Đồng bộ các chính sách, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển toàn diện

Trao đổi với phóng viên Báo Tài chính - Đầu tư, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, cần đồng bộ các chính sách để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển toàn diện trong thời gian tới.

Trong những năm qua, kinh tế tư nhân đã và đang đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh tư liệu

Trong những năm qua, kinh tế tư nhân đã và đang đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh tư liệu

PV: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực thi nhiều chính sách tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp khởi nghiệp. Vậy những chính sách tài chính đã hỗ trợ hiệu quả khu vực kinh tế này ra sao, thưa ông?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Chúng ta có thể thấy rõ, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Hệ thống chính sách tài chính được xây dựng tương đối toàn diện, hướng tới mục tiêu bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và tập trung vào bốn nhóm: hỗ trợ đầu vào như chính sách đất đai; hỗ trợ đầu ra qua thuế và xúc tiến thương mại; hỗ trợ vốn, tài chính, bảo hiểm trong quá trình sản xuất; và các chính sách nâng cao năng lực như đào tạo, kế toán, kiểm toán, khoa học - công nghệ. Những chính sách này đã góp phần tạo dựng một môi trường thể chế thuận lợi, tâm lý xã hội tích cực cho khu vực tư nhân.

“Đòn bẩy” cho một Việt Nam vươn mình

TS. Nguyễn Như Quỳnh cho rằng, phát triển kinh tế tư nhân chính là chiến lược, chính sách lâu dài của đất nước và xác định đây là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, “đòn bẩy” cho một Việt Nam vươn mình.

Các DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi từ ngân sách nhà nước, thông qua các quỹ như Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia, Quỹ Hỗ trợ DNNVV… Ngoài ra, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có điều chỉnh phù hợp. Từ năm 2013, DNNVV được áp dụng mức thuế suất 20%, thấp hơn mức phổ thông. Dự thảo Luật Thuế TNDN mới tiếp tục đề xuất mức ưu đãi thấp hơn nữa cho nhóm này.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2020 - 2024, giữa bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, Chính phủ đã triển khai hàng loạt giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nhờ đó, năm 2024 ghi nhận con số kỷ lục 76.179 doanh nghiệp quay lại hoạt động, và chỉ trong quý I/2025, đã có hơn 36.500 doanh nghiệp tái gia nhập thị trường - tăng 54,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc đổi mới chính sách tài chính phải được đặt trong mối quan hệ tương quan với các chính sách khác nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển toàn diện. Ông nhìn nhận thế nào về ý kiến này?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Để khu vực kinh tế tư nhân phát triển toàn diện và bền vững, cần tạo lập một hệ thống chính sách đồng bộ, thay vì những giải pháp đơn lẻ; cần đặt chính sách tài chính trong mối quan hệ chặt chẽ, đồng bộ với các chính sách khác.

Vì vậy, cần có cách tiếp cận liên ngành, liên thông giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bảo hộ sở hữu trí tuệ, lao động... Điều này sẽ giúp tạo ra một “hệ sinh thái hỗ trợ” đồng bộ. Trong đó, chính sách tài chính là một trụ cột quan trọng, song hành cùng cải cách thể chế và môi trường kinh doanh thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển toàn diện.

Kinh nghiệm phát triển khu vực kinh tế tư nhân như Hàn Quốc, Singapore cho thấy, để tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân bứt phá không chỉ đến từ các chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ trực tiếp từ nhà nước mà còn đến từ sự đồng bộ về pháp luật, đất đai; chính sách phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục đào tạo và những cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh. Đây là những mô hình Việt Nam có thể học hỏi để phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

PV: Để kinh tế tư nhân “bùng nổ”, theo ông, cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh, trong đó có các chính sách tài chính như thế nào?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Tôi cho rằng, cần sớm ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân với quan điểm chủ đạo kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; góp phần xây dựng một Việt Nam năng động, độc lập, tự chủ, tự cường và thịnh vượng. Đồng thời, chính sách đưa ra cần tháo gỡ các điểm nghẽn, cần: Trúng, đúng, đủ mạnh, mang tính đột phá; tính hành động cao hơn; cụ thể, rõ ràng, tính khả thi cao hơn.

Về phía chính sách tài chính, theo tôi cần tập trung vào một số vấn đề chính: Thứ nhất, nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách giao, đặt hàng khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào một số dự án và nghiên cứu khoa học trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Thứ hai, nghiên cứu điều chỉnh các chính sách tài chính theo hướng đặt trọng tâm chính sách, nhằm khuyến khích về chất lượng, ưu tiên xây dựng các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu; tập trung chính sách hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phát triển thành doanh nghiệp quy mô vừa và các doanh nghiệp quy mô vừa thành các doanh nghiệp lớn; hình thành một số tập đoàn tư nhân đủ mạnh, quy mô lớn để dẫn dắt chuỗi giá trị trong nước và mở rộng, tham gia thị trường toàn cầu.

Thứ ba, nghiên cứu cơ chế chính sách thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và xây dựng và phát triển thương hiệu giúp kinh tế tư nhân bứt phá và vươn tầm quốc tế...

Thứ tư, tháo gỡ rào cản về môi trường, điều kiện kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi và bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận vốn, đất đai, các chính sách ưu đãi và các nguồn lực khác.

Thứ năm, tiếp tục cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo niềm tin cho doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dong-bo-cac-chinh-sach-thuc-day-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-toan-dien-175632-175632.html
Zalo