Vùng Đồng Tháp Mười vững mạnh bước vào kỷ nguyên mới

Vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) - huyện Tân Phước ngày nay, cách đây hơn 50 năm là vùng đất hoang vu, thưa vắng bóng người, là căn cứ địa cách mạng qua hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Ngã 5 Hồng Kỳ (thuộc xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười) là nơi hợp lưu của 5 con kênh giúp dẫn nước ngọt, tháo chua rửa phèn cho đồng ruộng. Ảnh: Nhựt An/TTXVN

Ngã 5 Hồng Kỳ (thuộc xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười) là nơi hợp lưu của 5 con kênh giúp dẫn nước ngọt, tháo chua rửa phèn cho đồng ruộng. Ảnh: Nhựt An/TTXVN

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, với sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang, địa phương đẩy mạnh chương trình di dân khai hoang lập nghiệp vùng Đồng Tháp Mười. Kết quả, ngày 27/8/1994, huyện Tân Phước (Tiền Giang) được thành lập với quy mô gần 33.000 ha đất tự nhiên và trên 42.000 nhân khẩu đã đặt dấu mốc cho sự đổi thay sâu sắc trên bước đường phát triển của miền đất mới giàu tiềm năng này.

Những người chủ mới trên Đồng Tháp Mười

Ông Lê Văn Bé Hai vốn quê ở xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, cách đây hơn 25 năm hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước, đã đùm túm “bầu đoàn thê tử” vào lập nghiệp ven bờ Nam kênh Tràm Mù, nay thuộc ấp Mỹ Thuận, xã Thạnh Mỹ. Tại đây, ông được cấp khoảng 1,5 ha đất khai hoang, sản xuất, ổn định cuộc sống.

Ông kể, những năm đầu tiên cuộc sống thiếu thốn, vất vả. Đất đai hoang vu, mọc đầy cỏ năn, cỏ bàng hoặc cây tràm gió; dân cư thưa thớt. Thế nhưng với quyết tâm và sự kiên trì, chịu thương, chịu khó, ông khai hoang trồng 1,5 ha dứa (khóm) chuyên canh. Đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất nhiễm phèn Đồng Tháp Mười.

Với năng suất bình quân trên 20 tấn/ha, mỗi năm ông đạt sản lượng dứa thương phẩm trên 30 tấn cung ứng cho thị trường. Thời gian qua, dứa Đồng Tháp Mười luôn có giá cao, từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, ông thu lãi trên 150 triệu đồng/ năm. Thu nhập khá, ông Lê Văn Bé Hai xây cất nhà cửa khang trang, tích lũy thêm đất đai mở rộng quy mô sản xuất. Gần đây, ông còn mua được ô tô riêng để tiện đi lại, nghiễm nhiên trở thành triệu phú vùng đất mới.

Nông dân Nguyễn Văn Diện vào định cư, khai hoang trồng 5 ha dứa tại thị trấn Mỹ Phước. Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp thâm canh theo khoa học, ông đạt năng suất bình quân 25 tấn/ha/năm, sản lượng 125 tấn dứa thương phẩm/năm. Đồng thời, ông còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Ông Diện chia sẻ, mỗi năm, gia đình ông thu hàng tỷ đồng, trở thành một trong những tỷ phú dứa tiêu biểu trên vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang).

Xuất thân là những nông dân nghèo khó, tiên phong hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước vào khai hoang, lập nghiệp, các ông Lê Văn Bé Hai, Nguyễn Văn Diện tiêu biểu cho lớp chủ nhân mới của vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang). Bằng công sức mồ hôi, nước mắt, sự cần cù, nhẫn nại và chịu thương, chịu khó, họ đã góp phần đánh thức tiềm năng kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười, tạo dựng cơ nghiệp bền vững vừa chung tay đưa miền đất khó một thời sang trang mới huy hoàng, thịnh vượng sau 50 năm miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong cho hay, ngay từ ngày đầu thành lập, huyện hướng đến xác lập nền nông nghiệp hàng hóa trên vùng Đồng Tháp Mười. Theo đó, tùy vào các tiểu vùng sinh thái: ngọt, phèn, địa phương xác định các cây trồng chủ lực phù hợp gồm: dứa, cây công nghiệp bản địa, cây lúa, cây ăn quả, cây màu luân canh hoặc chuyên canh…

Hiện, Tân Phước giữ vững vùng trồng lúa năng suất cao khoảng 6.400 ha, mỗi năm đạt diện tích gieo trồng gần 18.000 ha và sản lượng 115.000 tấn lúa hàng hóa/năm; trên 2.400 ha cây ăn quả, sản lượng 4.300 tấn/năm; vùng trồng rau màu trên 1.500 ha, sản lượng mỗi năm không dưới 30.000 tấn… Đặc biệt, sau hơn 30 năm thành lập, toàn vùng đã mở rộng diện tích dứa chuyên canh lên gần 16.000 ha, mỗi năm cho sản lượng dứa thương phẩm trên 300.000 tấn phục vụ công nghiệp chế biến xuất khẩu cũng như thị trường trong nước - lớn nhất khu vực sông Tiền.

