Nhiều kỳ vọng cho kinh tế Việt Nam 2025
Năm 2024 dù có nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế Việt Nam đã vượt mục tiêu đề ra với nhiều điểm sáng kinh tế, tạo tiền đề quan trọng cho năm 2025 hướng tới mức tăng trưởng cao hơn.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động, kinh tế Việt Nam không chỉ duy trì được quỹ đạo phát triển dài hạn, mà còn là một trong những nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.
GDP tăng trưởng 7,09%, vượt xa mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Với mức tăng trưởng này, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Đây cũng là mức tăng trưởng nổi bật trong 13 năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay: “Việt Nam vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô và cân đối, đó là điều rất quan trọng. Chúng ta có tăng trưởng tương đối tốt và tăng trưởng đó chủ yếu dựa vào khu vực đầu tư nước ngoài, đó là sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, hai động lực tạo nên tăng trưởng của chúng ta. Thu ngân sách cũng đạt được một kết quả rất cao”.
Năm 2024, lần đầu tiên, thu ngân sách Nhà nước đã đạt trên 2 triệu tỷ đồng, trong khi đã thực hiện giãn hoãn thuế phí khoảng 200 nghìn tỷ đồng cho người dân, doanh nghiệp. Chỉ tiêu năng suất lao động là chỉ tiêu khó khăn khi ba năm qua chưa đạt thì năm nay cũng đã bứt tăng.
Kinh tế vĩ mô được giữ vững, chỉ số giá tiêu dùng nằm trong tầm kiểm soát; các lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ và xuất khẩu tiếp tục có sự bứt phá và là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng năm 2024. Chỉ số giá được kiểm soát tạo nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, cộng với chính sách giảm thuế VAT đã khuyến khích tiêu dùng nội địa.
Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá: “Tiêu dùng trong năm 2024 vừa qua đóng góp khoảng 62% vào tăng trưởng kinh tế. Đây là động lực tăng trưởng rất quan trọng và cần tiếp tục phát huy khai thác tốt động lực này bằng cách kích cầu tiêu dùng đúng lúc, đúng chỗ. Giảm thuế VAT cũng là một chính sách tích cực”.
Nếu tiêu dùng nội địa là một động lực quan trọng thì xuất nhập khẩu cũng có sức đẩy không nhỏ với nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 800 tỷ USD, trong đó xuất siêu gần 25 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước và vượt gần ba lần kế hoạch được giao, mức kỷ lục chưa từng có trong gần 40 năm đổi mới đất nước. Đây cũng là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khi năm vừa qua, dòng vốn đầu tư trên thế giới sụt giảm, song Việt Nam vẫn đón nhiều tập đoàn lớn về công nghệ trên thế giới. Số vốn mà các doanh nghiệp FDI đã giải ngân trong năm 2024 đạt trên 25 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay.
Ông Alexander Ziehe, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam có rất nhiều cơ hội để thúc đẩy kinh tế. Những chính sách gợi mở và vượt trội từ Chính phủ, bối cảnh chính trị ổn định, Việt Nam cũng đang tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông, logistics và mạng lưới thương mại với các hiệp định thương mại tự do FDI rộng khắp, Việt Nam có thể tận dụng thế mạnh này để trở thành trung tâm thương mại của các ngành công nghiệp”.
Năm 2024, Việt Nam không chỉ vượt qua thách thức mà còn tạo nên những kỳ tích khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, mang tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ. Kết quả này là nền tảng để tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ mới của năm 2025.
Năm 2025, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8%. Để kinh tế Việt Nam năm 2025 có sự bứt phá mạnh mẽ, các chuyên gia cho rằng, cần tập trung vào sự đột phá vào thể chế, tạo động lực thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài; tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, bao gồm xuất khẩu, cũng như đầu tư công một cách hiệu quả. Với mục tiêu tăng trưởng trên 8% của năm 2025 không hề dễ đàng khi nền kinh tế còn nhiều thách thức, nhưng áp lực cũng là động lực để đồng lòng cố gắng cho mục tiêu chung này. Những chỉ số đã cho thấy tín hiệu khả quan về sự khởi sắc của kinh tế, xã hội Việt Nam.