Xã Phúc Lộc: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Phúc Lộc được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Nam Hà, Vân Phúc, Xuân đình, Sen Phương, Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ).

Lý do Phúc Lộc được lấy làm tên xã mới là bởi đó là tên gọi trước đây của huyện Phúc Thọ. Đến triều Tây Sơn (1788 - 1802), nơi này đổi tên là Phú Lộc. Đầu đời Gia Long (1802 - 1819) triều Nguyễn, tên gọi tiếp tục được đổi lại là Phúc Lộc thuộc phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi tên là Phúc Thọ và giữ nguyên tên gọi đó đến ngày nay. Sau năm 1945, Phúc Thọ thuộc tỉnh Sơn Tây. Như vậy, tên gọi Phúc Lộc có nghĩa sâu sắc về lịch sử, văn hóa, phù hợp với lịch sử phát triển của Phúc Thọ và điều kiện văn hóa, lịch sử, tự nhiên của địa phương.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Phúc Lộc

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Phúc Lộc

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Phúc Lộc

Xã Phúc Lộc giáp phường Sơn Tây và các xã: Phúc Thọ, Hát Môn, Liên Minh, Yên Lãng của thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ. Xã có diện tích tự nhiên là 41,15 km2; quy mô dân số là 61.457 người.

Xã Nam Hà (Huyện Phúc Thọ): Diện tích: 11,40 km²; Quy mô dân số: 10.117 người
Xã Vân Phúc (Huyện Phúc Thọ): Diện tích: 5,27 km²; Quy mô dân số: 7.904 người
Xã Xuân Đình (Huyện Phúc Thọ): Diện tích: 9,12 km²; Quy mô dân số: 10.491 người
Xã Sen Phương (Huyện Phúc Thọ): Diện tích: 7,85 km²; Quy mô dân số: 13.192 người
Xã Võng Xuyên (Huyện Phúc Thọ): Diện tích: 7,51 km²; Quy mô dân số: 19.753 người

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Phúc Lộc

Xã Phúc Lộc nằm ven sông Hồng và tiếp giáp với các trục giao thông như quốc lộ 32 và các tuyến đường liên xã, Phúc Lộc có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ vận tải và giao thương hàng hóa liên vùng.

Xã Phúc Lộc là vùng chuyển tiếp giữa đô thị hóa và nông thôn, giữ vai trò kết nối khu vực Tây Bắc Hà Nội với trung tâm Thành phố. Xã đảm nhận vai trò sản xuất, đóng góp vào định hướng phát triển bền vững và phân bố dân cư hợp lý trong chiến lược mở rộng không gian đô thị Hà Nội.

Đặc điểm kinh tế xã Phúc Lộc

Xã Phúc Lộc có cơ cấu kinh tế đa dạng: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển làng nghề truyền thống, phát triển các cụm công nghiệp - thương mại dịch vụ.

Phúc Lộc nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng với quỹ đất canh tác tương đối rộng, màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Các vùng trồng rau an toàn, lúa chất lượng cao và cây ăn quả như bưởi, chuối, ổi được đẩy mạnh theo hướng hàng hóa, kết hợp với ứng dụng công nghệ và kỹ thuật quản lý dịch hại. Sản phẩm nông nghiệp của Phúc Lộc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, hướng tới thị trường ngoại tỉnh và xuất khẩu.

Xã Phúc Lộc vẫn duy trì và phát triển nhiều làng nghề truyền thống có giá trị kinh tế - văn hóa như nghề mộc, dệt, làm hương, đúc đồng, mây tre đan,… Đặc biệt, các xã như Xuân Đình và Sen Phương có nhiều hộ gia đình duy trì nghề làm hương, thủ công mỹ nghệ, tạo ra nguồn thu nhập và góp phần bảo tồn bản sắc truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Với vị trí gần quốc lộ 32, tuyến đường liên xã và các tuyến giao thông quan trọng giúp Phúc Lộc trở thành điểm trung chuyển hàng hóa giữa Phúc Thọ và các vùng phụ cận như Sơn Tây, Ba Vì và khu vực nội thành. Với hệ thống giao thông ngày càng được đầu tư, dịch vụ vận tải, kho bãi, trung chuyển nông sản và tiêu dùng đang hình thành, mở ra cơ hội phát triển các cụm công nghiệp - thương mại, dịch vụ phụ trợ.

