Vĩnh Phúc: Ưu tiên nguồn lực phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII đặt mục tiêu đến năm 2045, Vĩnh Phúc là trở thành thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt: kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc; xã hội phát triển hài hòa; môi trường tự nhiên trong lành, đáng sống.
![Năm 2024, Vĩnh Phúc có 73,62% số trường mầm non, 68,49% trường tiểu học, 71,23% trường THCS và 68,72% trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: vinhphuc.gov.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_624_51474133/2cf656ed67a38efdd7b2.jpg)
Năm 2024, Vĩnh Phúc có 73,62% số trường mầm non, 68,49% trường tiểu học, 71,23% trường THCS và 68,72% trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: vinhphuc.gov.vn
Đảm bảo an sinh xã hội và lao động việc làm
Bình quân hằng năm, tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết việc làm mới cho trên 20.000 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Công tác hỗ trợ lao động tiếp tục được triển khai thông qua các chương trình tư vấn việc làm, đào tạo nâng cao tay nghề và kết nối cung - cầu lao động.
Trong tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 1.007 lao động. Trong đó: giải quyết 156 việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; 315 việc làm trong khu vực công nghiệp - xây dựng; 521 việc làm khu vực dịch vụ; 15 người đi xuất khẩu lao động. Chỉ số sử dụng lao động trong lĩnh vực công nghiệp tháng 01/2025 tăng 1,09% so với tháng trước và tăng 0,40% so với cùng kỳ, phản ánh tín hiệu tích cực về nhu cầu lao động của doanh nghiệp.
Năm 2024, toàn tỉnh có trên 93% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 95% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa. Hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Một thành tựu nổi bật của Vính Phúc là đến cuối năm 2011, tỉnh đã cơ bản xóa xong nhà tạm cho hộ nghèo, không có hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công. Đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều giảm còn 0,44%; tỷ lệ lực lượng trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đạt 45,52%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 39,5%.
Tháng 01/2025, BHXH tỉnh đã xây dựng dự toán, kế hoạch thu, chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHTN cho BHXH huyện, thành phố. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT đến nhân dân, tạo sự lan tỏa sâu rộng, nhất là đối với nhóm đối tượng là nông dân, người lao động tự do.
Tính đến 31/01/2025, tỉnh có khoảng 264.142 người tham gia BHXH, chiếm 43,52% lực lượng lao động; 230.017 người tham gia BHTN, chiếm 37,89% lực lượng lao động; 1.148.487 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94,81% dân số.
Tổng số tiền thu bảo hiểm các loại ước tính đến 31/01/2025 đạt 588,96 tỷ đồng, tăng 29,78% so với cùng kỳ năm trước. Công tác chi trả, nhất là trả lương hưu và trợ cấp BHXH được thực hiện đồng bộ, nhanh gọn và an toàn đến tận tay đối tượng. Qua đó, trong tháng 01/2025, BHXH tỉnh đã giải quyết hưởng BHXH hàng tháng cho 62 người; giải quyết hưởng BHXH một lần cho 832 người; giải quyết ốm đau, thai sản, dưỡng sức cho 9.664 lượt người; lập danh sách chi trả cho 620 lượt người hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập ngày 12/02/1950 trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên. Ngày 26/01/1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504 về hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Sau gần 29 năm hợp nhất, tháng 11/1996, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra Nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Ngày 01/01/1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và đi vào hoạt động với diện tích gần 1.400 km2, dân số 1,1 triệu người.
Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, bằng tư duy đổi mới, sáng tạo, chủ động vượt khó, các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân, tỉnh Vĩnh Phúc đã từng bước vượt qua mọi khó khăn, thách thức; xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng giàu mạnh, phồn vinh; cùng cả nước đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tiếp bước con đường cách mạng vinh quang của Đảng, của dân tộc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh của dân tộc.
Tập trung đầu tư giáo dục, đào tạo
Cùng với tăng trưởng kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh không ngừng phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp phát triển của tỉnh. Đến nay, hệ thống mạng lưới trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông được quy hoạch, đầu tư cơ bản hoàn chỉnh. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được trang bị đồng bộ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Công tác xã hội hóa giáo dục được chú trọng, phương thức đào tạo ngày càng được mở rộng, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân. Tỷ lệ phòng học kiên cố bậc mầm non đạt hơn 90%, bậc tiểu học và THCS đạt hơn 98%, bậc THPT đạt 100%. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm, năm 2024, có 73,62% số trường mầm non, 68,49% trường tiểu học, 71,23% trường THCS và 68,72% trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
Chất lượng dạy và học ở các cấp tiếp tục được nâng lên, Vĩnh Phúc có 2 năm học liên tiếp đứng thứ nhất toàn quốc về điểm trung bình chung các môn thi tốt nghiệp THPT; học sinh của tỉnh luôn đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Đặc biệt, Vĩnh Phúc luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước.
Trong tháng 01/2025, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức các lễ hội hướng đến việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc, giúp các em học sinh hiểu biết sâu sắc hơn về phong tục tập quán truyền thống mà còn tăng cường tình cảm gia đình và cộng đồng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh qua các giai đoạn luôn đạt ở mức cao, có năm tăng trưởng kinh tế đạt trên 20%. Cụ thể, giai đoạn 1997 - 2021, GRDP của tỉnh đạt 13,42%/năm; năm 2024 đạt 7,52%, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô GRDP ước đạt 173,14 nghìn tỷ đồng, tăng 15,66 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 10% so với năm 2023, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người ước đạt 141,3 triệu đồng/người/năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2024 ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 62,37%; ngành dịch vụ chiếm 30,88%; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 6,75%.
Ưu tiên nguồn lực phát triển y tế theo chuẩn quốc gia
Với quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng của con người lên trên hết, tỉnh Vĩnh Phúc đã ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở y tế theo chuẩn quốc gia. Trong đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh đã xây mới và đưa Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 1.000 giường bệnh và Bệnh viện Sản Nhi quy mô 500 giường bệnh vào hoạt động; đầu tư nâng cấp các Trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã, bảo đảm 100% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc, có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi và đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Hết năm 2024, Vĩnh Phúc có 16,9 bác sỹ/vạn dân; 43,6 giường bệnh/vạn dân; 95,6% người dân được theo dõi, quản lý sức khỏe; gần 95% dân số có BHYT. Các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện tốt hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Chủ động tiếp nhận thông tin để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc, nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được chỉ đạo, thực hiện thường xuyên, liên tục. Từ ngày 15/12/2024 đến ngày 14/01/2025, các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra ở 178 cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống. Kết quả, 178 cơ sở đều đạt quy định về an toàn thực phẩm./.
Vĩnh Phúc đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh năm 2010; Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2007 và năm 2015; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2017 và năm 2020 cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.