Vì sao ban đầu Đức Phật không cho phụ nữ xuất gia?

Trước khi trở thành vị tỳ kheo ni đầu tiên, kế mẫu của Đức Phật 3 lần thỉnh cầu ngài cho phụ nữ xuất gia nhưng đều bị cự tuyệt; vì sao ngài lại từ chối?

Phật giáo, với tinh thần từ bi và bình đẳng, là một trong những tôn giáo sớm nhất mở ra con đường tu hành cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, một câu hỏi từng gây nhiều tranh luận trong giới học giả và Phật tử là: Vì sao ban đầu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không cho phụ nữ xuất gia?.

Sự từ chối này không phải là biểu hiện của sự phân biệt giới tính, mà liên quan đến nhiều yếu tố xã hội, văn hóa, giáo lý và bối cảnh lịch sử cụ thể.

Phụ nữ Ấn Độ cổ đại không có địa vị tôn giáo

Để hiểu rõ lý do Đức Phật ban đầu không cho phụ nữ xuất gia, cần đặt vào bối cảnh xã hội Ấn Độ thế kỷ VI trước Công nguyên. Đó là xã hội trọng nam khinh nữ, theo chế độ đẳng cấp khắt khe (Bà-la-môn giáo), trong đó phụ nữ không được học hành hay tiếp cận kinh điển, không được tham gia các nghi lễ tôn giáo lớn. Vai trò của người phụ nữ chủ yếu là sinh con, nội trợ và phục tùng chồng.

Trong hoàn cảnh như vậy, việc một phụ nữ rời khỏi gia đình để đi tu là vô cùng táo bạo và đi ngược lại toàn bộ chuẩn mực xã hội.

Chính vì vậy, khi Đức Phật bắt đầu truyền bá giáo pháp và thành lập Tăng đoàn, ngài chỉ thu nhận nam giới xuất gia. Việc giữ nguyên mô hình ấy ban đầu là để duy trì sự ổn định, tránh xung đột xã hội và tạo uy tín cho giáo đoàn sơ khai.

Kế mẫu Đức Phật 3 lần bị từ chối thỉnh cầu xuất gia

Người đầu tiên thỉnh cầu Đức Phật cho phụ nữ xuất gia là Hoàng hậu Ma Ha Ba Xà Ba Đề Kiều Đàm Di (Mahāpajāpatī Gotamī) - mẹ kế và cũng là dì ruột của Ngài. Sau khi vua Tịnh Phạn qua đời, bà cùng một nhóm 500 phụ nữ trong dòng tộc Thích Ca xin được xuất gia tu học.

Tượng bà Kiều Đàm Di, kế mẫu của Đức Phật, cũng là tỳ kheo ni đầu tiên trong lịch sử Phật giáo.

Tượng bà Kiều Đàm Di, kế mẫu của Đức Phật, cũng là tỳ kheo ni đầu tiên trong lịch sử Phật giáo.

Tuy nhiên, Đức Phật đã từ chối đến ba lần, khiến nhiều người hiểu lầm rằng ngài kỳ thị phụ nữ. Trên thực tế, đây không phải là sự khước từ vĩnh viễn, mà là sự thận trọng và cân nhắc toàn diện.

Tôn giả A Nan, người rất kính trọng nữ giới và có lòng bi mẫn, đã thuyết phục Đức Phật bằng lập luận: “Nếu phụ nữ có đầy đủ trí tuệ và tâm nguyện xuất thế, tại sao họ không thể thành tựu như nam giới?”.

Đức Phật sau đó chấp thuận cho phụ nữ xuất gia, và hoàng hậu Kiều Đàm Di trở thành tỳ khe ni đầu tiên trong lịch sử Phật giáo. Tuy nhiên, Đức Phật đã đặt ra tám điều kiện gọi là “Bát kỉnh pháp” (tám điều kính trọng) mà ni chúng phải tuân thủ. Theo đó, Ni giới phải cung kính Tăng giới, kể cả với vị tỳ kheo trẻ tuổi.

Điều này thường bị hiểu nhầm là phân biệt, nhưng nhìn từ góc độ xã hội thời bấy giờ, đây là cách để bảo vệ Ni đoàn mới thành lập, giúp họ tồn tại, phát triển và tránh bị xã hội xem thường.

Theo các nhà nghiên cứu, Đức Phật đưa ra các quy định trên là để: Tránh mâu thuẫn giữa hai giới trong giáo đoàn, tạo tôn ti rõ ràng để duy trì hòa hợp nội bộ, giúp Ni giới được Tăng giới hỗ trợ trong tu học ban đầu. Đức Phật biết rằng nếu không có sự sắp xếp cẩn trọng này, trong bối cảnh phụ nữ không có địa vị xã hội, rất có thể Ni đoàn sẽ không tồn tại được lâu.

Về sau, khi Ni đoàn vững vàng, đã có nhiều bậc tỳ kheo ni đắc A-la-hán, trở thành gương sáng cho bao thế hệ tu nữ, nổi bật là các vị Khema, Uppalavanna, Yasodhara (Da Du Đà La, vợ của Đức Phật)... Họ đều là bậc thánh đệ tử với trí tuệ và đạo hạnh cao siêu.

Đức Phật là người tiên phong mở đường bình đẳng cho phụ nữ

Nếu nhìn toàn bộ tiến trình, có thể thấy rằng Đức Phật không hề xem nhẹ phụ nữ, mà ngược lại, ngài là người đầu tiên trong lịch sử tôn giáo cổ đại chấp nhận phụ nữ xuất gia và công nhận họ có thể chứng đắc quả vị A-la-hán như nam giới. Ngài giảng dạy cho phụ nữ các pháp môn sâu sắc, không phân biệt căn cơ, cho phép thành lập Tăng đoàn Ni giới có tổ chức, giới luật, pháp học và pháp hành rõ ràng.

Việc từ chối ban đầu không phải là kỳ thị, mà là cách thử thách quyết tâm và bảo vệ phụ nữ khỏi những nguy hiểm của xã hội đương thời. Khi Ni giới thể hiện được sự kiên trì và tinh tấn, Đức Phật đã không ngần ngại mở ra cánh cửa xuất thế cho họ – một hành động vượt thời đại và đầy từ bi trí tuệ.

Tóm lại, ban đầu Đức Phật không cho phép phụ nữ xuất gia không phải do kỳ thị giới tính. Đây là sự cân nhắc thận trọng về mặt xã hội, giáo đoàn và an toàn của Ni giới trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Với lòng từ bi và trí tuệ, Ngài đã dần mở ra con đường bình đẳng tu học cho nữ giới – một bước tiến lớn không chỉ trong Phật giáo mà còn trong lịch sử nhân loại.

Nhật Minh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vi-sao-ban-dau-duc-phat-khong-cho-phu-nu-xuat-gia-ar942497.html
Zalo