Việt Nam nên nắm bắt cơ hội từ chiến tranh thương mại ra sao?
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang thúc đẩy thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Sơn, giảng viên Ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics Đại học RMIT Việt Nam cho biết, từ năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã khiến nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu phải tiến hành tái cấu trúc từ mạng lưới toàn cầu sang mạng lưới mang tính khu vực hóa hơn. Các doanh nghiệp ưu tiên quản trị rủi ro và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng hơn là hiệu quả chi phí thuần túy.
Với các mức thuế quan “ăn miếng, trả miếng” được Mỹ và Trung Quốc công bố mới đây, có thể thấy xu hướng phi toàn cầu hóa sẽ tiếp diễn, trong đó các biện pháp bảo hộ từ cuộc thương chiến có thể gây ra tác động tiêu cực lên toàn bộ các chuỗi cung ứng.
Điều này tác động về chi phí có thể rất lớn, với nguy cơ giá cả leo thang trong các ngành công nghiệp bị áp thuế và cả các ngành có liên quan như vật liệu, năng lượng, ô tô và điện tử.
“Mặc dù điều này tạo ra gián đoạn ngắn hạn và chi phí vận hành cao hơn nhưng cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp mới tham gia thị trường và các trung tâm sản xuất mới ra đời. Các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, đã nổi lên như là bên hưởng lợi chính từ sự thay đổi này trong nhiều chuỗi cung ứng khác nhau”- Tiến sĩ Sơn nói.
Tiến sĩ Irfan Ulhaq, Đại học RMIT Việt Nam nhận định, việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc tạo ra cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu. Người mua tại Mỹ đang tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế. Ngành sản xuất mạnh mẽ của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, dệt may, giày dép và đồ nội thất, khiến Việt Nam trở thành đối thủ cạnh tranh hàng đầu.
Các hiệp định thương mại và năng lực sản xuất hiệu quả về mặt chi phí của Việt Nam mang lại lợi thế cạnh tranh để đảm bảo duy trì hợp đồng dài hạn với các nhà nhập khẩu Mỹ.
“Để khai thác đầy đủ các cơ hội này, doanh nghiệp nên tuân thủ các quy định thương mại của Mỹ, đảm bảo tính minh bạch về nguồn gốc sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Đầu tư vào thương hiệu, nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như các kỹ thuật sản xuất tiên tiến sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh” - tiến sĩ Ulhaq cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Sơn cho rằng, Việt Nam cần theo đuổi một chiến lược cân bằng, độc lập và đa chiều để tận dụng các cơ hội từ chiến tranh thương mại mà vẫn quản lý được các rủi ro liên quan. Việt Nam nên tiếp tục đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại thông qua các hiệp định thương mại tự do, đồng thời vẫn duy trì mối quan hệ cân bằng với cả Mỹ và Trung Quốc.
Điều này giúp giảm sự phụ thuộc quá mức vào bất kỳ thị trường đơn lẻ nào và cung cấp các điểm đến xuất khẩu thay thế nếu căng thẳng thương mại leo thang.
“Bằng cách thực hiện các biện pháp này, Việt Nam có thể định vị tốt hơn để hưởng lợi từ sự thay đổi chuỗi cung ứng trong khi xây dựng một nền kinh tế bền vững hơn, có khả năng phục hồi tốt hơn, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị” - tiến sĩ Sơn khuyến nghị.