Khó khăn đeo bám, doanh nghiệp xi măng đồng loạt báo lỗ

Phần lớn các doanh nghiệp xi măng vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2024 đều ghi nhận kết quả không mấy khả quan khi phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và những khó khăn từ tình trạng dư thừa nguồn cung, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, cùng với nhu cầu tiêu thụ sụt giảm...

Theo Bộ Xây dựng, năm 2024, nguồn cung xi măng trên toàn quốc ước tính đạt khoảng 122 triệu tấn, vượt xa nhu cầu tiêu thụ nội địa chỉ vào khoảng 60 triệu tấn. Trong khi đó, xuất khẩu tiếp tục giảm so với năm trước, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu trầm trọng. Cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành khiến giá bán xi măng sụt giảm mạnh.

Không chỉ vậy, chi phí sản xuất ngày càng leo thang do giá các nguyên liệu đầu vào như điện và than tăng cao, kéo theo giá thành sản xuất duy trì ở mức cao ngất ngưởng. Thị trường bất động sản rơi vào tình trạng trầm lắng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp, làm suy giảm đáng kể nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước.

Sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ xi măng và clinker đã khiến lượng tồn kho tăng vọt. Trước tình hình đó, một số nhà máy trong hệ thống Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) như Vicem Hải Vân và Vicem Hạ Long buộc phải dừng lò, giảm năng suất, rút ngắn thời gian huy động thiết bị so với kế hoạch, nhằm hạn chế việc clinker bị dư thừa và phải đổ ra bãi. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp thuộc Vicem rơi vào tình cảnh thua lỗ hoặc chứng kiến lợi nhuận giảm sâu.

BỨC TRANH XÁM MÀU CỦA NHÓM DOANH NGHIỆP XI MĂNG

Trong quý 4/2024, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai (mã chứng khoán: HOM) ghi nhận doanh thu thuần gần 506 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn ở mức 12%, đạt 428,1 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp giảm 10%, chỉ còn 77,8 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận gộp vẫn không đủ bù đắp các khoản chi phí, dẫn đến khoản lỗ sau thuế 16 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lỗ 5,3 tỷ đồng.

Theo Xi măng Vicem Hoàng Mai, dù quý 4 thường là giai đoạn tăng tốc của các công trình xây dựng, ngành xi măng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Cạnh tranh gay gắt về giá trong bối cảnh nguồn cung dư thừa, áp lực tồn kho lớn, và công suất sản xuất vượt xa nhu cầu khiến thị trường trong nước lẫn xuất khẩu rơi vào thế khó. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu xi măng và clinker chịu áp lực từ giá bán thấp và yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng cao.

Tính chung cả năm 2024, doanh thu thuần của công ty đạt gần 1.710 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2023. Tuy nhiên, lỗ ròng tăng vọt lên 67 tỷ đồng, so với mức lỗ 31 tỷ đồng của năm trước. Khoản lỗ này đẩy lỗ lũy kế của Vicem Hoàng Mai lên mức 92,4 tỷ đồng vào cuối năm 2024.

Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn (mã chứng khoán: BTS) đã trải qua một quý 4/2024 đầy khó khăn. Dù doanh thu thuần đạt xấp xỉ 770 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng hoạt động kinh doanh dưới giá vốn khiến Vicem Bút Sơn lỗ gộp hơn 23 tỷ đồng, đánh dấu sự tụt dốc so với mức lãi gộp gần 17 tỷ đồng của quý 4/2023.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí gồm 18,6 tỷ đồng chi phí tài chính, gần 20 tỷ đồng chi phí bán hàng, và 28,5 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, Vicem Bút Sơn báo lỗ sau thuế gần 76 tỷ đồng, gấp đôi khoản lỗ hơn 32 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Tính cả năm 2024, doanh thu thuần của công ty nhích nhẹ lên 2.609,6 tỷ đồng so với năm 2023. Tuy nhiên, lỗ ròng tăng vọt lên 198 tỷ đồng, gần gấp đôi mức lỗ hơn 96 tỷ đồng năm trước, đẩy lỗ lũy kế của Vicem Bút Sơn lên xấp xỉ 288 tỷ đồng vào cuối năm.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, Vicem Bút Sơn đã dự báo ngành xi măng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và đưa ra kế hoạch kinh doanh thận trọng, với mục tiêu doanh thu gần 2.715 tỷ đồng, tăng gần 4% so với 2023, nhưng dự kiến lỗ ròng 111 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế mức lỗ cả năm của Vicem Bút Sơn đã vượt xa dự báo.

