CPI tăng mạnh hơn dự báo, điểm sáng hiếm hoi của kinh tế Trung Quốc

Nước này vốn đang phải chống lại tình trạng giảm phát trên diện rộng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản đã bước sang năm thứ tư...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Giá tiêu dùng ở Trung Quốc trong tháng 1 vừa qua tăng với tốc độ nhanh nhất trong 5 tháng trở lại đây, khi chi tiêu của người dân nước này tăng mạnh trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thổi một chút sinh khi vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn đang chật vật vì tình trạng ảm đạm của nhu cầu.

Dữ liệu chính thức do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố hôm Chủ nhật cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo tăng 0,4% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Con số này cũng là một sự tăng tốc mạnh so với tháng 12/2024 - tháng có CPI tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái - đồng thời là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 8.

Trong khi đó, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) - thước đo lạm phát tại cổng nhà máy - giảm tháng thứ 28 liên tiếp, giảm 2,3%. Mức giảm này sâu hơn một chút so với dự báo của các nhà kinh tế là 2,2%, nhưng bằng với mức giảm ghi nhận trong tháng 12.

Việc lạm phát giá tiêu dùng tháng 1 của Trung Quốc tăng là kết quả của tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, khi hàng triệu người dân Trung Quốc về quê đón Tết và trao “hồng bao” lì xì cho người thân và bạn bè. Kỳ nghỉ Tết hàng năm ở Trung Quốc cũng cũng là thời điểm chứng kiến sự gia tăng chi tiêu cho các mặt hàng như thực phẩm do các gia đình chuẩn bị cho những bữa tiệc đoàn viên lớn.

Nhà thống kê Dong Lijuan của NBS cho biết trong một tuyên bố: “Từ góc độ so sánh với cùng kỳ năm trước, giá dịch vụ và thực phẩm tăng đáng kể do kỳ nghỉ Tết năm nay diễn ra vào thời điểm sớm hơn so với năm ngoái”. Cũng theo ông Dong, giá vé máy bay tháng 1 ở Trung Quốc cao hơn 8,9% so với cùng kỳ 2024, trong khi chi phí liên quan đến du lịch tăng 7%.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng mạnh lên là một điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. Nước này vốn đang phải chống lại tình trạng giảm phát trên diện rộng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản đã bước sang năm thứ tư và niềm tin của người tiêu dùng còn ảm đạm. Lĩnh vực sản xuất - thời gian qua giữ vai trò là một động lực tăng trưởng chính của kinh tế Trung Quốc bên cạnh xuất khẩu - cũng bắt đầu chững lại.

Giá hàng hóa xuất xưởng tại các nhà máy ở Trung Quốc đã ở trong tình trạng trượt dốc kéo dài trong hơn 2 năm qua, trong khi sản lượng của các nhà máy đã có tháng giảm đầu tiên sau 4 tháng vào tháng 1 vừa qua. Sự suy giảm này được cho là bắt nguồn từ việc các nhà sản xuất Trung Quốc phải chống chọi với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt ở thị trường nước ngoài - một xu hướng mà các nhà phân tích dự báo sẽ chỉ trở nên trầm trọng hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khởi động cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.

Trong tháng 2 này, ông Trump đã đặt mức thuế quan bổ sung 10% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ - một động thái mà ông gọi là “đòn mở đầu”. Trung Quốc trả đũa bằng mức thuế từ 10 đến 15% đối với một loạt hàng hóa Mỹ bao gồm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), than đá, dầu thô và thiết bị nông nghiệp của Mỹ… đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ có các biện pháp “mạnh mẽ” để khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu, và các nhà hoạch định chính sách nước này đã công bố một loạt biện pháp kích thích kinh tế bằng cả chính sách tài khóa và tiền tệ trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng áp lực giảm phát sẽ tiếp tục gây khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2025. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng phải đương đầu với một thế cân bằng mong manh giữa một bên là nỗ lực phục hồi nền kinh tế và một bên là bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ trong bối cảnh các biện pháp thuế quan của ông Trump gây áp lực mất giá lên đồng nhân dân tệ.

Căng thẳng thương mại gia tăng đang làm dấy lên mối lo ngại về dòng vốn đầu tư rút khỏi Trung Quốc và khả năng hạn chế của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) trong việc hạ lãi suất. Trước kỳ nghỉ Tết vừa rồi, PBOC đã bổ sung một lượng vốn ngắn hạn kỷ lục 2,2 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 300 tỷ USD, vào hệ thống tài chính nhằm giúp giải tỏa áp lực thanh khoản đang tăng cao trong giai đoạn này.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cpi-tang-manh-hon-du-bao-diem-sang-hiem-hoi-cua-kinh-te-trung-quoc.htm
Zalo