Sản xuất phát triển giúp thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc nông nghiệp, nông thôn, nông dân Đồng Tháp Mười cũng như xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn căn cứ kháng chiến chống thực dân, đế quốc năm nào. Chủ tịch Trần Hoàng Phong phấn khởi cho biết, thu nhập bình quân đầu người tại đây tăng lên trên 64,3 triệu đồng/ người/ năm, gấp ba lần khi mới thành lập huyện; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 1,23%.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập (27/8/1994 - 27/8/2024), Tân Phước long trọng ra mắt huyện đạt chuẩn nông thôn mới - một sự kiện làm nức lòng các cấp, các ngành và nhân dân địa phương. Tân Phước đang hướng đến mục tiêu, cuối năm 2025, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 73,6 triệu đồng/ người/năm, tăng 14,5% so năm 2024 và đến năm 2030 đạt 85 triệu đồng/người/ năm. Đồng thời, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,15% năm 2025 và đến năm 2030 xuống dưới mức 1%.

Phát triển công nghiệp để mạnh bước tiến vào kỷ nguyên mới

Tân Phước ngày nay có vị trí đắc địa, với tuyến Quốc lộ 1, cao tốc Trung Lương – Thành phố Hồ Chí Minh và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chạy ngang kết nối các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, lợi thế có quỹ đất dồi dào để phát triển các khu – cụm công nghiệp, giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho người dân. Ước tính, riêng quỹ đất dành phát triển công nghiệp của Tân Phước lên đến hàng chục ngàn ha, lớn nhất so với các địa phương khác trong tỉnh Tiền Giang.

Toàn cảnh khu công nghiệp Long Giang ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TTXVN phát

Toàn cảnh khu công nghiệp Long Giang ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TTXVN phát

Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong cho biết, cùng với xây dựng thành công huyện nông thôn mới, Tân Phước tiếp tục hướng tới nắm bắt những thời cơ, vận hội phát triển mạnh mẽ thế mạnh và tiềm năng công nghiệp nhằm đưa địa phương mạnh bước tiến vào kỷ nguyên mới.

Trước mắt, trên địa bàn đã có Khu công nghiệp Long Giang quy mô 540 ha đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Khu công nghiệp Long Giang thu hút 55 dự án với tổng vốn đầu tư trên 1,79 tỷ USD và 90 tỷ VND, tỷ lệ lấp đầy gần 79% tổng diện tích đất công nghiệp và thu hút trên 24.000 lao động.

Bên cạnh đó, khu công nghiệp Tân Phước 1, quy mô 470 ha đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư là Công ty Cổ phần IDICO Tiền Giang. Ngoài ra, theo Quyết định 1762/QĐ-TTg ngày 31-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang đã thống nhất danh mục phát triển công nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, huyện Tân Phước được đưa vào danh mục đầu tư 3 Khu công nghiệp và 6 Cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 1.200 ha.

Theo lãnh đạo huyện Tân Phước, địa phương phát triển công nghiệp theo hướng tập trung mời gọi các dự án công nghiệp ít ô nhiễm môi trường với cơ cấu phù hợp ngành nghề và phù hợp quy hoạch tổng thể; chú trọng các ngành công nghiệp mũi nhọn, có lợi thế so sánh về nguồn nguyên liệu tại chỗ cũng như vị trí địa lý, đất đai, nguồn nhân lực. Song song đó, khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống như: chế biến gỗ, trang trí nội thất, đan lát, chế biến lương thực thực phẩm…

Khai thác hợp lý các tiềm năng đất đai, lao động, ngành nghề phù hợp với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2050 sẽ thiết thức đưa huyện nông thôn mới Tân Phước hôm nay vững bước tiến lên công nghiệp hóa - hiện đai hóa trong tương lai không xa.

Minh Trí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dia-phuong/vung-dong-thap-muoi-vung-manh-buoc-vao-ky-nguyen-moi-20250501151714432.htm
Zalo