Viconship thêm áp lực do nợ vay tăng cao
Lãi tăng mạnh trong năm 2024 đến từ đánh giá lại khoản đầu tư vào Cảng Nam Hải Đình Vũ, nhưng Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship) chịu thêm áp lực chi phí lãi vay khi dư nợ vay tăng cao và hơn 450 tỷ đồng lợi thế thương mại phải khấu hao trong tương lai.
![Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_72_51432777/1399625d5913b04de902.jpg)
Ảnh minh họa.
Động lực tăng trưởng từ hoạt động M&A
Không còn quá tập trung vào hoạt động đa ngành, trong năm 2024, Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship, mã VSC) có xu hướng thoái vốn ngoài ngành, tập trung vào chiến lược mua bán và sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp cùng ngành, cùng chuỗi giá trị. Cụ thể, Viconship đã hoàn tất chuyển nhượng hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn T&D Group để thực hiện Dự án Khách sạn Hyatt Place Hải Phòng, với tổng số tiền góp là 823,6 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư của Dự án 1.423,6 tỷ đồng.
Cùng với thoái vốn ngoài ngành, trong năm 2024, thông qua công ty con, Viconship tiếp tục góp thêm vốn vào Công ty cổ phần Dịch vụ Vận tải Hoàng Hồng Anh để nâng sở hữu lên 44% vốn điều lệ, chuyển sang ghi nhận là công ty liên kết; đầu tư hơn 13,67 triệu cổ phiếu, tương ứng đầu tư 382 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship (mã VNA) để nâng sở hữu lên 40,22% vốn điều lệ, chuyển sang hạch toán là công ty liên kết.
Đặc biệt, Viconship đã đầu tư thêm hơn 2.173,6 tỷ đồng để nâng sở hữu từ 35% lên 99,9998% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ - đơn vị sở hữu cảng Nam Hải Đình Vũ và chuyển từ công ty liên kết sang công ty con.
Nhờ đẩy mạnh hoạt động M&A, kết thúc năm tài chính 2024, dù Viconship chỉ ghi nhận doanh thu tăng 27,8%, lên 2.787,9 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng tới 182,1% so với cùng kỳ, lên 561,41 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là doanh thu tài chính tăng tới 748,5% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 232,92 tỷ đồng, lên 264,04 tỷ đồng.
Đánh giá lại khoản đầu tư
Viconship thuyết minh rằng, riêng trong quý IV/2024, Công ty đã ghi nhận việc đánh giá lại giá trị hợp lý khoản đầu tư vào Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ, khi nâng sở hữu từ 35% lên hơn 99,9% vốn điều lệ, tương ứng đánh giá lại 35% vốn theo giá mới mua và hạch toán thêm số doanh thu tài chính lên tới 189 tỷ đồng.
Như vậy, nếu loại trừ hoạt động tài chính đột biến, trong năm 2024, lợi nhuận cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp) chỉ tăng 63,1%, tương ứng tăng thêm 160,69 tỷ đồng, lên 415,52 tỷ đồng, thay vì tăng tới 274,6% như báo cáo.
Thực tế, việc đánh giá lại khoản đầu tư vào Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ cũng phát sinh lợi thế thương mại. Tính tới ngày 31/12/2024, Viconship hạch toán thêm 450 tỷ đồng lợi thế thương mại so với đầu năm chỉ 4,6 tỷ đồng. Trong đó, lợi thế thương mại xuất hiện trong quý IV/2024 khi Công ty đánh giá lại khoản đầu tư vào Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ và đầu tư vốn vào Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship.
Theo Nguyên lý kế toán Việt Nam (VAS), lợi thế thương mại xuất hiện khi đây là nghiệp vụ kế toán đánh giá lại khoản đầu tư, nhưng không phát sinh dòng tiền, công ty có thể hạch toán lãi từ việc đánh giá lại giá thị trường so với giá sổ sách tại đơn vị đã đầu tư khi thay đổi cách hạch toán từ đơn vị góp vốn sang công ty liên kết, từ công ty liên kết sang công ty con…
Tuy nhiên, đây là một chi phí tiềm năng và theo nguyên tắc, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện khấu hao lợi thế thương mại trong vòng tối đa 10 năm và thường sẽ sử dụng phương pháp khấu hao đường thẳng đối với lợi thế thương mại. Thực tế, do lợi thế thương mại mới tăng đột biến lên 450 tỷ đồng trong quý IV/2024, Viconship vẫn chưa công bố phương pháp khấu hao và thời điểm khấu hao lợi thế thương mại này.
Mặc dù vậy, theo nguyên tắc chung của Nguyên lý kế toán Việt Nam hiện hành, ước tính trong 10 năm tới, Viconship sẽ phải tăng chi phí khoảng 45 tỷ đồng mỗi năm liên quan tới khấu hao lợi thế thương mại nói trên. Điều này sẽ làm giảm đáng kể lợi nhuận trong tương lai khi Công ty đã thực hiện đánh giá lại khoản đầu tư và ghi nhận lãi đột biến trong quý IV/2024 và phải khấu hao trong những năm tới.
Mặt trái lợi thế thương mại và áp lực chi phí trong tương lai
Thực tế, không chỉ phải chịu áp lực khấu hao với lợi thế thương mại, dư nợ vay của Viconship cũng có xu hướng tăng, khi năm 2024 tăng thêm 24,3% so với đầu năm, tương ứng tăng 381,46 tỷ đồng, lên 1.950,05 tỷ đồng và bằng 38,8% vốn chủ sở hữu. Trong đó, tỷ lệ nợ vay phải trả lãi trên vốn chủ sở hữu toàn ngành năm 2023 chỉ ở mức 23%.
Nếu nhìn rộng ra năm 2021, Viconship không sử dụng nợ vay và chỉ từ năm 2022 tới nay, khi đẩy mạnh hoạt động M&A và mở rộng kinh doanh mới thực hiện gia tăng nợ vay, tỷ lệ nợ vay đã cao hơn nhiều so với trung bình ngành.
Có thể thấy, nợ vay vừa là động lực, vừa là áp lực, khi doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động kinh doanh, đã đẩy mạnh sử dụng nợ vay. Song do tăng nợ vay quá nhanh, Viconship từ doanh nghiệp thận trọng không dùng nợ vay đã trở thành doanh nghiệp sử dụng nợ vay với tỷ trọng cao, lên tới 1.950,05 tỷ đồng và sẽ chịu áp lực đáng kể nếu như hoạt động kinh doanh cốt lõi không thuận lợi như kỳ vọng.
Tại khu vực Hải Phòng - nơi có hoạt động kinh doanh cảng chủ yếu của Viconship, theo phân tích của Công ty Chứng khoán An Bình, áp lực cạnh tranh của các cảng sẽ rất lớn trong năm 2025, khi các dự án mở rộng như Lạch Huyện 3,4 sẽ khai thác từ quý I/2025 với công suất 1,1 triệu TEU/năm; Dự án Lạch Huyện 5,6 dự kiến khai thác từ quý I/2025 với công suất 1,8 triệu TEU/năm; Dự án Nam Đình Vũ 3 dự kiến khai thác quý IV/2025 với công suất 0,65 triệu TEU/năm và Dự án Lạch Huyện 7,8 dự kiến khai thác từ quý II/2026 với công suất 1,5 triệu TEU/năm.