Như Thanh khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) gắn với XDNTM, huyện Như Thanh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn phát huy tiềm năng, thế mạnh, chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng để tạo thương hiệu riêng của từng địa phương, qua đó góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.

Nem ống An Cúc được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2022.

Nem ống An Cúc được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2022.

Nem ống An Cúc được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022. Từ đó đến nay, lượng tiêu thụ tăng 15-20%. Ông Lê Hữu An, chủ cơ sở sản xuất nem ống An Cúc tại khu phố 2, thị trấn Bến Sung cho biết: Khi tham gia Chương trình OCOP, cơ sở luôn tuân thủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường khi sản xuất, đồng thời phát huy yếu tố văn hóa truyền thống, nguồn gốc sản phẩm để mang tới hương vị đậm bản sắc quê hương. Quy trình sản xuất món nem này vẫn giữ được sự cầu kỳ truyền thống như: lợn phải là lợn cỏ, lợn sạch nuôi lâu năm. Da lợn phải được luộc chín, thái nghiêng dao. Nguyên liệu pha chế gồm có: tỏi tươi thái mỏng, đường đỏ, muối thô rang nghiền nhỏ, thính ngô tẻ rang nghiền to, thính đậu hạt tiêu bắc rang xay to, ớt chỉ thiên để nguyên quả. Sau khi hoàn thành các công đoạn, nem sẽ được cho vào ống luồng đã được cắt, rửa sạch sẽ. Việc cho nem vào ống luồng (luồng bánh tẻ - không già cũng không non) làm cho nem giữ được hương vị, có độ ẩm và nem không bị khô, nhìn nem đẹp và bắt mắt. Vì vậy nem ống An Cúc ngày càng được nhiều người biết đến. Hiện sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2023, cơ sở sản xuất nem ống An Cúc được Ban Hội nhập và Hợp tác phát triển quốc tế công nhận là đơn vị đạt tốp 10 sản phẩm dịch vụ chất lượng cao vì người tiêu dùng.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh, Lương Hồng Sỹ, cho biết: Để thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, thời gian qua, huyện Như Thanh đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của chương trình đến đông đảo Nhân dân. Ngoài ra, huyện còn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức về Chương trình OCOP cho cán bộ và các chủ thể đăng ký tham gia chương trình cũng như các chủ thể có sản phẩm tiềm năng. Đồng thời, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích và tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp, cá nhân tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn; duy trì, phát huy hiệu quả và mở rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm, nhất là các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương. Huyện đã ban hành Nghị quyết số 51 về thưởng cho các chủ thể trên địa bàn huyện có sản phẩm OCOP được công nhận cấp tỉnh, cấp quốc gia, giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh và đơn vị tư vấn Chương trình OCOP tổ chức khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí OCOP trực tiếp tại các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký tham gia. Nhờ thực hiện các giải pháp, đến nay trên địa bàn huyện Như Thanh đã có 11 sản phẩm đạt OCOP 3 sao như: miến dong Yên Lạc; thanh long ruột đỏ Xuân Du; mật ong thiên nhiên Phượng Nghi; nem ống An Cúc...

Để tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục rà soát các sản phẩm trên địa bàn, lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế và đủ điều kiện để đăng ký tham gia chương trình. Huyện sẽ tạo điều kiện hỗ trợ các chủ thể tiếp cận với nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật và đào tạo nghề, từ đó nâng cao năng lực cho các chủ thể để phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời, chú trọng xây dựng kênh phân phối, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP lâu dài, ổn định.

Bài và ảnh: Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhu-thanh-khuyen-khich-phat-trien-san-pham-ocop-229362.htm
Zalo