Nơi trẻ em phải mang còi báo động, thiết bị định vị khi đi học

Lo ngại con bị tấn công, xâm hại, phụ huynh ở nước này sắm 4-5 thiết bị an toàn để con mang theo bên mình khi tới trường.

 Học sinh Hàn Quốc dùng bọc balo có số 30, tượng trưng cho tốc độ giới hạn của xe ôtô trong khu vực trường học. Ảnh: Korea JoongAng Daily.

Học sinh Hàn Quốc dùng bọc balo có số 30, tượng trưng cho tốc độ giới hạn của xe ôtô trong khu vực trường học. Ảnh: Korea JoongAng Daily.

Gần đây, bà Im Seung-hee (39 tuổi), nhân viên văn phòng sống tại quận Gangseo, Seoul (Hàn Quốc) có thêm việc làm mỗi sáng, trước khi con gái tới trường.

Cụ thể, người mẹ sẽ kiểm tra từng món đồ an toàn cần thiết cho con, bao gồm điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh, nút nhấn báo động cá nhân gắn trên cặp sách.

Ngoài ra, con bà Im còn sử dụng một chiếc bọc để bọc balo, bên trên có ghi số 30. Đây là con số tượng trưng cho tốc độ giới hạn của xe ôtô (30 km/h) trong khu vực trường học.

"Nếu tính thêm thiết bị định vị dự phòng để trong cặp sách, con tôi mang theo khoảng 4-5 món đồ mỗi ngày", bà Im chia sẻ với tờ Chosun Ilbo.

Sắm đủ thứ đồ vì sợ con gặp nguy hiểm

Không riêng con gái bà Im, gần đây, tại Hàn Quốc, việc học sinh phải sử dụng các thiết bị phòng thân và đồ dùng an toàn đang tăng mạnh. Các em không chỉ dùng những công cụ phòng thân có thể đối phó với kẻ phạm tội, mà còn mang theo thiết bị báo động cầm tay, giúp cảnh báo nguy hiểm xung quanh.

Để đảm bảo an toàn, phụ huynh còn trang bị thiết bị định vị siêu nhỏ, được gắn vào cặp sách để liên tục cập nhật vị trí của con.

Kể từ khi Hàn Quốc liên tiếp xảy ra những vụ việc thương tâm khiến học sinh tử vong, việc mua sắm thiết bị an toàn cho con ngày càng lan rộng như một trào lưu. Các phụ huynh sẵn sàng chi nhiều tiền cho những thiết bị này, tin rằng "mình phải bảo vệ con bằng chính đôi tay của mình".

Nếu tìm kiếm “thiết bị phòng thân và an toàn cho trẻ em” trên các trang mua sắm trực tuyến, phụ huynh Hàn Quốc có thể thấy hơn 10 loại sản phẩm liên quan.

Hầu hết sản phẩm này đều được thiết kế dành riêng cho học sinh tiểu học - đối tượng khó tự vệ nếu không may bị tấn công. Một số học sinh nhỏ tuổi hơn thậm chí mang theo hơn 5 thiết bị bên người. Trong trường hợp con còn quá nhỏ, chưa thể dùng điện thoại, cha mẹ sẽ gắn định vị siêu nhỏ lên cặp sách của con.

Để giảm nguy cơ gặp tai nạn giao thông vào ban đêm, cha mẹ còn đầu tư mua thêm miếng phản quang. Vật dụng này sẽ phản chiếu ánh đèn pha ôtô, giúp tài xế nhìn thấy người đi bộ từ khoảng cách 300 m.

 Liên tiếp vụ tấn công, gây tai nạn trẻ em xảy ra khiến phụ huynh Hàn Quốc ngày càng lo lắng cho sự an toàn của con. Ảnh: Yonhap.

Liên tiếp vụ tấn công, gây tai nạn trẻ em xảy ra khiến phụ huynh Hàn Quốc ngày càng lo lắng cho sự an toàn của con. Ảnh: Yonhap.

Chính quyền địa phương cũng vào cuộc

Tuy nhiên, một số thiết bị được cho là quá mức, không cần thiết với học sinh. Ví dụ, vào tháng 3, một phụ huynh có con học tiểu học ở quận Seongdong (Seoul) cho con mang theo dùi cui kim loại đến trường để phòng thân. Sau đó, nhà trường can thiệp và yêu cầu cha mẹ không được cho con mang vật dụng này khi đi học.

Thậm chí, sau vụ học sinh tiểu học bị sát hại ở Daejeon, một phụ huynh đăng bài lên diễn đàn cha mẹ học sinh, hỏi rằng: "Tôi sợ phải cho con đến trường. Tôi có nên mua áo giáp cho con luôn không?".

Theo Chosun Ilbo, việc các cha mẹ ngày càng phụ thuộc vào thiết bị an toàn bắt nguồn từ thực tế ở Hàn Quốc hiện nay, khi các vụ phạm tội và tai nạn nhắm vào học sinh tiểu học vẫn đang gia tăng.

Theo Viện kiểm sát, số vụ phạm tội nghiêm trọng như hành hung, xâm hại tình dục nhắm vào trẻ em dưới 13 tuổi đã tăng 13% trong vòng 5 năm, từ 1.514 vụ vào năm 2019 lên 1.704 vụ vào năm 2023. Cùng kỳ, số vụ bắt cóc trẻ em cũng tăng 48%, từ 138 vụ lên 204 vụ.

Trước lo ngại ngày càng lớn của phụ huynh về sự an toàn của con em, các sở giáo dục và chính quyền địa phương tại Hàn Quốc cũng đang đưa ra nhiều biện pháp ứng phó.

Cụ thể, vào đầu tháng 4, chính quyền thành phố Seoul thông báo sẽ cung cấp thiết bị gọi an toàn cầm tay, có khả năng phát ra âm thanh cảnh báo lên đến 100 decibel (dB) cho toàn bộ học sinh tại 608 trường tiểu học trong thành phố.

Bắt đầu từ tháng tới, 110.000 thiết bị sẽ được phát trước cho học sinh lớp 1 và lớp 2.

Sở Giáo dục Seoul cũng đã tái cơ cấu bộ phận “Quản lý an toàn” thành “Đội quản lý an toàn đường đến trường” từ tháng 1/2025 và quyết định trực tiếp giám sát an toàn trên tuyến đường đi học - nhiệm vụ vốn thuộc thẩm quyền của quận.

Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng cần xây dựng mạng lưới an toàn cả trong và ngoài trường học một cách căn bản.

Những chuyên gia này lấy ví dụ tại Mỹ, cảnh sát thường xuyên túc trực tại các trường tiểu học để ngăn chặn xâm nhập từ bên ngoài và xử lý bạo lực học đường. Họ còn đóng vai trò hướng dẫn và tư vấn cho học sinh.

Còn Nhật Bản có một hệ thống hỗ trợ trường học - nơi các cựu cảnh sát tuần tra định kỳ quanh khu vực trường học và kiểm tra các yếu tố gây nguy hiểm cho trẻ em.

Giáo sư Park Joo-hyung tại khoa Giáo dục (Đại học Giáo dục Gyeongin) nhận định rằng thay vì chỉ để trường học chịu trách nhiệm về an toàn học sinh, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cảnh sát, chính quyền quận và Bộ Nội vụ để xây dựng một mạng lưới an toàn chặt chẽ.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/noi-tre-em-phai-mang-coi-bao-dong-thiet-bi-dinh-vi-khi-di-hoc-post1550141.html
Zalo