Sau sáp nhập, TP.HCM có thể tiệm cận Bangkok, Singapore?

TP.HCM mới sẽ vượt Kuala Lumpur và tiệm cận Bangkok về dân số lẫn kinh tế, hướng tới hình thành trung tâm đô thị - công nghiệp - cảng biển phát triển như Singapore, Thượng Hải.

 TP.HCM đang đứng trước ngưỡng cửa mới với việc sáp nhập cùng Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, trở thành siêu đô thị mới của châu Á. Ảnh: Quỳnh Danh.

TP.HCM đang đứng trước ngưỡng cửa mới với việc sáp nhập cùng Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, trở thành siêu đô thị mới của châu Á. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đến nay, Hội đồng nhân dân TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đều đã biểu quyết thông qua các Nghị quyết tán thành chủ trương hợp nhất 3 địa phương để hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ.

Hiện, UBND TP.HCM đang hoàn tất đề án sáp nhập, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 5. Theo lộ trình, Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9 và TP.HCM mới sẽ đi vào hoạt động từ ngày 15/9.

Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm mở rộng không gian phát triển đô thị, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiện thực hóa mục tiêu đưa TP.HCM trở thành siêu đô thị mang tầm khu vực và quốc tế.

Quy mô siêu đô thị TP.HCM trong khu vực

Khi phương án sáp nhập hoàn thành, TP.HCM mới sẽ có tổng diện tích hơn 6.770 km2, hơn gấp 3 lần diện tích hiện tại. Quy mô dân số ước đạt hơn 13,7 triệu người, tăng gần 1,4 lần so với dân số hiện hữu của TP.HCM và chiếm hơn 13% dân số cả nước.

Xét về diện tích, TP.HCM sau sáp nhập sẽ gần tương đương với các vùng đô thị lớn của châu Á như Jakarta (7.600 km2), Bangkok (7.762 km2) và vượt qua Thượng Hải (6.340 km2). Đặc biệt, so với các trung tâm kinh tế khác trong khu vực Đông Nam Á như Kuala Lumpur (2.243 km2) hay Singapore (728 km2) thì TP.HCM mới vượt trội rõ rệt.

Về dân số, TP.HCM mới cũng bước vào nhóm siêu đô thị hàng đầu Đông Nam Á, vượt qua Jakarta (10,5 triệu người), Kuala Lumpur (8,2 triệu người), Singapore (5,7 triệu người), và tiệm cận Bangkok (14,6 triệu người), tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với Thượng Hải (27 triệu người).

Còn trên phương diện kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của toàn khu vực TP.HCM mới tính theo quy mô năm 2024 vào khoảng 2,72 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 104 tỷ USD, đóng góp gần 1/4 GDP Việt Nam năm qua. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 9.600 USD.

Như vậy, quy mô kinh tế của đô thị lớn nhất Việt Nam vượt qua Jakarta (100 tỷ USD) và Kuala Lumpur (80 tỷ USD), tương đương 80% GRDP của Bangkok (130 tỷ USD), nhưng vẫn còn cách xa Singapore (501 tỷ USD) và Thượng Hải (696 tỷ USD).

Ngưỡng cửa mới với cơ hội bứt phá mạnh mẽ

Tuy nhiên, rõ ràng việc sáp nhập không chỉ đơn thuần là mở rộng không gian đô thị về mặt địa lý, mà sẽ tạo nên sự cộng hưởng thế mạnh giữa các địa phương. Trên thực tế, TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là 3 trong 6 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước với các trụ cột tăng trưởng riêng.

Nếu GRDP của TP.HCM phụ thuộc nhiều vào khu vực thương mại - dịch vụ với tỷ trọng 65,5% năm 2024, Bình Dương những năm gần đây đang nổi lên là địa phương phát triển công nghiệp mạnh mẽ, còn Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu lợi thế về các ngành công nghiệp nặng, cảng biển và dầu khí.

Sau sáp nhập, TP.HCM sẽ tiếp tục giữ vai trò trung tâm tài chính và thương mại của cả nước, đặc biệt khi đề án hình thành trung tâm tài chính quốc tế đang ráo riết được triển khai, và quy mô dân số được nhân rộng cũng tạo tiền đề để phát triển thị trường tiêu dùng trên địa bàn.

Không những vậy, siêu đô thị mới còn sở hữu tiềm lực công nghiệp vượt trội nhờ hệ thống khu công nghiệp và cảng biển được mở rộng đáng kể. Đặc biệt, đô thị mới có điều kiện phát triển hệ sinh thái công nghiệp - cảng biển - dịch vụ hậu cần đồng bộ, tương tự mô hình đã phát triển thành công tại các đô thị lớn như Singapore hay Thượng Hải.

Hiện, TP.HCM đang đặt kỳ vọng vào dự án siêu cảng Cần Giờ, với công suất thiết kế lên đến 16,9 triệu TEU/năm, khi đi vào hoạt động sẽ nâng tổng năng lực thông quan hàng hóa toàn địa bàn TP.HCM mới đạt 32,7 triệu TEU/năm, tương đương nhiều siêu cảng hàng đầu châu Á.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm nay và hai con số trong các năm tới, cả TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đều tự đặt chỉ tiêu tăng trưởng ít nhất 10% để đóng góp vào kế hoạch chung của cả nước.

 TP.HCM sau sáp nhập không chỉ giữ vai trò trung tâm tài chính và thương mại của cả nước, mà còn được kỳ vọng sẽ phát triển hệ sinh thái công nghiệp - cảng biển - dịch vụ hậu cần đồng bộ, tương tự các đô thị lớn khác của châu Á. Ảnh: Quỳnh Danh.

TP.HCM sau sáp nhập không chỉ giữ vai trò trung tâm tài chính và thương mại của cả nước, mà còn được kỳ vọng sẽ phát triển hệ sinh thái công nghiệp - cảng biển - dịch vụ hậu cần đồng bộ, tương tự các đô thị lớn khác của châu Á. Ảnh: Quỳnh Danh.

Phát biểu tại một sự kiện nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính sẽ tạo nền tảng hình thành trung tâm kinh tế lớn trong tương lai gần, tương tự Singapore, Thượng Hải, Dubai, London, NewYork...

Tổng Bí thư kể rằng khi thử hỏi AI về quy mô của TP.HCM mới, câu trả lời là "sẽ có quy mô như Thượng Hải của Trung Quốc". "Nói như vậy để thấy chúng ta phấn đấu như thế nào nhằm hình thành một trung tâm có tầm cỡ như trên, tạo ra sự phát triển vượt bậc", Tổng Bí thư nói.

Từ đó, Tổng Bí thư Tô Lâm giao TP.HCM mới sứ mệnh trở thành siêu đô thị quốc tế, đồng thời gắn bó sâu sắc hơn với các tỉnh phía Nam nhằm tái thiết kế chiến lược phát triển vùng, tạo tổng thể mới vượt trội hơn.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/sau-sap-nhap-tphcm-co-the-tiem-can-bangkok-singapore-post1550694.html
Zalo