hơn.
Nhất là thông qua hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Bắc Trà My, ông Kìa đã nhanh chóng tìm được nguồn cây giống chất lượng, đơn vị thi công khoan giếng đảm bảo theo quy định. Lợi ích đã thấy rõ là mảnh vườn của ông không còn tình trạng thiếu nước, năng suất các loại cây vì thế mà tăng lên.
Hoặc như ông Hồ Văn Phước ở xã Trà Dương cũng được hỗ trợ làm công trình cấp nước, cây giống và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc làm các thủ tục hồ sơ để được hưởng chương trình hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam đều thuận lợi nhờ các cơ quan liên quan giúp đỡ, hướng dẫn kịp thời. Ông Phước mạnh dạn khoan giếng, mua cây về trồng và sau khi đầu tư, ông đã được hỗ trợ kinh phí ngay.
Liên kết khai thác tiềm năng sản vật bản địa
“Có được nguồn nước tưới nên các cây ổi, sầu riêng, mít đều phát triển tốt, hứa hẹn những vụ mùa bội thu. Từ nay thì chỉ cần chuyên tâm chăm sóc vườn trái cây là gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập ổn định”, ông Phước chia sẻ.

Việc hỗ trợ các chủ thể thực hiện chương trình OCOP sẽ góp phần giúp cho người dân Bắc Trà My thoát nghèo.
Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2025 xuống còn 18,65% (giảm 7,35%) tương đương với 870 hộ, việc trao “cần câu” thông qua các chương trình hỗ trợ cho nông dân Bắc Trà My chuyên tâm vào phát triển sản xuất nông nghiệp là rất hữu ích.
Thời gian tới, chính quyền huyện Bắc Trà My sẽ tiếp tục tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ thành lập các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, sẽ nâng cấp, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP bằng cách hoàn thiện hệ thống tổ chức và sản xuất kinh doanh.
Huyện cũng ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP sử dụng nguyên liệu địa phương, chú trọng những sản phẩm có vùng nguyên liệu ổn định và kiểm soát được quy trình sản xuất.
Trong năm 2025, Bắc Trà My tiếp tục chi 500 - 600 triệu đồng hỗ trợ các chủ thể thực hiện chương trình OCOP, phấn đấu có thêm 5 sản phẩm mới đạt chuẩn OCOP. Địa phương sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường.
Bên cạnh những hỗ trợ như vậy cũng cần sự tiếp tục quan tâm, định hướng từ Liên minh HTX Việt Nam và những hành động hỗ trợ cụ thể từ phía Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đối với hoạt động của các HTX nông nghiệp kiểu mới ở Bắc Trà My. Chẳng hạn như việc hỗ trợ khắc phục hạn chế trong phát triển sản phẩm OCOP ở huyện này.
Đặc biệt là ưu tiên hỗ trợ các HTX ở Bắc Trà My khai thác tiềm năng về sản vật bản địa, lợi thế so sánh, nhất là các giá trị truyền thống của địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống cho nông dân. Đồng thời, khuyến khích người dân nơi đây tham gia phát triển kinh tế tập thể để tạo liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.