Vinh dự được dự lễ truy điệu Bác Hồ

Cuối tháng 8/1969, tôi vừa tốt nghiệp đại học. Bạn tôi, Hồ Hữu Đức, học khoa Lý, học trò của thầy Nguyễn Hoàng Phương, cũng tốt nghiệp cùng thời điểm với tôi liền rủ về quê chơi.

Quê Hồ Hữu Đức ở tận Hương Sơn (Hà Tĩnh). Hồi ấy phương tiện đi lại rất khó khăn, nhưng chúng tôi nói đi là đi luôn. Tôi với Đức nhảy tàu lửa về tới ga Vinh vào chiều tối, hai thằng đi bộ suốt đêm gần 50km, mờ sáng thì tới nhà Đức, ở Sơn Thượng thuộc Hương Sơn.

Quảng trường Ba Đình. Ảnh TL

Quảng trường Ba Đình. Ảnh TL

Mẹ của Đức thấy con về thì mừng quýnh, con lại dẫn theo thằng bạn nên càng vui hơn. Bà nấu cơm cho hai thằng ăn, rồi giục hai con ra sông tắm. Sông Ngàn Phố chảy rất gần nhà Đức, nên hai thằng tôi chạy ngay ra sông, nhào xuống bơi cho đã. Quê Hương Sơn của Đức trồng rất nhiều chè xanh, có rất nhiều vườn mít cổ thụ. Trưa đó, mẹ Đức cho chúng tôi ăn cơm với nhút mít kho cá sông, ngon không thể tả. Đó là lần đầu tiên tôi được ăn nhút mít.

Hai anh em chơi ở quê nhà Đức được ngót một tuần. Buổi sáng ngày 4/9, đột ngột chúng tôi nghe loa truyền thanh phát đi lời thông báo Bác Hồ đã qua đời. Cả nhà, cả xóm nhỏ sững sờ. Tôi nói với Đức: “Chắc tao với mày phải về Hà Nội thôi”. Đức đồng ý ngay. Hai chúng tôi quyết định sáng hôm sau sẽ đi bộ ra ga Vinh nhảy tàu về Hà Nội.

Về tới Hà Nội, chờ tới sáng ngày 9/9/1969, là ngày chính thức làm Lễ truy điệu Bác Hồ. Từ sáng sớm, hai chúng tôi đã đi xếp hàng để tới quảng trường Ba Đình dự Lễ truy điệu. Ra xếp hàng ở phố Phan Đình Phùng, gần sát tòa soạn Báo Quân đội Nhân Dân, gặp nhiều bạn học ở Đại học Tổng hợp cũng ra xếp hàng với mình. Rồi từ đó, dòng người chầm chậm di chuyển về quảng trường Ba Đình. Mỗi người dân đi dự Lễ truy điệu được phát một chiếc bánh mì, hồi đó rất nghèo, nên nhận được một chiếc bánh mì là quý lắm.

Quảng trường đã chật kín người dự Lễ truy điệu Bác Hồ. Sau này mới biết, có tới 20 nghìn đồng bào Hà Nội và cả nước đã về Ba Đình dự Lễ truy điệu. Tôi nhớ, khi Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc điếu văn, giọng đọc đầy xúc động, những lời hô thề của ông được nhân dân hô vang. Cả quảng trường Ba Đình òa khóc. Tôi cũng không cầm được nước mắt. Nhất là khi nghe Tổng Bí thư đọc Di chúc của Bác Hồ, tới đoạn Bác viết hai câu thơ: “Còn non còn nước còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”, thì tiếng khóc trên Ba Đình chợt vút cao lên. Những ai dự Lễ truy điệu Bác Hồ đều không bao giờ quên.

Chỉ hai tháng sau, tôi gia nhập quân đội. Và một năm sau, tôi lên đường vượt Trường Sơn vào chiến trường Nam Bộ.

THANH THẢO

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202409/vinh-du-duoc-du-le-truy-dieu-bac-ho-efc40b6/
Zalo