Chống lãng phí nguồn lực quốc gia
LTS: Chúng ta đang chứng kiến một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ được phát động và chỉ đạo thực hiện của Bộ Chính trị và Tổng bí thư Tô Lâm. Từ đó, các quyết sách mới đã được ban hành, nhất là việc tổ chức lại bộ máy lãnh đạo, quản trị quốc gia theo hướng tinh gọn, hướng tới mục tiêu hoạt động hiệu quả hơn.
Trước tiên là giảm chi cho hoạt động thường xuyên của bộ máy, đồng thời (bên cạnh chống tham nhũng) chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được nâng lên ở mức độ rất cao. Những quyết sách với kỳ vọng ưu tiên nguồn lực cho phát triển, kích thích nguồn lực trong toàn xã hội, đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao mức sống của người dân, cải thiện các vấn đề phúc lợi xã hội như văn hóa, giáo dục, y tế và xóa đói giảm nghèo.
Tọa đàm mùa Xuân 2025, Người Đô Thị tổ chức thảo luận chủ đề “Chống lãng phí nguồn lực quốc gia”. Khách mời gồm: GS-TSKH. Đặng Hùng Võ (Chuyên gia Quản lý tài nguyên), TS. Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam), Luật sư Nguyễn Tiến Lập (thành viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam), TS. Lê Vĩnh Triển (Đại học Kinh tế TP.HCM), Ths. Lê Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng Kinh tế - Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM).
* * *
Theo các nhà kinh tế, nguồn lực quốc gia là tổng thể các yếu tố đầu vào, là tất cả những gì tạo thành vốn. Trong nền kinh tế thị trường, nguồn lực then chốt, gồm tài chính, tài nguyên, sản phẩm vật chất, con người và xã hội. Trong đó vốn xã hội liên quan đến thể chế giúp duy trì và phát triển nguồn lực con người. Nếu hoạt động xã hội mang lại giá trị gia tăng thì đó là một nguồn vốn xã hội tốt.
Các vấn đề được luận bàn không chỉ là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà còn chạm đến vấn đề về thể chế nói chung, những thiết chế quản trị trong lĩnh vực tài nguyên trọng yếu của đất nước. Tất cả nhằm phát huy tối đa nguồn lựcquốc gia để phát triển.
GS-TSKH. Đặng Hùng Võ, Chuyên gia Quản lý tài nguyên:
Xác định lại phạm vi cần tập trung điều chỉnh về tiết kiệm, chống lãng phí
Nước ta bắt đầu quan tâm đến tiết kiệm, chống lãng phí từ những năm cuối thế kỷ XX. Đến 2005, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ra đời với đối tượng điều chỉnh là cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản, lao động thuộc khu vực Nhà nước và công dân, tổ chức thuộc đối tượng ngoài khu vực Nhà nước. Đối tượng khá rộng, hướng tới việc xây dựng một xã hội tiết kiệm.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_342_51436806/94f28bc2b08c59d2009d.jpg)
Cách tiếp cận xây dựng một xã hội tiết kiệm có biểu hiện đi ngược lại nguyên tắc của phát triển kinh tế là xây dựng một xã hội tiêu dùng. Trong kinh tế thị trường, người ta luôn đặt vấn đề kích cầu bằng mọi cách để kích thích sản xuất hàng hóa tốt và rẻ, cung cấp dịch vụ chất lượng cao. Vì vậy, phạm vi tiết kiệm, chống lãng phí cần xác định chi tiết hơn, đúng đắn hơn.
Năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/CP về bồi thường thiệt hại và xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bộ Tài chính đã có hướng dẫn chi tiết để áp dụng. Trong thời gian này, tất cả các bộ, ngành đều ban hành các quyết định về tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi quản lý của mình. Nhìn lại, đây là thời điểm được ghi nhận những nỗ lực của bộ máy hành chính trong việc tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí ngân sách, tài sản công là chủ yếu. Như vậy, việc chống lãng phí mới chỉ tập trung vào việc chi tiêu ngân sách công, sử dụng tài sản công, trong đó có cơ chế xử lý những cán bộ, công chức, viên chức hoang phí của công. Ngoài phạm vi này, các vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí chưa được hướng dẫn thực hiện cũng như chưa được thực hành trên thực tế.