Kết thúc quý 4/2024, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân (mã chứng khoán: HVX) ghi nhận doanh thu thuần hơn 86 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Dù lãi gộp gần 3 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ gộp hơn 17 tỷ đồng của cùng kỳ, nhưng con số này vẫn chưa đủ bù đắp các chi phí. Kết quả, Vicem Hải Vân báo lỗ sau thuế 6,3 tỷ đồng, tích cực hơn so với mức lỗ 30 tỷ đồng của quý 4/2023. Đây là quý thứ 7 liên tiếp HVX phải đối mặt với thua lỗ, bắt đầu từ quý 2/2023.

Trong quý cuối năm 2024, Vicem Hải Vân ngừng sản xuất và tiêu thụ clinker do chi phí sản xuất cao, thị trường không có nhu cầu, cùng với bất lợi về logistics. Mặc dù sản lượng tiêu thụ xi măng tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng chi phí cố định của nhà máy xi măng Vạn Ninh, do dừng sản xuất clinker, đã hạch toán vào giá vốn gần 11,6 tỷ đồng, gây áp lực lớn lên lợi nhuận.

Ngoài ra, thị trường khu vực miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục cạnh tranh khốc liệt bởi sự xuất hiện của nhiều thương hiệu xi măng giá rẻ ngoài hệ thống Vicem. Trước thách thức này, Vicem Hải Vân đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, gia tăng sản lượng và bảo vệ thị phần.

Lũy kế cả năm 2024, doanh thu thuần của Vicem Hải Vân đạt gần 348 tỷ đồng, giảm mạnh 32% so với năm 2023. Lỗ ròng hơn 44 tỷ đồng, dù đã cải thiện so với mức lỗ hơn 64 tỷ đồng năm trước, nhưng vẫn đẩy lỗ lũy kế đến cuối năm 2024 lên 96,6 tỷ đồng.

Trong bối cảnh ngành xi măng đối mặt với nhiều khó khăn, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (mã chứng khoán: HT1) vẫn nổi bật khi báo lãi hơn 21 tỷ đồng trong quý 4/2024, dù con số này giảm tới 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, trong quý vừa qua, Vicem Hà Tiên ghi nhận 1.843 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ giá vốn hàng bán chỉ tăng 2% lên 1.638,7 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của HT1 tăng 14%, đạt 204,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản chi phí tăng mạnh, gồm chi phí bán hàng tăng 22% lên 53,7 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 30% lên 81,9 tỷ đồng, đã khiến lợi nhuận ròng bị ảnh hưởng.

Theo đại diện Xi măng Vicem Hà Tiên, tình trạng dư cung trong ngành vẫn chưa được giải quyết, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt về giá bán và chính sách bán hàng. Điều này buộc các doanh nghiệp phải tập trung gia tăng sản lượng và mở rộng thị phần, nhưng cũng kéo theo áp lực lớn lên lợi nhuận.

Tính chung cả năm 2024, Vicem Hà Tiên đạt doanh thu thuần 6.884 tỷ đồng, giảm 2% so với năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 65,2 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với mức 18 tỷ đồng của năm 2023. Đáng chú ý, kết quả này vượt xa kế hoạch lợi nhuận sau thuế 23 tỷ đồng mà công ty đã đề ra.

KHÓ KHĂN VẪN BỦA VÂY NGÀNH XI MĂNG

Mới đây, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đã đưa ra dự báo, thị trường xi măng năm 2025 tiếp tục gặp khó khi nguồn cung dự kiến đạt 124,75 triệu tấn, trong khi nhu cầu nội địa chỉ khoảng 62,5 - 63,5 triệu tấn. Cùng với đó, giá nguyên liệu đầu vào duy trì ở mức cao càng khiến các doanh nghiệp chịu thêm áp lực.

Trước thực trạng này, các công ty sản xuất xi măng đang phải cạnh tranh gay gắt về giá để duy trì thị phần và đẩy mạnh tiêu thụ, đặt ngành xi măng trước bài toán tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành năm 2025 khoảng 95-100 triệu tấn, tăng 2-3% so với năm 2024. Trong đó, tiêu thụ nội địa 60-65 triệu tấn, xuất khẩu 30-35 triệu tấn.

