Vịnh Hạ Long - Động lực quan trọng của nền kinh tế xanh

Trong một thập kỷ phát triển vừa qua, kinh tế xanh luôn là mục tiêu chiến lược được Quảng Ninh duy trì thực hiện và đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, ngành du lịch đã có những bước tăng tốc, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP. Trong đó, Vịnh Hạ Long là một động lực quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp không khói này.

Vịnh Hạ Long - 3 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Vịnh Hạ Long - 3 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Năm 1994 với những giá trị cảnh quan tự nhiên, tiêu chí về địa chất, địa mạo, Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên của Việt Nam. Năm 2023 sau gần 30 năm, cùng với Quần đảo Cát Bà (TP Hải Phòng) lần thứ 3 Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Với việc sở hữu các giá trị nổi bật toàn cầu cùng nhiều danh hiệu trong nước và quốc tế, Vịnh Hạ Long được xác định là một trong những tiềm năng, lợi thế cạnh tranh riêng có của Quảng Ninh và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là chủ trương phát triển du lịch bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh.

Tại Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch TP Hạ Long đến năm 2040... đều gắn kết bảo tồn và phát triển bền vững Vịnh Hạ Long là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong các định hướng dài hạn, có vai trò quan trọng bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh của tỉnh, là động lực trong phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Như vậy có thể thấy, trong định hướng, mục tiêu phát triển bền vững của Quảng Ninh, Di sản Vịnh Hạ Long giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh, là động lực trong phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn gắn với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Với vai trò đó, trong thời gian qua, song song với các nỗ lực bảo vệ di sản, các sản phẩm du lịch biển đảo trên Vịnh Hạ Long đã được xây dựng và phát triển dựa trên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, được khai thác ở tầm quốc gia và quốc tế. Từ chỗ chỉ đón vài chục nghìn khách tham quan trước khi trở thành di sản, đến nay mỗi năm Vịnh Hạ Long đón hàng triệu lượt khách tham quan, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, làm cho ngành du lịch - dịch vụ có những bước phát triển nhanh chóng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững. Di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long không chỉ là sự lựa chọn hàng đầu trong các điểm du lịch “phải đến” hàng năm của hàng triệu lượt khách nội địa và quốc tế, mà còn liên tục được xướng tên trong các bảng xếp hạng của nhiều tạp chí, trang web và các tổ chức du lịch trên toàn thế giới, tạo sức hút lớn trên toàn cầu.

Trên cơ sở quan điểm, chủ trương phát triển kinh tế xanh, để vừa bảo vệ, đảm bảo tính toàn vẹn của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long theo Công ước Di sản thế giới, các chính sách về phát triển bền vững của UNESCO và pháp luật của Việt Nam, Quảng Ninh đang tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm theo định hướng phát huy bền vững tiềm năng, thế mạnh của di sản trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Quảng Ninh đang nỗ lực đưa nhiều sản phẩm dịch vụ mới gắn với Vịnh Hạ Long nhằm thu hút, hấp dẫn du khách

Quảng Ninh đang nỗ lực đưa nhiều sản phẩm dịch vụ mới gắn với Vịnh Hạ Long nhằm thu hút, hấp dẫn du khách

Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Quảng Ninh sẽ tập trung nâng cao hiệu quả quản trị thông qua việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế quản lý di sản, hoàn thành và triển khai các quy hoạch, quy chế, kế hoạch phát triển bền vững du lịch Vịnh Hạ Long. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu số về nguồn tài nguyên và các giá trị của di sản, triển khai các nhiệm vụ giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn, quản lý hiệu quả rừng đặc dụng, giảm thiểu rác thải, nước thải; tăng cường vai trò, sự tham gia của người dân địa phương, cộng đồng và các bên liên quan gắn kết với tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ di sản, bảo vệ tài nguyên, môi trường trên cơ sở đổi mới tư duy, thay đổi hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường, hướng đến lối sống xanh.

Cùng với đó, tập trung phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua việc tăng cường kiểm soát, đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch an toàn, văn minh, thân thiện; quản lý, điều hành các hoạt động du lịch trên vịnh theo sức tải khu di sản để kiểm soát các tác động đến các giá trị của di sản và nâng cao trải nghiệm của du khách; tăng cường hợp tác công tư trong phát triển du lịch. Tập trung các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng gắn với kinh tế đêm, du lịch thông minh, du lịch chất lượng cao như các sản phẩm du lịch sinh thái tùng áng, du lịch văn hóa ngư dân làng chài, sản phẩm du lịch ven bờ Vịnh Hạ Long, du thuyền khám phá…; liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch kết nối vùng, miền và kết nối với các di sản khác như kết nối Vịnh Hạ Long với Vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô, Cát Bà... Đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin về khu di sản và hoạt động du lịch cho du khách.

Đỗ Phương (Báo Quảng Ninh)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/167783/vinh-ha-long-dong-luc-quan-trong-cua-nen-kinh-te-xanh
Zalo