Tiếp tục, năm 2013 Quốc hội thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi với đối tượng điều chỉnh gần như không đổi. Luật này được hướng dẫn thực hiện một số điều thuộc thẩm quyền của Chính phủ tại Nghị định 84/CP năm 2014. Ngoài văn bản này, đến nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành không ban hành thêm bất kỳ văn bản hướng dẫn thực hành nào khác. Có thể thấy những cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không còn được như 8 năm trước.
Dựa vào những phân tích trên, chúng ta cần xác định lại phạm vi tập trung điều chỉnh về tiết kiệm, chống lãng phí sao cho phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế. Từ đó thiết kế luật pháp tập trung vào phạm vi mà việc không tiết kiệm, lãng phí gây hại cho phát triển đất nước và cũng cần tìm ra các giải pháp hữu hiệu.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_342_51436806/d01df92dc2632b3d7272.jpg)
“Tấc đất tấc vàng”, nhưng sau gần 30 năm quy hoạch, dự án khu đô thị mới
Thủ Thiêm vẫn dở dang do điểm nghẽn trong quản trị nhà nước. Ảnh: Văn Trung
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam:
Triết lý phát triển nhìn từ sự lãng phí đất đai
Tuy nhiên, hiểu đúng bản chất về lãng phí đất đai không đơn giản. Bởi chúng ta tiếp cận vấn đề đất đai theo quan điểm nào? Chẳng hạn như chỉ coi nó đơn thuần là tài sản và phương tiện để tiếp cận từ góc nhìn cục bộ, ngắn hạn và thực dụng… hay tiếp cận vấn đề với tầm nhìn rộng và xa hơn?
Cụ thể, theo quan niệm thông thường, lãng phí là sự bỏ hoang đất đai, không sử dụng nó. Ví như tình trạng quy hoạch “treo” hay những dự án đầu tư xây dựng đã có quyết định chủ trương nhưng bị chậm hay không được triển khai, dẫn đến khu đất có liên quan bị để trống trong khi các công việc khác có nhu cầu lại không có đất. Cách nhìn này thực dụng, muốn đất đai đóng vai trò như phương tiện, càng sử dụng nhiều càng tốt.
Ở một khía cạnh khác, khi nhấn mạnh đất đai là tài sản vật chất, người ta cho rằng nếu đất được chuyển nhượng giá rẻ đồng nghĩa với thất thoát. Từ đó có chủ trương giao đất, cho thuê đất với giá càng cao càng tốt để chống lãng phí và làm lợi cho ngân sách. Tiếp cận vấn đề lãng phí đất đai như vậy mang đến các lợi ích cho địa phương hơn là quốc gia, bởi nó phục vụ tăng nguồn thu ngân sách của cấp nắm quyền sở hữu, quản lý đất đai trực tiếp. Còn về tác động, giá đất tăng cao khiến tiền của xã hội sẽ chảy nhiều vào đất hơn là sản xuất, kinh doanh do chi phí đầu tư lớn; các tổ chức, doanh nghiệp sẽ đầu cơ bằng việc cố chiếm dụng nhiều đất vì càng được lợi thế do tăng giá trị tài sản và khả năng thế chấp để vay vốn.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_342_51436806/be479d77a6394f671628.jpg)
Khó có thể nói hai khuynh hướng trên là sai với lập luận xây dựng đồng nghĩa với kiến tạo cuộc sống văn minh, biến đất thành tiền cũng là một cách làm giàu. Tuy nhiên, nó phiến diện bởi không thể hiện đúng bản chất của vấn đề lãng phí đất đai, xét từ tầm nhìn phát triển vì lợi ích toàn diện, lâu dài của một quốc gia.
Tôi nhớ có lần hỏi một chuyên gia kinh tế Đức rằng nước ông có quy hoạch sử dụng đất không? Ông trả lời đại ý có quy hoạch phát triển nhưng chủ yếu quy định nơi nào được xây và nơi nào cấm xây công trình. Đơn giản là họ cho rằng đất đai rất quý hiếm nên nếu xây công trình thì coi như không còn đất. Người ta phân định rạch ròi giữa đất và bất động sản, coi trọng không gian phát triển hơn là vật chất thông thường. Nó thể hiện một tầm nhìn dài hạn và lớn lao.
Do vậy, dù chúng ta đã nỗ lực bao năm để thoát nghèo thì tôi cho rằng việc quan trọng lúc này vẫn là định hình lại mục tiêu phát triển và các dấu hiệu của nó là gì?
