Gợi mở thêm giải pháp để GDP tăng trên 8%
Nhất trí cao điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, đại biểu Quốc hội gợi mở thêm các giải pháp sát sườn, như tăng trưởng tín dụng cao hơn, hay tính toán gói kích thích kinh tế, tiếp tục miễn giảm thuế, phí trong một số lĩnh vực.
![Tăng đầu tư công là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Ảnh: Đức Thanh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_72_51437146/0dcfd9fde2b30bed52a2.jpg)
Tăng đầu tư công là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Ảnh: Đức Thanh
Tăng 84.300 tỷ đồng đầu tư công
Chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín (khai mạc ngày 12/2), Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên của Chính phủ đã được Ủy ban Kinh tế Quốc hội thẩm tra cuối tuần qua.
Trình bày tóm tắt Đề án, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2025, tăng trưởng GDP cả nước cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026).
Theo tờ trình, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, tốc độ tăng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
Trường hợp cần thiết, cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo (khoảng 5% GDP).
Chính phủ cũng đã tính toán kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025, theo đó các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024; với công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỷ USD), trong đó đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 là 790.700 tỷ đồng).
Tờ trình của Chính phủ cũng nhấn mạnh 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng mới, như hoàn thiện thể chế, pháp luật, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, theo đánh giá của Chính phủ, kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 rất khả quan, là cơ sở để đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm nay. 2025 cũng là năm tăng tốc về đích, việc hoàn thành tốt các chỉ tiêu của năm nay sẽ bù đắp cho các năm trước đó.
Nhưng, theo ông Thanh, bên cạnh thuận lợi, cũng có nhiều khó khăn, cần đánh giá để tìm ra cơ hội mới cho tăng trưởng 8% trở lên. “Chính phủ đã có tờ trình đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu theo tinh thần đổi mới, tăng trưởng 8% trở lên, CPI ở mức 4,5- 5%, vậy biện pháp thế nào để kiểm soát lạm phát? Có thể phải huy động thêm các nguồn lực thì phải nới trần nợ công, nợ nước ngoài ở ngưỡng vượt cảnh báo khoảng 5% GDP, vậy cần thêm nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt hơn ra sao”, ông Thanh nêu vấn đề cần thảo luận.
Làm gì để GDP tăng thêm 1%
Cần giải pháp thiết thực gì để GDP có thể tăng thêm 1% so với chỉ tiêu Quốc hội giao (khoảng 6,5-7%) cũng là câu hỏi được nhiều đại biểu nêu ra tại phiên thẩm tra.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, nhiều giải pháp tại tờ trình nêu lại giải pháp tại Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tám (cuối năm 2024). “Nên lựa chọn các giải pháp thực sự cần ưu tiên để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trình Quốc hội”, ông An góp ý.
Gợi ý giải pháp đầu tiên là “tiền đâu”, đại biểu An cho rằng, có thể nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 18-20% (hiện Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% - PV).
“Chính phủ mới nêu chung chung là điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Theo tôi, phải rất cụ thể, cần lượng hóa mức độ tăng trưởng tín dụng để đẩy thêm vốn vào nền kinh tế”, ông An nói.
Ngoài ra, vẫn theo đại biểu An, trường hợp cần thiết để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo (khoảng 5% GDP), thì cần làm rõ hơn khả năng trả nợ để đại biểu yên tâm bấm nút.
Đồng tình với đại biểu An, đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Đề án chỉ nên chắt lọc, tập trung vào những giải pháp mới, phù hợp với bối cảnh mới xuất hiện trong giai đoạn kết thúc Kỳ họp thứ tám của Quốc hội đến nay. “Giải pháp cần cụ thể, chứ không nên nói chung chung là ‘sớm ban hành, sớm hoàn thiện’, cần giải pháp mang tính thực tế cao”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Tán thành với việc xem hoàn thiện thể chế là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu của Đề án, song ông Hiếu nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu này, Đề án cần đưa ra các giải pháp cụ thể để ưu tiên nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế, bao gồm cả nguồn lực về thời gian, nhân lực và các điều kiện bảo đảm khác, đặc biệt cần tăng cường tính khoa học trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm các giải pháp chính sách, pháp luật đáp ứng được yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để đạt mục tiêu đặt ra trong năm 2025.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Phan Đức Hiếu bày tỏ băn khoăn khi chưa rõ, để GDP tăng thêm 1% thì giải pháp nào là quan trọng nhất. Ông Hiếu phân tích, về mặt lý thuyết, các nước sẽ có các gói kich thích, vậy nước ta có cần gói này không. Nếu có, theo ông Hiếu, gói này nên tập trung vào xuất khẩu, du lịch và tiêu dùng. Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng, giảm thuế cũng là gói kích thích rất hiệu quả. “Kỳ họp thứ chín tới sẽ thông qua một số luật thuế sửa đổi theo hướng tăng thuế, vậy có nên xem xét tạm dừng tăng thuế và giảm thêm một số thuế, phí cho một số lĩnh vực không”, ông Phan Đức Hiếu gợi ý.
Hồi âm ý kiến đại biểu, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, việc xây dựng Đề án trong bối cảnh “vừa chạy, vừa xếp hàng”, nên còn có những bất cập như đại biểu đã nhận xét.
Về giải pháp trọng tâm để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, ông Phương cho biết, đầu tư công cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng, thì GDP sẽ tăng thêm khoảng 0,64%. “Tiền có rồi, địa chỉ có rồi, hơn 84.000 tỷ đồng này là mới so với nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch năm 2025”, ông Phương nói.
Liên quan gợi ý về chính sách thuế, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát các chính sách miễn giảm thuế, phí (hầu hết chấm dứt vào cuối năm 2024), báo cáo ngay trong quý I/2025 xem loại nào cần duy trì để gia hạn. “Có thể không hình thành gói kích thích, nhưng chính sách kích thích là có”, ông Phương hồi âm gợi ý của đại biểu.
Riêng với quan điểm nâng mức tăng trưởng tín dụng, Thứ trưởng Phương cho biết: “Đây là vấn đề rất nhạy cảm, chỉ cần tăng 1% đã rất lo ngại về nguy cơ lạm phát. Yêu cầu là cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế, còn đủ là thế nào thì cần điều hành linh hoạt để không ảnh hưởng đến lạm phát nhiều quá”, Thứ trưởng Phương nói thêm.
Kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khái quát, các ý kiến tại phiên thẩm tra đều thống nhất cao với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025. Ông Thanh đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt trên 8,3 tỷ USD
Cũng trong phiên họp cuối tuần qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đây là dự án quan trọng quốc gia, có chiều dài tuyến chính dài 390,9 km21 và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9 km, đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỷ đồng (tương đương 8,369 tỷ USD). Tất cả ý kiến tham gia thẩm tra đều nhất trí với sự cần thiết đầu tư Dự án và chỉ ra một số quy định cần hoàn thiện, đặc biệt là về cơ chế, chính sách đặc thù, trước khi trình Quốc hội.