Vì sao kéo dài ưu đãi xe điện, bỏ qua xe hybrid?
Hybrid là mác 'xe xanh' và được áp dụng trên nhiều mẫu xe từ sang tới bình dân như Toyota, Suzuki nhưng chưa được ưu đãi về khoản phí trước bạ như xe điện.
Ngân sách giảm thu 8.419 tỷ đồng từ miễn phí trước bạ xe điện
Theo tờ trình của Bộ Tài chính về dự thảo Nghị định sửa đổi về lệ phí trước bạ, kể từ khi nghị định 10/2022 có hiệu lực, số giảm thu ngân sách nhà nước do miễn lệ phí trước bạ cho xe điện chạy pin khoảng 8.419,4 tỷ đồng. Mức hụt thu tăng nhanh từng năm.
Cụ thể, năm 2022 số hụt thu từ miễn lệ phí trước bạ là 381 tỷ đồng, năm 2023 hụt thu 3.216 tỷ đồng, năm 2024 số hụt thu lên tới 4.821 tỷ đồng. Xét trong tổng số thu ngân sách từ khoản lệ phí trước bạ ô tô toàn quốc (27.805 tỷ đồng năm 2024), khoản lệ phí trước bạ cho xe điện tương đương 17,34%.
Theo dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn chính sách miễn phí trước bạ ô tô điện thêm 2 năm (từ 1/3/2025 đến 28/2/2027) đi cùng tốc độ tăng trưởng xe điện từ 25 - 30% như dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, số tiền ngân sách ưu đãi cho xe điện trong hai năm tới có thể lên đến 4.800 tỷ đồng mỗi năm.

Mẫu xe hybrid rẻ nhất tại Việt Nam có giá khoảng 600 triệu đồng, mức nộp lệ phí trước bạ như xe xăng phổ thông. Ảnh: Lâm Phương
Khoản lệ phí trước bạ từ 10 - 12% giá niêm yết của xe ô tô điện, giúp chi phí lăn bánh giảm tương ứng và có tác dụng khuyến khích tiêu dùng xe điện, tuy nhiên chính sách này ưu đãi cho cả xe điện nhập khẩu, giúp xe điện nước ngoài có cơ hội tràn vào Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, xe điện nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu từ hai nước Trung Quốc, Đức. Các hãng xe Đức như Audi, Porsche và Mercedes bán xe điện với tư cách sản phẩm cao cấp, không dành cho người dùng phổ thông, lượng tiêu thụ không đáng kể.
Tuy nhiên, các thương hiệu Trung Quốc như BYD và Aion đang mở rộng thị phần bằng sản phẩm nhập khẩu, tận dụng chính sách miễn lệ phí trước bạ. BYD mới đây đã bàn giao lô 50 chiếc xe điện 7 chỗ BYD M6 giá niêm yết khoảng 700 triệu đồng/chiếc cho một đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải ở Hải Dương. Đây là chỉ báo cho thấy xe điện giá rẻ sẽ xâm nhập thị trường rất nhanh trong năm nay.
Vì sao chưa có chính sách tương tự với xe hybrid?
Hiện tại, dù gắn mác “xe xanh” và thực nghiệm chứng minh mức độ tiết kiệm nhiên liệu, các dòng xe hybrid đang bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt là 15% (dung tích xi lanh dưới 1.5L), 25% (dung tích xi lanh từ 1.5L đến 2.0L) và 30% (dung tích xi lanh từ 2.0L đến 3.0L). Riêng lệ phí trước bạ thu 100% như xe xăng.
Một chuyên gia thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho hay, từ năm 2022 hiệp hội đã gửi kiến nghị lên Chính phủ đề nghị xem xét giảm lệ phí trước bạ đối với dòng xe hybrid tự sạc (HEV), hybrid sạc ngoài (PHEV) để có sự chuyển đổi hài hòa sang xe điện. Tuy nhiên đề xuất chưa được đáp ứng.

Xe điện nhập khẩu dự kiến được miễn lệ phí trước bạ như xe lắp ráp trong nước đến hết tháng 2/2027. Ảnh: Lâm Phương
Vì thế, năm 2023 hãng Toyota với dải 6 mẫu hybrid, bán tổng cộng 2.639 chiếc. Suzuki có hai mẫu, bán 3.630 xe (loại hybrid nhẹ), các thương hiệu khác như Volvo, Lexus, Honda, Kia, Haval có sản lượng tiêu thụ không đáng kể. Năm nay, ước tính lượng tiêu thụ xe hybrid chỉ khoảng 8 - 10 nghìn chiếc, chưa đến 2% dung lượng thị trường.
Góp ý về chính sách này, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của chính sách miễn lệ phí trước bạ với ô tô điện thời gian qua, từ đó đưa ra các kiến nghị chính sách phù hợp thời gian tới.
Ngoài ô tô chạy pin, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách miễn giảm khoản lệ phí này với các loại xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, xanh, thân thiện môi trường khác như xe hybrid tự sạc (HEV), xe hybrid sạc ngoài (PHEV) và xe điện dùng pin nhiên liệu thuần túy (FCEV)...; đồng thời xem xét cân nhắc tỷ lệ miễn giảm dựa trên cơ sở mức phát thải CO2 nhằm khuyến khích phát triển giao thông xanh.
Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045, Bộ Công Thương đề xuất cần nghiên cứu, xây dựng các chính sách giảm lệ phí trước bạ cho các dòng xe HEV, PHEV và BEV để đạt mục tiêu tỷ lệ xe điện, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học hay nhiêu liệu xanh khác (gọi tắt là xe xanh) chiếm khoảng 18 - 22% tổng doanh số toàn thị trường (1 - 1,1 triệu chiếc) vào năm 2030.