Cá lụt
Buổi sáng trời mưa to. Khi tôi còn đang ngáp ngắn ngáp dài, tiếng chuông điện thoại đã reo lên inh ỏi. Trong điện thoại, giọng mạ tôi vang lên chen lẫn với tiếng ồn ã mua bán kỳ kèo xung quanh: 'Cá lụt nhiều lắm, mạ mua rồi gửi xe lên cho'!
Sau những trận mưa như trút nước, khu chợ vốn thoai thoải bên bờ đầm phá quê tôi lại rộn rã hơn bao giờ hết. Những mớ cá lụt tươi roi rói được nối đuôi nhau chở đến trên đủ mọi phương tiện. Xe máy cũng có, xe đạp cũng có, cả những chiếc ghe nhỏ dễ dàng linh động giữa “ma trận” sông, hói chằng chịt cũng có.
Từ trong mủng, rổ và cả những tấm lưới chưa kịp gỡ, bao nhiêu là cá lụt tươi xanh, còn đang nhảy tanh tách được bày bán trong buổi chợ đông đúc. Chẳng hẹn mà gặp, nhờ vào kinh nghiệm nhìn nước đoán cá bao nhiêu lâu nay, các bà, các mẹ líu ríu ới nhau đi chợ mua cá lụt.
Từ hàng cá trở xuống, có hôm còn lấn lướt sang cả hàng rau, những mâm, mủng cá đầy ắp được đôi bàn tay thoăn thoắt của người bán sắp xếp sao cho gọn ghẽ, đẹp mắt. Bên này là mớ cá rào trộn lẫn nào cá sơn, cá liệt, cá móm. Bên kia là ăm ắp những rổ tôm đất mà lâu lắm mới thấy nhiều đến thế. Những mâm khác thì nào cá dìa, cá diếc, cá trắng, cá bống, cá thệ, biết bao nhiêu là các loại tôm cá ngon lành, chắc nịch, mập ú được bày ra dưới những cuộc trả giá ngỡ như chẳng bao giờ dứt.
Chen trong bầu không khí sôi nổi ấy, thể nào cũng có cái nón lá, chiếc áo tơi và cái giỏ nhựa trong đựng một tàu lá chuối hoặc lá vả lót nơi đáy giỏ của mạ tôi. Nhanh nhẹn tiến đến những o bán cá quen thuộc, mạ sẽ mua mớ tôm, cá thệ, cá bống và tất nhiên không thể thiếu mớ cá diếc, con nào con nấy béo mẫm.
Tôi còn nhớ rõ lắm, đó là mùi thơm kỳ lạ của nồi canh cá diếc mùa lụt. Sau khi mua cá và một miếng thơm về, mạ hái nắm lá lốt ngay trong vườn. Không cần phi dầu mỡ, nước thật sôi cho thơm vào, sau đó cho cá diếc đã bóp thấm tháp gia vị bao gồm tiêu, ném, muối, nước mắm vào rồi chờ sôi. Sau cùng, chỉ cần bỏ lá lốt và thêm chút tiêu giã nát, trước khi bưng ra mâm nhớ cho vào canh một xíu cơm nguội. Thế là món canh cá diếc nóng hôi hổi, hương vị dân dã mà ngọt lịm, thấm tháp đã trở nên hoàn hảo.
Nghe mạ tôi kể, cái ngon của canh cá diếc đến từ nước lụt. Bụng cá sạch nhưng thịt lại béo, cũng không tanh tao. Vì thế khi nấu chẳng cần nhiều dầu mỡ, cái ngon của cá, cái đắng của mật quyện chung với vị ngọt ngọt, chua chua, thanh thanh của miếng thơm là đã đủ. Hương vị chân thật ấy cứ quấn quýt mãi nơi đầu lưỡi chẳng chịu tan, vì thế mỗi khi trời lụt, món canh cá diếc của mạ lúc nào cũng vơi sớm nhất.
Mà nào phải riêng cá diếc, còn những mớ tôm, mớ cá lụt khác nữa. Khi ngoài trời những cơn gió thổi ù ù kéo theo màn mưa dày xám xịt thì trong căn bếp nhỏ ấm cúng của các bà, các mẹ tần tảo, những món ăn thơm ngon, nóng hổi từ mớ cá lụt tươi xanh vẫn luôn sưởi ấm cả dạ dày và tâm hồn của những đứa con thơ.
Mạ tôi nói, đó là một niềm an ủi nho nhỏ mà tinh tế của thiên nhiên, mang tai ương kèm theo món quà, như cái cách kỳ diệu mà bao lâu nay thiên tai vẫn luôn vận hành như thế. “Có lẽ năm sau lúa sẽ tốt lắm, vì nước lụt mang phù sa màu mỡ và cuốn trôi đi bệnh tật, sâu bọ”, mạ chỉ nói nhỏ thôi, thế mà trong đôi mắt bà, tôi lại thấy ánh lên niềm tin ấm áp.