Xây dựng Đắk Lắk trở thành 'điểm đến của cà phê thế giới'

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh quyết tâm của Đắk Lắk trong việc góp phần cùng cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 tối thiểu 8%, thực hiện thắng lợi mục tiêu kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam sẽ vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Thay đổi hoàn toàn diện mạo nhờ cây cà phê

Năm 1975, Chiến thắng Buôn Ma Thuột trở thành chiến thắng mở màn cho chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 50 năm sau, một lễ hội cà phê mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên với hàng loạt hoạt động tôn vinh cây cà phê, người trồng cà phê, sản phẩm cà phê Đắk Lắk được tổ chức tại chính thành phố được ví như “thủ phủ của Tây Nguyên” kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025).

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà rất tâm đắc khi nói về chiến lược đưa cây cà phê, sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột trở thành thương hiệu mũi nhọn, quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, gắn liền với mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8% trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030; thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu ra-trong đó có mục tiêu kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Nông dân chăm sóc cây cà phê.

Nông dân chăm sóc cây cà phê.

Theo đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, ngành hàng cà phê có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp cũng như tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Năm 2024, sản phẩm cà phê Việt Nam xuất khẩu đạt giá trị hơn 5,4 tỷ USD, thuộc nhóm 10 ngành hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ngành hàng cà phê đóng góp tới 1,2 tỷ USD trong số 1,4 tỷ USD xuất khẩu của Đắk Lắk trong năm 2024.

Với những giá trị mà ngành hàng cà phê mang lại cho tỉnh, cho người nông dân trồng cà phê cũng như doanh nghiệp sản xuất cà phê, Đắk Lắk đang xây dựng Đề án “Đắk Lắk-điểm đến của cà phê thế giới” trình Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư nhằm nâng tầm giá trị, nâng tầm thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, coi đây là một trong những động lực tăng trưởng cần thúc đẩy để tỉnh tích cực góp phần cùng cả nước thực hiện nghị quyết của Chính phủ về tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025 và đạt hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Về động lực đầu tư này, ngay trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-1975 / 10-3-2025), Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã tổ chức động thổ xây dựng Nhà máy cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend với tổng giá trị đầu tư giai đoạn 1 gần 1.000 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ mang lại cho Buôn Ma Thuột một nhà máy chế biến cà phê lớn hàng đầu châu Á. Giám đốc truyền thông Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên Võ Thị Hà Giang chia sẻ góc nhìn của doanh nghiệp: Đất nước muốn vươn mình thì cần chú trọng nâng cao nội lực. Trung Nguyên đã rất nỗ lực để có nội lực thật tốt, tự hào mang cà phê Việt Nam ra thế giới. Trong bối cảnh thuế quan phức tạp, Trung Nguyên vẫn kiên trì, tiếp tục nỗ lực chinh phục 3 thị trường lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Cũng theo bà Võ Thị Hà Giang, cách tiếp cận của Trung Nguyên là trong quá trình hội nhập, không chỉ nước ta vươn ra thế giới mà cần làm sao để thế giới cũng phải tới Việt Nam. Trung Nguyên có khát vọng đưa Buôn Ma Thuột thành thủ phủ của cà phê robusta, “điểm đến của cà phê thế giới”, để đưa thế giới đến với Buôn Ma Thuột, đến với Việt Nam...

Nâng cao nội lực để phát triển bền vững

Cả đại diện doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đều chia sẻ và nhất trí với quan điểm tăng cường nội lực là hướng đi chiến lược cực kỳ quan trọng trên hành trình vươn mình của đất nước. Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh quan điểm, tình hình thế giới luôn có những biến động rất nhanh, thất thường, khó đoán định. Chiến tranh thương mại cũng là vấn đề cần có dự báo. Do vậy, doanh nghiệp phải rất chủ động để có giải pháp ứng phó kịp thời, từ đó củng cố và nâng cao nội lực nhằm phát triển bền vững.

Đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê tại Buôn Ma Thuột khi nói chuyện với chúng tôi cũng đều có chung quan điểm, Buôn Ma Thuột nói riêng, Tây Nguyên nói chung đã rất nổi tiếng với sản phẩm cà phê, không chỉ ở thị trường trong nước mà cả trên thị trường quốc tế. Việc các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sâu những sản phẩm cà phê tại Buôn Ma Thuột và khu vực Tây Nguyên không chỉ là định hướng sản xuất, kinh doanh chiến lược mà còn là sự tri ân với vùng đất cà phê, với những người dân trồng cà phê đã góp phần làm nên thương hiệu cà phê nổi tiếng của Việt Nam, giúp Đắk Lắk phát triển bền vững nhờ cây cà phê.

Năm 1975, Đắk Lắk từ một tỉnh nông nghiệp có kinh tế lạc hậu, vốn đầu tư cơ bản toàn tỉnh chưa đầy 17 triệu đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa cả tỉnh chỉ đạt khoảng 44,5 triệu đồng. Sau 50 năm được giải phóng, cây cà phê đã giúp người nông dân từ đói ăn, thiếu mặc đến không chỉ ăn no, mặc ấm mà còn ăn ngon, mặc đẹp; tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2024 đã đạt hơn 63.356 tỷ đồng.

Cây cà phê chắc chắn cũng sẽ tiếp tục góp phần quan trọng giúp Đắk Lắk vươn mình cùng dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu đầu tiên nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hai mục tiêu tiếp theo nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước.

Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/xay-dung-dak-lak-tro-thanh-diem-den-cua-ca-phe-the-gioi-826100
Zalo