“Năm 2025, tình hình thế giới khả năng vẫn diễn biến phức tạp, do ảnh hưởng của xung đột địa - chính trị, một số quốc gia trên thế giới có thể xảy ra khủng hoảng, suy thoái kinh tế. Điều đó sẽ tác động đến kinh tế trong nước và ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng của Việt Nam, trong đó, lĩnh vực xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành xi măng chịu ảnh hưởng nhiều nhất”, Bộ Xây dựng nhận định.

Vấn đề lớn nhất của ngành xi măng lúc này là mất cân đối lớn giữa cầu và cung. Dư cung xi măng càng lớn hơn, khi 6 năm qua không còn quy hoạch ngành. Lo ngại năng lực sản xuất xi măng phình to, trong khi nguồn cung đã vượt cầu vài chục triệu tấn, trong năm qua, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao bộ này nghiên cứu đề xuất thiết lập lại Quy hoạch lĩnh vực xi măng.

Bộ Xây dựng chỉ ra, hiện nay, áp lực dư thừa công suất sản xuất clinker trong nước là vô cùng lớn, với trên 50 triệu tấn, trong khi tốc độ xây dựng trong nước diễn biến rất chậm, dẫn đến áp lực nợ xấu của ngành xi măng đang và sẽ trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế. Nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản.

NGÀNH XI MĂNG TÌM CÁCH GỠ KHÓ

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 của Vicem diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết, thời gian tới, các khó khăn khách quan của ngành xi măng vẫn rất lớn và không thể xóa ngay. Doanh nghiệp ngành xi măng có thể chủ động xây dựng kịch bản điều hành linh hoạt và có điều chỉnh chiến lược để thích ứng về nguyên nhân chủ quan. Đây là vấn đề cần tập trung nhận diện và giải quyết.

“Vicem cần tập trung vào một số giải pháp như: Tăng cường quản trị chi phí; kiểm soát chặt chẽ chuỗi chi phí từ nguyên liệu, nhiên liệu, chi phí sản xuất, chế biến, tiêu thụ, quản lý doanh nghiệp; triển khai các giải pháp để có chuỗi cung ứng hợp lý, giảm chi phí vận tải”- Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng lưu ý và cho rằng, một những giải pháp quan trọng khác là cần đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; khai thác tối ưu cơ hội từ các dự án đầu đầu tư công trọng điểm; tìm kiếm và phát triển các thị trường xuất khẩu tiềm năng

Về phía Vicem sẽ tập trung triển khai quyết liệt hơn, kịp thời và sâu sát hơn một số giải pháp trọng tâm trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư xây dựng. Đôn đốc các đơn vị thành viên bám sát tình hình thực tế, phối hợp chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ và quản lý tồn kho để rà soát, xây dựng các kịch bản và lựa chọn phương án chạy lò hiệu quả nhất. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường sử dụng các nguyên nhiên liệu thay thế trong sản xuất. Tăng cường quản lý sản xuất nhằm đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm.

Về tiêu thụ, tiếp tục bám sát thị trường, địa bàn, xây dựng chính sách bán hàng đơn giản, dễ thực hiện, đảm bảo công bằng, minh bạch. Theo dõi đánh giá tình hình triển khai sản phẩm mới ở các đơn vị để có điều chỉnh phù hợp, đa dạng hóa sản phẩm; phát triển xi măng rời theo xu hướng dịch chuyển nhu cầu từ xi măng bao sang xi măng rời; tăng sản lượng tiêu thụ vào các trạm trộn bê tông thương phẩm, chủ động tiếp cận để đưa xi măng vào các công trình dự án đầu tư công…

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành có giải pháp tăng tiêu thụ nội địa xi măng thông qua sử dụng giải pháp cầu cạn trong đầu tư cao tốc, đặc biệt ở những vùng đất yếu, vùng cần thoát lũ như miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long…

Đồng thời, kiến nghị sửa đổi Nghị định 26/2023/NĐ-CP về việc áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu clinker xi măng là 0%.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng thuế xuất khẩu tăng, cộng thêm việc xuất khẩu clinker không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng, nên các doanh nghiệp xi măng không xuất được hàng, phải dừng sản xuất.

Năm 2025, các doanh nghiệp chỉ kỳ vọng vào việc thúc đẩy các dự án đầu tư công vào kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, nhà ở, dự án đường cao tốc, sân bay… Ngoài ra, xu hướng xây dựng công trình xanh và phát triển năng lượng tái tạo sẽ là yếu tố hỗ trợ tiêu thụ xi măng để có tăng trưởng.

Minh Trâm

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/kho-khan-deo-bam-doanh-nghiep-xi-mang-dong-loat-bao-lo-post557469.html
Zalo