Khi nói tới nhiều công trình và tòa nhà được xây mới như là một dấu hiệu của hiện đại và phát triển thì Việt Nam thua xa Trung Quốc. Tuy nhiên, theo thống kê tại thời điểm này, Trung Quốc đang có khoảng 90 triệu ngôi nhà trong các “đô thị ma” không có người ở. Còn ở Việt Nam, dù chưa có thống kê tương tự nhưng ở Hà Nội và TP.HCM, riêng các dự án nhà ở xã hội đã có hàng chục ngàn căn hộ bỏ trống. Quá trình “bất động sản hóa” đất đai còn phải kể đến các công trình công nghiệp và hạ tầng kinh tế, văn hóa và xã hội khác. Tất cả đều cần thiết và đang đóng góp tới trên 10% vào thành tích tăng trưởng GDP cả nước. Nhưng cũng có những câu hỏi đặt ra là: giá trị thực sự và tuổi thọ của từng công trình được xây đó là bao nhiêu? Nếu không đạt tới sự bền vững thì cái kết của cuộc đua phát triển ấy sẽ là gì?
Trở lại với khái niệm nguyên thủy, đất đai là không gian sống. Theo đó, nếu mật độ dân số trung bình của thế giới chỉ là 61 người/km2; Trung Quốc đông dân nhất thế giới nhưng có 152 người/km2; thì Việt Nam là một nước “đất chật, người đông” với 321 người/km2. Không chỉ là vấn đề nhiều người mà cùng với nó, nếu việc xây dựng cứ tiếp diễn để vươn tới “văn minh, hiện đại” mà không được kiểm soát, thì với các rừng bê tông mọc như nấm ở đô thị và tầng tầng, lớp lớp các nhà máy công nghiệp được dựng lên ở vùng ven, không gian sống tự nhiên do Trời ban và tổ tiên để lại cho chúng ta sẽ ngày càng bị bóp nghẹt.
Với nhận thức và quan điểm của mình, tôi xin nêu ra các gợi ý về định hướng cơ bản giải bài toán lãng phí đất đai như sau:
Thứ nhất, ở cấp ban hành chính sách, đặc biệt về chính sách phát triển, cần có sự thay đổi về tư duy và triết lý phát triển, coi đất đai là không gian sinh tồn, là tài nguyên quý hiếm nhất của dân tộc Việt Nam để giữ gìn và bảo vệ. Từ đó không cố gắng xây dựng càng nhiều càng tốt hay “bất động sản hóa” đất đai bằng mọi giá, nhất là đối với những vùng đất có lợi thế cho đời sống tự nhiên của con người. Khi xây dựng thì cần kiểm soát để tránh xây những công trình không thật sự cần thiết và hữu dụng, ít mang các giá trị lâu dài.
Thứ hai, về phân cấp quản lý, tại mỗi vùng và khu vực, cần có sự phân định rạch ròi giữa đất trung ương và đất địa phương, gắn với các mục tiêu và tầm nhìn phát triển khác nhau, nhằm bảo đảm duy trì và hài hòa lợi ích giữa hai cấp độ quốc gia và từng địa phương.
Thứ ba, cần cải cách về cả tư duy và cách làm quy hoạch, theo đó trong quy hoạch đất đai bỏ phần chi tiết về mục tiêu sử dụng của từng khu đất, thay vào đó tập trung hoạch định về nguyên tắc những vùng được xây và không được xây với sự phân loại và phân hạng các cấp độ công trình. Còn các nội dung khác về đất đai sẽ được tích hợp vào quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội.
Nếu bắt đầu bằng triết lý phát triển để giải bài toán lãng phí đất đai, chúng ta sẽ tránh được một hậu quả tiêu cực không thể khắc phục của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang là xu thế tất yếu.
TS. Lê Vĩnh Triển, Đại học Kinh tế TP.HCM:
Các biểu hiện lãng phí nguồn lực vô hình
Từ đầu tư công thiếu hiệu quả, sử dụng tài nguyên thiên nhiên lãng phí đến những dự án chậm tiến độ, tất cả đều là hệ quả của các vấn đề sâu xa trong thể chế. Như các khôi nguyên Nobel Kinh tế 2024 - Daron Acemoglu, Simon Johnson, và James A. Robinson - đã chỉ ra: lãng phí không chỉ đến từ sự quản lý yếu kém mà còn từ bản chất của các thể chế không bao trùm, vốn giới hạn cơ hội và kiềm chế sự sáng tạo, trí tuệ của con người. Theo các nghiên cứu của Acemoglu, Johnson và Robinson, sự khác biệt giữa các quốc gia phát triển và kém phát triển không chỉ nằm ở tài nguyên thiên nhiên hay địa lý mà ở bản chất của thể chế: bao trùm hay chiếm đoạt.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_342_51436806/cc62e952d21c3b42620d.jpg)
Ở các quốc gia với thể chế không bao trùm, quyền lực tập trung trong tay một nhóm nhỏ, tạo ra rào cản cho sự tham gia của đa số dân cư vào các hoạt động kinh tế và chính trị. Điều này dẫn đến sự lãng phí to lớn về nguồn lực con người.
