Vinpearl, TCBS, Hoa Sen và những cuộc chơi tỷ đô

Giữa những thách thức của nền kinh tế, các 'ông lớn' như Vingroup, Techcombank, Tập đoàn Hoa Sen vẫn đang âm thầm tìm kiếm cơ hội tái cấu trúc và mở rộng hoạt động kinh doanh. Một trong những chiến lược họ nhắm tới chính là IPO các công ty con...

Thực tế, năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam khá trầm lắng khi chỉ ghi nhận một thương vụ IPO đó là Chứng khoán DNSE (mã chứng khoán: DSE) lên sàn HOSE vào tháng 7. Dẫu vậy, giới đầu tư vẫn không giấu được sự kỳ vọng vào những cái tên đang âm thầm chuẩn bị, hứa hẹn sẽ tạo nên tạo nên cú nổ lớn trong năm 2025.

NHỮNG CÁI TÊN NÀO SẼ LÀM RUNG CHUYỂN THỊ TRƯỜNG

Trong danh sách những "ngôi sao" sáng giá, Công ty Cổ phần Vinpearl, công ty thành viên của Vingroup đang thu hút sự chú ý lớn vì dự kiến sẽ niêm yết vào tháng 5 năm nay. Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 24/4, Chủ tịch Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng, xác nhận Vinpearl đang hoàn tất các thủ tục để niêm yết cổ phiếu trong tháng 4/2025, với kỳ vọng chính thức chào sàn vào tháng 5/2025.

Sở hữu thương hiệu lớn trong lĩnh vực du lịch - khách sạn cùng kết quả kinh doanh ấn tượng, Vinpearl hiện có vốn điều lệ gần 18.000 tỷ đồng sau đợt phát hành mới, tự định giá khoảng 5 tỷ USD. Công ty cũng đã nộp hồ sơ niêm yết gần 1,8 tỷ cổ phiếu VPL lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, đặt mục tiêu doanh thu 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.700 tỷ đồng cho năm 2025.

Không chỉ riêng Vinpearl, TCBS cũng đang gấp rút chuẩn bị IPO, dự kiến vào cuối năm 2025 nếu điều kiện thị trường thuận lợi. Ngân hàng mẹ Techcombank đã khởi động quá trình hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược và nhận được đánh giá tích cực về tiềm năng tăng trưởng của TCBS.

Tuy nhiên, trong Đại hội cổ đông thường niêm năm 2025, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cũng thừa nhận quá trình này không đơn giản, phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường tài chính và tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. TCBS đang nỗ lực duy trì tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) cao, thể hiện sức mạnh nội tại khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.310 tỷ đồng trong quý 1/2025, tăng mạnh so với cùng kỳ.

Một "ông lớn" khác là Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) cũng ấp ủ ý tưởng IPO cho hai công ty con là Công ty Cổ phần Ống thép Hoa Sen và Công ty Cổ phần Nhựa Hoa Sen. Trong đó, công ty con hoạt động trong lĩnh vực ống thép, Hoa Sen Phú Mỹ, đã được chuyển đổi thành công ty cổ phần và dự kiến sẽ thực hiện IPO trong khoảng thời gian từ 1 đến 5 năm tới.

Đồng thời, một phần quan trọng trong hệ thống bán lẻ của Hoa Sen, Hoa Sen Home, cũng sẽ được tách thành một công ty độc lập và lên sàn chứng khoán trong vòng 5 năm tới. Hệ thống bán lẻ hiện có hơn 120 cửa hàng, góp phần đáng kể vào mạng lưới phân phối của Hoa Sen trên toàn quốc.

Cuộc đua IPO trên thị trường càng trở nên sôi động với sự gia nhập của những cái tên mới từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai của Bầu Đức đang thu hút sự chú ý lớn. Vị doanh nhân nổi tiếng này từng úp mở về kế hoạch đưa mảng nông nghiệp lên sàn, hứa hẹn sẽ tạo ra những bất ngờ đáng chờ đợi trong năm tới.

