Hà Giang: Đặt tên cho các ĐVHC mới phải dựa trên nhiều tầng giá trị khác nhau

Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã năm 2025, tỉnh Hà Giang đang triển khai sáp nhập 183 ĐVHC cấp xã, dự kiến sau quá trình này toàn tỉnh sẽ còn lại 71 xã và 2 phường. Điểm đáng chú ý trong đề án tái cấu trúc này là việc tỉnh đặc biệt coi trọng các yếu tố lịch sử, văn hóa và bản sắc cộng đồng trong việc đặt tên cho các ĐVHC mới.

Theo thông tin từ tỉnh Hà Giang, mỗi tên làng, tên xã đều hàm chứa những giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc. Do đó, quá trình sáp nhập không chỉ đơn thuần là bài toán về tổ chức bộ máy hành chính mà còn là sự cân nhắc kỹ lưỡng nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa hiệu quả quản lý nhà nước và việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương.

Thành lập xã Lũng Cú trên cơ sở nhập 3 xã Lũng Cú, Má Lé và Lũng Táo (Đồng Văn) trên cơ sở yếu tố văn hóa, lịch sử.

Thành lập xã Lũng Cú trên cơ sở nhập 3 xã Lũng Cú, Má Lé và Lũng Táo (Đồng Văn) trên cơ sở yếu tố văn hóa, lịch sử.

Trong số 193 ĐVHC cấp xã hiện có của tỉnh Hà Giang, bên cạnh 10 đơn vị vẫn giữ nguyên do đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và các yếu tố đặc thù, 183 ĐVHC còn lại sẽ được tiến hành sắp xếp. Một trong những yếu tố nhận được sự đồng thuận cao từ người dân là việc tên gọi của các xã mới sau sáp nhập đều được xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo các giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc cộng đồng và đặc biệt là thương hiệu du lịch đã được xây dựng trong thời gian qua.

Hà Giang là một tỉnh có đa dạng các dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi địa danh đều mang trong mình một lát cắt văn hóa, một phần ký ức chung của cộng đồng. Nhiều tên gọi gắn liền với các truyền thuyết dân gian, các sự kiện lịch sử đấu tranh của dân tộc, những cảnh quan thiên nhiên đặc trưng và bản sắc riêng của từng dân tộc. Trong bối cảnh tỉnh đang đẩy mạnh phát triển du lịch, việc xây dựng thương hiệu địa phương và giữ gìn những tên gọi quen thuộc càng trở nên quan trọng.

Việc đặt tên cho các ĐVHC mới không chỉ đơn thuần là lựa chọn một cái tên dễ nhớ, dễ đọc mà còn phải dựa trên nhiều tầng giá trị khác nhau, bao gồm văn hóa, lịch sử, địa lý, tâm lý cộng đồng và tiềm năng phát triển trong tương lai. Mỗi tên xã được lựa chọn được kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối giữa quá khứ và tương lai của địa phương.

Kết quả lấy ý kiến nhân dân về đề án sáp nhập cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Giang cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ với hơn 94% người dân đồng thuận với chủ trương này, bao gồm cả nội dung đặt tên cho các xã mới. Chỉ một bộ phận nhỏ cử tri có ý kiến đề nghị giữ nguyên tên gọi theo nơi cư trú hiện tại.

Với cách tiếp cận bài bản, khoa học và mang đậm tính nhân văn, tỉnh Hà Giang đang thể hiện quyết tâm "Lấy lịch sử, văn hóa và sự đồng thuận của Nhân dân làm trung tâm trong quá trình tái cấu trúc ĐVHC cấp xã", đảm bảo quá trình sắp xếp không chỉ hiệu quả về mặt quản lý hành chính mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương.

Kế Nguyễn

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ha-giang-dat-ten-cho-cac-dvhc-moi-phai-dua-tren-nhieu-tang-gia-tri-khac-nhau-post548126.html
Zalo