Xã Phúc Lộc đang từng bước thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào công nghiệp sạch, chế biến thực phẩm, may mặc, vật liệu xây dựng. Những cơ sở này không chỉ tạo việc làm cho lao động địa phương mà còn giúp chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân.

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Phúc Lộc

Xã Phúc Lộc là địa phương mang một không gian văn hóa - xã hội đậm đà bản sắc truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ; là nơi lưu giữ hệ thống đình, chùa, miếu mạo cổ kính, có giá trị tâm linh và lịch sử. Trên địa bàn Phúc Lộc có các di tích được công nhận là di sản văn hóa vật thể, di tích cấp Quốc gia như: đền Sen Chiểu, chùa Phúc Tân (Sen Chiểu), miếu Sen Chiều, đình Thanh Chiểu, miếu Thanh Chiểu, chùa Cổ Linh (Thanh Chiều), đình Phúc Lộc , những di tích này đều nằm tại Sen Phương.

Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có các đình, chùa, miếu cổ như: đình Võng Xuyên Thượng, (Võng Xuyên), đây là nơi thờ Thành hoàng làng, gắn với lễ hội truyền thống mang đậm màu sắc văn hóa dân gian, thu hút người dân địa phương tham gia vào các nghi lễ rước, tế, trò chơi dân gian mỗi dịp đầu xuân; Xuân Đình có hệ thống đình, chùa, từ đường (thôn Xuân Đình có 10 chùa, 7 đình, 5 nhà họ giáo), phục vụ nhu cầu tâm linh và tục giỗ tổ - “Uống nước nhớ nguồn”. Những công trình này không chỉ có giá trị kiến trúc mà còn là nơi bảo tồn văn hóa phi vật thể như các trò diễn xướng dân gian, hát ca trù, hát chèo và lễ hội truyền thống.

Các hoạt động văn nghệ quần chúng, thể thao phong trào như bóng chuyền, cờ tướng, khiêu vũ dưỡng sinh được tổ chức đều đặn tại nhà văn hóa các thôn, góp phần gắn kết cộng đồng.

Xã Phúc Lộc là vùng có truyền thống hiếu học, các lễ tuyên dương học sinh giỏi, tặng thưởng cho học sinh đỗ đại học được tổ chức thường niên. Trên địa bàn có hệ thống trường tiểu học, trung học cơ sở được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh địa phương. Các trường học đang nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, tích hợp nâng cao kỹ năng mềm cho học sinh. Một số trường học tiêu biểu như trường Mầm non Phúc Lộc, trường THCS Vạn Phúc.

Các trạm y tế xã được củng cố về trang thiết bị, nguồn lực nhân viên y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu, tiêm chủng, phòng dịch. Mặc dù trên địa bàn xã Phúc Lộc không có bệnh viện lớn, nhưng người dân có thể tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản tại trạm y tế xã và các cơ sở y tế tuyến huyện lân cận. Người dân có thể tiếp cận nhanh Bệnh viện Quân y 105 hoặc Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây để được khám, chữa bệnh chuyên sâu.

Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Phúc Lộc: Số 99 thôn Nam Võng, xã Phúc Lộc
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phúc Lộc: đồng chí Tô Văn Sáng
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Phúc Lộc: đồng chí Lê Văn Thu
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phúc Lộc: đồng chí Đoàn Quốc Trượng.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Đài Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/xa-phuc-loc-nhung-thong-tin-chi-tiet-sau-sap-xep-344068.htm
Zalo