Theo tiết lộ mới nhất, Hoàng Anh Gia Lai sẽ phối hợp với Công ty Chứng khoán LPBank (LPBS) để hiện thực hóa thương vụ IPO này. Bầu Đức đặt nhiều kỳ vọng vào việc niêm yết, không chỉ nhằm huy động nguồn vốn quan trọng phục vụ sản xuất và mở rộng quy mô, mà còn là bước đi chiến lược nhằm nâng tầm giá trị thương hiệu Chăn nuôi Gia Lai trong mắt nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Không chỉ dừng lại ở những "ông lớn" quen thuộc, làn sóng IPO còn đang lan rộng mạnh mẽ khi nhiều doanh nghiệp khác cũng ráo riết chuẩn bị gia nhập đường đua. Bên cạnh các ngành thép, bất động sản, tiêu dùng, những "gã khổng lồ" trong lĩnh vực bán lẻ cũng không giấu tham vọng bứt phá. Thế Giới Di Động (MWG) và FPT Retail (FRT) đã lên kế hoạch niêm yết các công ty con như Bách Hóa Xanh và Long Châu, hứa hẹn khuấy động thị trường trong thời gian tới.

Đáng chú ý, cuộc đua IPO không chỉ là sân chơi riêng của các doanh nghiệp nội. Tập đoàn CP Foods (Thái Lan) cũng đang tăng tốc triển khai kế hoạch IPO cho chi nhánh CP Vietnam sau nhiều năm chờ đợi. Hiện tại, hồ sơ niêm yết của công ty này đã được cơ quan chức năng Việt Nam tiếp nhận và dự kiến lên sàn vào năm nay.

NHỮNG TÍN HIỆU KHỞI SẮC CÓ ĐỦ ĐỂ BỨT PHÁ?

Những năm gần đây, hoạt động IPO tại Việt Nam diễn ra khá trầm lắng, thiếu vắng những thương vụ đủ sức khuấy động thị trường như giai đoạn hoàng kim 2018, khi hàng loạt cái tên lớn như Vinhomes (VHM), Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) hay Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) đồng loạt chào sàn. Khi ấy, nhờ làn sóng cổ phần hóa mạnh mẽ và những chính sách thúc đẩy từ cơ quan quản lý, thị trường IPO Việt Nam từng có thời kỳ sôi động hiếm có.

Tuy nhiên, sự bùng nổ này không kéo dài. Các năm sau đó, thị trường IPO dần thưa thớt. Mặc dù vậy, theo Deloitte (một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới), Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ nền tảng vĩ mô ổn định: lạm phát được kiểm soát, nguồn tín dụng dồi dào và cải cách chính sách tích cực. Dù vậy, để chuyển hóa tiềm năng thành thực tế, cần sự đồng bộ từ cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Deloitte nhấn mạnh, chuẩn bị cho IPO không chỉ là kế hoạch chào bán cổ phiếu mà còn là cơ hội để doanh nghiệp đánh giá lại toàn diện hoạt động, cải thiện quản trị, nâng cấp vận hành và duy trì giá trị cốt lõi. IPO nên được xem là bước khởi đầu cho một hành trình phát triển dài hạn, chứ không phải đích đến.

Trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu khởi sắc, kỳ vọng đang dồn vào năm 2025, khi môi trường vĩ mô thuận lợi hơn có thể thúc đẩy làn sóng IPO mới. Tại tọa đàm "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới", ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thừa nhận rằng số lượng doanh nghiệp IPO và niêm yết mới hiện còn hạn chế. Theo ông, đây là vấn đề hai chiều: thiếu doanh nghiệp lớn khiến nhà đầu tư ngần ngại, còn sự thiếu vắng nhà đầu tư lại khiến doanh nghiệp do dự lên sàn.

Nhiều doanh nghiệp hiện nay lo ngại không tìm đủ nhà đầu tư hấp thụ lượng cổ phiếu chào bán hoặc e ngại việc phân tán quyền sở hữu. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài lại mong muốn có thêm nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết để tăng cơ hội đầu tư, tạo nên vòng luẩn quẩn.

Một rào cản khác cũng được chỉ ra: quy trình IPO và niêm yết tại Việt Nam hiện vẫn tách biệt. Sau IPO, doanh nghiệp phải mất thời gian dài mới hoàn tất niêm yết, làm gián đoạn thanh khoản và giảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ nước ngoài.

Để tháo gỡ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang sửa đổi quy định theo hướng tích hợp quy trình IPO và niêm yết, cho phép doanh nghiệp niêm yết gần như ngay lập tức sau IPO. Nếu các giải pháp này được triển khai hiệu quả, năm 2025 hoàn toàn có thể mở ra chu kỳ tăng trưởng mới cho thị trường vốn Việt Nam, với những thương vụ IPO quy mô lớn và đầy triển vọng.

Thiên Ân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/vinpearl-tcbs-hoa-sen-va-nhung-cuoc-choi-ty-do-post559602.html
Zalo