Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm hóa dược
Phó thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định 270/QĐ-TTg ngày 13/2/2025 phê duyệt 'Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'.
Chương trình nhằm phát triển ngành công nghiệp hóa dược, nâng dần tỷ lệ sản xuất và sử dụng nguyên liệu làm thuốc trong nước và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm hóa dược.
Cụ thể, đến năm 2030, phấn đấu đạt 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc; đáp ứng 50% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm trong nước. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu một số sản phẩm hóa dược thiên nhiên (dược chất, cao định lượng, tinh dầu giàu hoạt chất) trên 10%/năm.
Đến năm 2045, công nghiệp hóa dược của Việt Nam trở thành ngành công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, có sức cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị ngành dược phẩm toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp ngành hóa dược đạt 8 - 11%/năm.
![Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu một số sản phẩm hóa dược thiên nhiên trên 10%/năm](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_237_51473957/e8743063012de873b13c.jpg)
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu một số sản phẩm hóa dược thiên nhiên trên 10%/năm
Để đạt mục tiêu đề ra, cần nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tài chính nhằm khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp hóa dược. Đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ cao nhất cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất và chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ mới, công nghệ cốt lõi và sản xuất hóa dược chất lượng cao.
Tăng cường thu hút các doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hóa dược theo phương pháp tổng hợp hóa học và sinh tổng hợp hóa học. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư chiết tách, tinh chế các sản phẩm hóa dược thiên nhiên theo chuỗi giá trị từ nuôi trồng, chăm sóc, khai thác, sơ chế dược liệu đến sản xuất và phân phối sản phẩm.
Rà soát, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, xuất khẩu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hóa dược. Hỗ trợ tổ chức, cá nhân đăng ký sáng chế, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm hóa dược mới; đăng ký lưu hành sản phẩm, hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc được bào chế từ sản phẩm hóa dược trong nước. Nghiên cứu phát triển sản phẩm hóa dược chất lượng cao, có thể thay thế sản phẩm nhập khẩu
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hóa dược; đào tạo, bảo đảm đáp ứng đủ yêu cầu về nhân lực cho ngành công nghiệp hóa dược, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc trong lĩnh vực hóa dược tại Việt Nam...