Điện gió ngoài khơi: Cần khung pháp lý để 'mở cửa' làn sóng đầu tư

Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng toàn cầu, điện gió ngoài khơi đang nổi lên như một trong những giải pháp chiến lược giúp Việt Nam hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với tiềm năng lên tới hàng trăm gigawatt, lĩnh vực này không chỉ mở ra cơ hội bảo đảm an ninh năng lượng mà còn thu hút được làn sóng đầu tư nước ngoài trị giá hàng tỷ USD. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả, Việt Nam cần sớm xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng và ổn định nhằm tạo nền tảng phát triển bền vững cho ngành công nghiệp non trẻ nhưng đầy hứa hẹn này.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi lên tới hơn 500 GW, đứng đầu Đông Nam Á. Các khu vực ven biển như Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau… được đánh giá là có điều kiện lý tưởng với tốc độ gió ổn định và vùng biển rộng.

Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi lên tới hơn 500 GW, đứng đầu Đông Nam Á

Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi lên tới hơn 500 GW, đứng đầu Đông Nam Á

Nắm bắt tiềm năng này, nhiều tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới đã bày tỏ mong muốn đầu tư mạnh vào Việt Nam. Đơn cử như Copenhagen Infrastructure Partners (CIP, Đan Mạch) cam kết rót hơn 10 tỷ USD vào một số dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận. Tập đoàn Orsted (Đan Mạch), đơn vị dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này, cũng đã tiến hành khảo sát vùng biển miền Nam để chuẩn bị triển khai dự án. Ngoài ra, các tên tuổi khác như Equinor (Na Uy), Mainstream Renewable Power (Ireland) hay Enterprize Energy cũng đang tích cực xúc tiến đầu tư…

Đặc biệt là sự góp mặt của Pacifico Energy chuyên phát triển các dự án năng lượng tái tạo và nhiên liệu hóa thạch, sở hữu nhiều dự án điện mặt trời và điện gió tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Tập đoàn này cũng được biết đến là nhà phát triển điện mặt trời lớn nhất Nhật Bản.

Tại Việt Nam, Tập đoàn này đã triển khai thành công dự án điện mặt trời 40MW tại Bình Thuận hoàn thành vào năm 2019 và đang phát triển dự án điện gió 30MW tại Bến Tre, dự kiến vận hành vào năm 2025.

Mặc dù có tiềm năng lớn và sức hút đầu tư mạnh, nhưng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam hiện vẫn chưa phát triển tương xứng. Nguyên nhân chính được các chuyên gia và doanh nghiệp chỉ ra là do thiếu khung pháp lý đồng bộ và minh bạch.

Điện gió ngoài khơi tại Việt Nam hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng

Điện gió ngoài khơi tại Việt Nam hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhận định: “Việc thiếu quy định cụ thể về cấp phép khảo sát, sử dụng mặt biển, đấu nối lưới điện hay mua bán điện… đang khiến các nhà đầu tư rơi vào trạng thái ‘chờ đợi’, dẫn tới lãng phí thời gian và cơ hội”.

Thực tế, hiện chưa có luật riêng dành cho năng lượng tái tạo nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng. Nhiều quy trình vẫn đang được xử lý theo các văn bản hướng dẫn tạm thời hoặc chờ cập nhật trong Luật Điện lực sửa đổi, Luật Biển hoặc các nghị định liên quan. Điều này tạo ra không ít rủi ro pháp lý và thiếu chắc chắn cho các dự án quy mô hàng tỷ USD.

Để thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi một cách bài bản và bền vững, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đó là: Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành luật hoặc nghị định riêng cho điện gió ngoài khơi, bao gồm cơ chế cấp phép khảo sát, quyền sử dụng biển, quy trình lựa chọn nhà đầu tư và hợp đồng mua bán điện (PPA); Cần xác định rõ vùng biển nào được ưu tiên phát triển điện gió, tích hợp vào Quy hoạch điện VIII và đảm bảo không xung đột với các hoạt động hàng hải, nuôi trồng thủy sản và an ninh quốc phòng…; Do suất đầu tư lớn (khoảng 3–5 triệu USD/MW), cần thiết lập cơ chế giá điện đủ hấp dẫn, dài hạn và rõ ràng để nhà đầu tư có thể huy động vốn quốc tế. Hình thức đấu thầu cạnh tranh có thể áp dụng sau khi thị trường đủ trưởng thành; Tình trạng quá tải lưới điện tại nhiều địa phương có tiềm năng lớn như Bình Thuận, Ninh Thuận… đang là điểm nghẽn. EVN cần phối hợp với nhà đầu tư để nâng cấp và mở rộng hệ thống truyền tải phù hợp với quy mô các dự án; Việc hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm như Đan Mạch, Đức, Anh… không chỉ giúp tiếp cận công nghệ tiên tiến mà còn hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng nội địa (đóng tàu, cáp ngầm, dịch vụ hậu cần…) tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng trong nước.

Dự báo đến năm 2030, Việt Nam có thể phát triển được 6–10 GW điện gió ngoài khơi nếu có cơ chế chính sách thuận lợi. Con số này có thể tăng lên 30–40 GW vào năm 2045, đóng góp đáng kể vào mục tiêu phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Jens Eskelund, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhấn mạnh, điện gió ngoài khơi là cơ hội lớn để Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng tái tạo trong khu vực. Tuy nhiên, nếu không có khung pháp lý phù hợp và sự nhất quán trong điều hành, cơ hội này có thể sẽ bị các quốc gia khác vượt qua.

điện gió ngoài khơi không chỉ là giải pháp năng lượng bền vững mà còn là “mỏ vàng xanh” của Việt Nam

điện gió ngoài khơi không chỉ là giải pháp năng lượng bền vững mà còn là “mỏ vàng xanh” của Việt Nam

Có thể nhận thấy, điện gió ngoài khơi không chỉ là giải pháp năng lượng bền vững mà còn là “mỏ vàng xanh” nếu Việt Nam biết khai thác đúng cách. Muốn vậy, điều kiện tiên quyết là xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng, ổn định và minh bạch để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, thúc đẩy dòng vốn quốc tế chảy mạnh vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Đức Hiền

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dien-gio-ngoai-khoi-can-khung-phap-ly-de-mo-cua-lan-song-dau-tu-163596.html
Zalo