WHO lần đầu ủng hộ thuốc giảm cân điều trị béo phì, cân nhắc đưa vào danh sách thuốc thiết yếu

Không còn chỉ là 'liều thuốc làm đẹp' gây tranh cãi, thuốc giảm cân giờ đây có thể được công nhận là giải pháp y học chính thống. WHO chuẩn bị ban hành hướng dẫn mới, khuyến nghị sử dụng trong điều trị béo phì.

Theo Reuters, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên lên kế hoạch chính thức ủng hộ việc sử dụng thuốc giảm cân trong điều trị béo phì ở người trưởng thành. Bên cạnh đó, WHO cũng bày tỏ lo ngại về chi phí đắt đỏ của nhóm thuốc này và tác động của nó tới khả năng tiếp cận tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Hướng dẫn mới của WHO dự kiến được công bố vào tháng 8 tới, trong đó đề xuất đưa các loại thuốc điều trị béo phì vào Danh sách thuốc thiết yếu – động thái nhằm thúc đẩy tính phổ cập và khả năng tiếp cận toàn cầu.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - Tedros Adhanom Ghebreyesus

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - Tedros Adhanom Ghebreyesus

Thống kê cho thấy hiện có hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới mắc bệnh béo phì, trong đó khoảng 70% sống tại các quốc gia thu nhập thấp hoặc trung bình. WHO kêu gọi cần có biện pháp cụ thể để cải thiện khả năng tiếp cận thuốc cho các nước này, ví dụ như định giá theo phân tầng thu nhập hoặc đấu thầu tập trung nhằm giảm giá thành. Đồng thời, WHO nhấn mạnh sự cần thiết của các nghiên cứu dài hạn để đánh giá hiệu quả chi phí của thuốc tại từng khu vực.

Hai loại thuốc giảm cân đang gây chú ý hiện nay do hai hãng dược phẩm lớn là Novo Nordisk và Eli Lilly phát triển. Đây đều là thuốc thuộc nhóm GLP-1 receptor agonists, hoạt động bằng cách mô phỏng hormone tự nhiên nhằm làm chậm quá trình tiêu hóa và kéo dài cảm giác no.

Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy người dùng giảm trung bình từ 15% đến 20% trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, thuốc hiện chỉ được phê duyệt sử dụng tại các nước phát triển như Mỹ, Đức, Anh và có giá lên tới hơn 1.000 USD mỗi tháng (khoảng 25 triệu đồng). Đáng chú ý, bệnh nhân có thể phải duy trì sử dụng suốt đời để đảm bảo hiệu quả.

Ngoài ra, WHO cũng đang xây dựng một bộ hướng dẫn riêng biệt cho việc điều trị béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tuần tới, nhóm chuyên gia của tổ chức này sẽ họp để quyết định liệu có nên bổ sung nhóm thuốc GLP-1 vào danh sách thuốc thiết yếu dành cho điều trị béo phì và tiểu đường tuýp 2. Trước đó, vào năm 2023, WHO từng từ chối đưa thuốc giảm cân vào danh sách này do thiếu dữ liệu về hiệu quả lâu dài.

Trong nhiều năm, các loại thuốc giảm cân từng bị giới chuyên môn và các tổ chức y tế lớn như WHO dè dặt khuyến nghị do nguy cơ cao về tác dụng phụ, thiếu dữ liệu an toàn dài hạn và một số trường hợp từng ghi nhận tác động tiêu cực lên tim mạch, tâm lý.

Ngoài ra, nỗi lo về việc lạm dụng thuốc để phục vụ mục đích thẩm mỹ hơn là điều trị bệnh lý cũng khiến các cơ quan y tế thận trọng. Việc WHO nay cân nhắc đưa thuốc giảm cân vào danh sách thuốc thiết yếu đánh dấu một bước chuyển mình lớn trong cách tiếp cận bệnh béo phì – từ một vấn đề lối sống sang một vấn đề y tế cần điều trị bằng dược phẩm có căn cứ khoa học rõ ràng.

Mia

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/thoi-trang/who-lan-dau-ung-ho-thuoc-giam-can-dieu-tri-beo-phi-202505020755138286.html
Zalo