Theo tôi, để chống lãng phí một cách căn bản và toàn diện, không chỉ thực hiện việc tinh giản bộ máy mà còn thay đổi thể chế. Một thể chế bao trùm sẽ ngăn ngừa được sự lãng phí nguồn lực, không chỉ là các nguồn lực hữu hình như tài nguyên thiên nhiên hay tài sản công, mà còn mở rộng đến việc khai thác tối đa nguồn lực vô hình như trí tuệ, tri thức và tinh thần sáng tạo của con người.
Lãng phí không chỉ nằm ở tài sản vật chất mà còn ở những cơ hội bị mất đi. Một thể chế không bao trùm dẫn đến các chính sách ưu tiên lợi ích nhóm, làm chệch hướng các nguồn lực và giảm năng suất kinh tế.
Các dự án đầu tư công không hiệu quả là minh chứng rõ ràng: không chỉ vốn đầu tư bị thất thoát mà còn làm mất đi cơ hội để sử dụng số vốn đó vào giáo dục, nghiên cứu khoa học, hoặc phát triển cơ sở hạ tầng thực sự cần thiết.
Các thể chế không khuyến khích sáng tạo, thậm chí kìm hãm phản biện và đổi mới khiến những tài năng trí tuệ không thể đóng góp hiệu quả. Điều này không chỉ lãng phí nguồn lực nội địa mà còn khiến chất xám chảy ra nước ngoài.
Đổi mới thể chế theo hướng bao trùm, khuyến khích tự do sáng tạo và phản biện chính là chìa khóa để chống lãng phí toàn diện và phát huy tối đa tiềm năng của con người.
Trong bối cảnh Việt Nam, các biểu hiện lãng phí nguồn lực vô hình sau đây vốn gắn liền với trí tuệ và tri thức, rất đáng quan tâm:
- Việt Nam có một cộng đồng trí thức kiều bào hùng hậu, nhưng sự thiếu kết nối và cơ chế khuyến khích khiến những tài năng này khó quay trở về đóng góp cho quê hương.
- Trong nước, nhiều nhà khoa học và chuyên gia bị giới hạn bởi môi trường làm việc không minh bạch, thiếu động lực sáng tạo. Điều này khiến họ không thể phát huy hết tiềm năng, dẫn đến sự chảy máu chất xám ngay trong nội địa.
- Hệ thống giáo dục vẫn tập trung vào lý thuyết mà ít chú trọng vào thực tiễn và sáng tạo. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động dẫn đến sự lãng phí trong đầu tư giáo dục.
- Nghiên cứu khoa học và công nghệ vốn là chìa khóa cho phát triển kinh tế hiện đại bị kìm hãm bởi thiếu sự hỗ trợ từ thể chế và các chính sách dài hạn.
- Cơ hội tham gia vào bộ máy và thăng tiến thiếu công bằng do các rào cản về tiêu chuẩn chính trị cũng đang là một thực tế, điều này gây lãng phí nguồn lực con người cho lĩnh vực quản lý nhà nước.
Như vậy, lãng phí, dù ở dạng hữu hình hay vô hình, đều là gánh nặng lớn đối với các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên vấn đề không chỉ nằm ở quản lý tài nguyên mà còn ở việc thiết kế và vận hành các thể chế. Đổi mới thể chế theo hướng bao trùm, khuyến khích tự do sáng tạo và phản biện chính là chìa khóa để chống lãng phí toàn diện và phát huy tối đa tiềm năng của con người. Với những cải cách sâu rộng và sự quyết tâm, Việt Nam có thể biến nguồn lực trí tuệ thành động lực mạnh mẽ để phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Còn tiếp...
Nhóm thực hiện: Duy Thông - Thượng Tùng - Quốc Ngọc