Đức Phật trao gia tài cho người con trai duy nhất ra sao?

Sau nhiều năm rời nhà tìm đạo giải thoát, Đức Phật trở về kinh thành Ca Tỳ La Vệ thăm gia đình, con trai 7 tuổi của ngài là La Hầu La xin cha trao gia tài cho mình.

Trong suốt hơn 2.500 năm qua, hình ảnh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được khắc họa như một bậc giác ngộ từ bỏ ngai vàng, tài sản, quyền lực và cả tình thân để tìm ra con đường giải thoát cho muôn loài. Trở lại thăm gia đình sau khi thành đạo, ngài đã trao lại gia tài quý báu nhất cho người con trai duy nhất của mình - La Hầu La (Rahula).

Chuyện Đức Phật trao gia tài cho con trai

La Hầu La chào đời đúng vào đêm Thái tử Tất Đạt Đa rời bỏ hoàng cung. Cái tên “La Hầu La” mang hàm nghĩa "xiềng xích", phản ánh nỗi trăn trở của Thái tử khi phải rời bỏ đứa con trai đầu lòng để đi tìm chân lý.

Sau nhiều năm tu hành và thành đạo, Đức Phật trở về thành Ca Tỳ La Vệ để hóa độ dòng họ Thích Ca. Trong lần trở về ấy, cậu bé La Hầu La khoảng 7 tuổi, được mẹ là công chúa Da Du Đà La (Yasodhara) khuyến khích đến gặp cha. Với sự hồn nhiên của một đứa trẻ, La Hầu La bước đến bên Đức Phật, đi theo Ngài từng bước và nói: “Ngài là phụ vương của con. Xin ngài trao lại cho con phần gia tài của người cha để lại cho con!”.

Nghe lời mẹ, cậu bé La Hầu La thỉnh cầu cha trao gia tài.

Nghe lời mẹ, cậu bé La Hầu La thỉnh cầu cha trao gia tài.

Đức Phật nhận thấy rằng đây không chỉ là một đứa bé cần tình thương, mà còn cần một nhân duyên lớn với đạo. Vì vậy, Đức Phật đã chuyển hóa yêu cầu về "gia tài thế gian" thành cơ hội trao truyền "gia tài pháp bảo" – con đường dẫn đến giải thoát. Ngài giao La Hầu La cho Tôn giả Xá Lợi Phất làm thầy tế độ, và La Hầu La trở thành vị sa-di đầu tiên trong Tăng đoàn. Đó chính là gia tài mà Đức Phật truyền lại cho con trai: Con đường xuất thế gian, thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Vì sao Đức Phật truyền pháp khi con trai thỉnh cầu trao tài sản? Đức Phật đã từ bỏ ngai vàng để tìm con đường giác ngộ. Với ngài, tài sản vật chất là vô thường và không thể mang lại hạnh phúc chân thật. Vì vậy, khi La Hầu La xin gia tài, Đức Phật đã không cho con vàng bạc, ruộng đất hay ngai vàng, mà trao cho con một kho tàng quý giá hơn tất cả – đó là giáo pháp.

Ngài hiểu rằng, vàng bạc chỉ đem lại phước hữu lậu, không cứu khổ triệt để; chánh pháp mới là thứ có thể chuyển hóa tâm thức, chấm dứt khổ đau, dẫn đến an lạc vĩnh cửu. Bằng hành động này, Đức Phật thể hiện quan điểm rõ ràng rằng người cha vĩ đại nhất là người trao cho con con đường thoát khổ, chứ không phải địa vị hay tài sản.

Cuộc đời tu tập của La Hầu La

Tuy được sinh ra trong hoàng tộc nhưng khi xuất gia, La Hầu La được rèn luyện rất nghiêm khắc. Tôn giả Xá Lợi Phất – thầy tế độ của cậu – đã dạy dỗ bằng cả từ bi và kỷ luật. Có lúc, La Hầu La tinh nghịch, bịa chuyện để trêu đùa các tỳ-kheo, nhưng Đức Phật gọi cậu đến và dạy rằng: “Ai nói dối, dù chỉ đùa giỡn, cũng là người không xứng đáng giữ giáo pháp". Từ đó, La Hầu La tu sửa tính tình, trở nên khiêm tốn, lễ độ và tinh tấn, luôn giữ tâm tỉnh thức.

Trong nhiều kinh, Đức Phật ngợi khen La Hầu La là người biết tự phản tỉnh, luôn đặt mình ở vị trí thấp để tiến tu đạo nghiệp. Ngài từng nói với các Tỳ-kheo: “Hãy sống như La Hầu La, không bao giờ nghĩ mình là con của Như Lai, mà luôn khiêm hạ như một người học trò nhỏ".

Chính nhờ đức hạnh ấy, La Hầu La chứng quả A-la-hán khi còn rất trẻ, trở thành vị A-la-hán nhỏ tuổi nhất trong hàng Thánh tăng. Cuộc đời ngài minh chứng cho việc giác ngộ không phân biệt tuổi tác, dòng dõi hay giới tính.

Nhật Minh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/duc-phat-trao-gia-tai-cho-nguoi-con-trai-duy-nhat-ra-sao-ar942722.html
Zalo