Cơn sốt bói toán trong giới trẻ Trung Quốc
Giữa áp lực kinh tế và nỗi bất an về tương lai, nhiều người trẻ Trung Quốc đang tìm đến bói toán như một cách giải tỏa và kết nối lại với văn hóa truyền thống.

Những ước muốn trên tường quán bar One As All. Ảnh: Guardian.
Thi đỗ. Gặp được người yêu lý tưởng. Làm giàu.
Những ước muốn này được ghim trên một tấm bảng ở lối vào One As All - một quán bar kiêm chuyên về bói toán ở Phong Đài, phía nam thủ đô Bắc Kinh. Theo Guardian, One As All là một trong số nhiều quán bar kiểu tương tự mở tại Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều thành phố khác của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Nằm tại tầng 12 của một tòa nhà thương mại, One As All phục vụ nhiều loại đồ uống với mức giá khởi điểm 88 nhân dân tệ. Số 8 được coi là con số may mắn tại Trung Quốc. Ngoài việc thưởng thức đồ uống và ngắm hoàng hôn, khách hàng có thể nhận tham vấn từ qiuqian, một hình thức xin quẻ gắn với tín ngưỡng Đạo giáo.
Derrex Deng - sinh viên 20 tuổi - là thầy bói Gen Z chuyên giải nghĩa các quẻ cho khách hàng của One As All. Để dự đoán tương lai bằng qiuqian, khách hàng đặt một câu hỏi, sau đó rút một que gỗ. Mỗi que gỗ được khắc các con số và thông tin riêng, cần nhờ tới Deng giải nghĩa.
Thầy bói Deng mang đậm phong cách Gen Z, khi anh gợi ý khách hàng nên sử dụng nhiều biểu tượng cảm xúc hơn khi nhắn tin nhằm cải thiện mối quan hệ với người thân đang sinh sống ở nước ngoài.
Tìm đến "tâm linh" để giải quyết vấn đề
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, nhiều người trẻ đặc biệt lo lắng về tương lai. Vì vậy, một số người chuyển sang theo đuổi xuanxue, huyền học hay còn gọi là chủ nghĩa thần bí (mysticism). Ứng dụng chiêm tinh Cece đã cán mốc 100 triệu lượt tải. Nhiều người cho rằng xu hướng này đang mở ra cơ hội thúc đẩy nền kinh tế “tâm linh”.

Quẻ bói toán qiuqian. Ảnh: Guardian.
“Việc tin vào tâm linh là dấu hiệu rõ ràng nhất của suy thoái kinh tế. Vài năm trước, hầu như chẳng ai tin vào bói toán. Nhưng 2 năm gần đây, niềm tin tâm linh ngày càng phổ biến”, một người dùng Weibo viết.
"Uống rượu và chủ nghĩa thần bí có điểm chung, đặc biệt trong cuộc sống hiện đại khi mọi người chịu rất nhiều áp lực”, Ma Xu - đồng sở hữu One As All - chia sẻ. “Cả hai phương pháp này đều cho mọi người cơ hội giải tỏa cảm xúc”.
“Khi nền kinh tế chững lại, mọi người không thể tiêu xài cho những thứ xa xỉ, như đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, họ có thể đến đây, uống một ly rượu vang và trò chuyện suốt đêm”, anh giải thích lý do mở quán vào thời điểm kinh tế khó khăn.
Ngoài ra, anh cũng nhấn mạnh mình không đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Là một tín đồ Đạo giáo, Ma muốn tích lũy “nghiệp tốt” thông qua một địa điểm có thể nâng cao sức khỏe tinh thần của mọi người.
“Trước đây, chúng tôi thường đến chùa cầu may”, Dong Boya - 29 tuổi, làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng - cho biết. “Nhưng sự kết hợp giữa rút que và uống rượu này thật thú vị”.
Dong và bạn bè đã đến One As All với những câu hỏi về cách tìm kiếm tình yêu và làm giàu, khi họ chật vật với cuộc sống tại Bắc Kinh. “Cách kiếm tiền nhanh nhất là vi phạm pháp luật. Trong luật hình sự ghi rõ những cách làm giàu nhanh. Hoặc phải quen biết ai đó”, Hu Jiahui - 30 tuổi, làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo - nói đùa.
Qiuqian là một trong số nhiều hình thức bói toán Trung Quốc đang được giới trẻ thành thị ưa chuộng trở lại. Mặc dù có một số người quan tâm đến bói toán theo phong cách phương Tây như tarot, họ không tìm được sự kết nối về mặt văn hóa với truyền thống Trung Quốc.
“Tarot đến từ nước ngoài, vì vậy tôi có chút nghi ngờ”, Ning Ning - 37 tuổi - nói.

Khung cảnh tại quán bar One As All tại Bắc Kinh. Ảnh: Guardian.
Tin nhưng không tín
Yaling Jiang - một nhà phân tích xu hướng tiêu dùng - cho biết sự quan tâm đến bói toán truyền thống có thể gắn liền tới niềm tin ngày càng mạnh mẽ vào bản sắc văn hóa dân tộc tại Trung Quốc.
Trong những tháng gần đây, một số thương hiệu hoặc sản phẩm Trung Quốc đã vươn ra toàn cầu, từ búp bê Labubu đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo DeepSeek. Na Tra 2 - bộ phim hoạt hình dựa trên thần thoại cổ đại - đã phá vỡ kỷ lục doanh thu toàn cầu tại phòng vé Trung Quốc.
"Khán giả trẻ đang bắt đầu kết nối với văn hóa truyền thống Trung Hoa", ông Jiang nói.
Tại Trung Quốc, nhiều người có niềm tin vào Đạo giáo, Phật giáo và các loại hình tâm linh khác. Việc cầu nguyện với các vị thần hoặc tổ tiên để xin may mắn và chỉ dẫn rất phổ biến.
Với Ma, anh luôn nhắc nhở khách hàng không nên mê tín và không tính phí qiuqian. “Có sự khác biệt giữa niềm tin và mê tín”, anh nói.