Vì sao ai cũng ghét Mark Zuckerberg?
Dù đã lột xác từ một Zuckerberg xa cách, khó gần thành phiên bản ngầu hơn, đeo dây chuyền vàng, tập võ, CEO Meta vẫn không thể xoa dịu cơn phẫn nộ của hàng nghìn nhân viên Meta.

Theo khảo sát của Pew Research Center, 67% người được hỏi có quan điểm không mấy thiện cảm về CEO Meta. Ảnh: Business Insider.
Mark Zuckerberg đang lột xác. Nhiều năm liền, CEO Meta vẫn giữ nguyên hình ảnh của một chàng trai công nghệ khô khan, luôn xuất hiện với chiếc quần jean đơn giản và áo thun xanh navy. Khi nói chuyện, ông không bao giờ lệch khỏi kịch bản đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉ sử dụng những ngôn từ chuẩn mực mang tính PR. Hình ảnh đó tạo nên một Zuckerberg xa cách, khó gần.
Nhưng giờ đây, Zuckerberg đã tự tái định vị bản thân để trở thành một phiên bản mới - Zuck. Zuck tập gym, chơi võ thuật, dắt các võ sĩ UFC vào lồng bát giác, lướt sóng vào ngày Quốc khánh Mỹ với lá cờ phấp phới, giao lưu với Joe Rogan, đeo dây chuyền tại các buổi tiệc BBQ. Zuck không còn là Zuckerberg. Zuck là một phiên bản ngầu hơn của chính mình.
Vị CEO không được lòng nhân viên lẫn công chúng
Tuy nhiên, lần chuyển đổi hình ảnh này vẫn không thể xoa dịu cơn thất vọng của hàng nghìn nhân viên Meta. Theo Financial Times, mỗi năm, nhân viên Meta nhận được một phần thưởng cổ phiếu bổ sung, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng thu nhập của họ bên cạnh lương cứng và tiền thưởng. Nhưng năm nay, phần lớn nhân viên Meta đã nhận thông báo rằng phần thưởng này sẽ bị giảm xuống 10%.
Trong khi đó, Meta lại vừa phê duyệt một kế hoạch tăng lương thưởng cho ban lãnh đạo. Theo chính sách mới, các giám đốc điều hành có thể nhận thưởng lên đến 200% lương cơ bản. Con số này tăng mạnh so với 75% trước đây.
Quyết định này đến sau hàng loạt đợt sa thải tại Meta, loại bỏ hàng nghìn nhân viên được đánh giá là "hiệu suất thấp" nhằm tập trung nguồn lực cho kế hoạch mở rộng AI trị giá 60 tỷ USD.
Dù có cố gắng thay đổi hình ảnh đến đâu, Zuckerberg vẫn không thể chiếm được cảm tình của công chúng. Theo một cuộc khảo sát của Pew Research Center, 2/3 số người được hỏi có cái nhìn không thiện cảm với Zuckerberg, trong đó 26% có quan điểm "rất tiêu cực". Chỉ 1/4 số người được hỏi đánh giá ông một cách tích cực và chỉ 2% thực sự yêu thích CEO Meta.

Những CEO bị ghét nhất gọi tên Mark Zuckerberg và Elon Musk. Ảnh: CNN.
Không chỉ Zuckerberg, các tỷ phú công nghệ khác cũng không thoát khỏi tâm lý ghét bỏ của công chúng. Theo Pew Research Center, 54% người tham gia khảo sát cũng có cái nhìn không thiện cảm về CEO Elon Musk của Tesla.
Song, mức độ không ưa Musk lại phân hóa rõ rệt theo xu hướng chính trị. Những người có quan điểm bảo thủ vẫn giành thiện cảm cho Musk. Còn phần lớn những người theo đảng Dân chủ có cái nhìn tiêu cực về ông.
60% người theo phe bảo thủ có cảm tình với Musk, trong khi con số này ở nhóm thiên tả là 24%. Ngược lại, sự ghét bỏ đối với Zuckerberg vượt qua ranh giới đảng phái. 60% người theo phe bảo thủ không thích ông. Còn với phe cánh tả, con số này lên đến 76%.
Vì sao người Mỹ không thích các "ông vua công nghệ"?
Có rất nhiều lý do khiến công chúng chỉ trích các tỷ phú công nghệ. Một số lý do hoàn toàn chính đáng. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, tầng lớp trung lưu đang dần biến mất và nền kinh tế bất ổn trước làn sóng AI khiến nhiều người lo lắng cho công việc của mình, theo Forbes.
Giữa bối cảnh sa thải hàng loạt, những gã khổng lồ công nghệ vẫn tiếp tục rót hàng chục tỷ USD vào AI và tán dương những "bước tiến vĩ đại" của công nghệ này. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business hồi tháng 12/2024, CEO OpenAI Sam Altman đã thừa nhận: “Sẽ có nhiều người mất việc. Không phải ai cũng hài lòng với điều này, nhưng nó chắc chắn sẽ xảy ra”.
Altman không sai. AI sẽ làm thay đổi thị trường lao động theo cách mà không phải ai cũng mong muốn. Nhưng dù đúng đi chăng nữa, những phát biểu như vậy không khiến ông trở nên đáng mến hơn trong mắt công chúng.
Những người tiên phong trong cuộc cách mạng AI sẽ không phải là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp, mà chính tầng lớp lao động trí thức sẽ phải đối mặt với sự bất ổn kinh tế. Và sự bất ổn này sẽ dẫn đến sự phẫn nộ.
Không phải lúc nào tâm lý phẫn nộ cũng có nguyên nhân rõ ràng, nhưng có một cơ chế khá dễ đoán: nó thường hướng ra bên ngoài và tìm kiếm một mục tiêu để đổ lỗi.
Sau những phát biểu đầy tính lý tưởng nhưng xa rời thực tế, những quan điểm mang đậm màu sắc kỹ trị, cùng lối tư duy lạnh lùng theo chủ nghĩa tư bản triệt để, các ông trùm công nghệ như Zuckerberg, Musk và Altman chính là những "bia đạn" hoàn hảo.
Một đế chế “đáng ghét”
Nói về sự ghét bỏ dành cho Zuckerberg mà không nhắc đến Facebook thì quả là thiếu sót.
Facebook đã thay đổi cách con người kết nối, làm ăn, thậm chí định hình cả cách chúng ta nhìn nhận thế giới. Cũng chính vì vậy, Zuckerberg trở thành gương mặt đại diện cho tất cả những điều mà người ta ghét về mạng xã hội.
Đã 15 năm trôi qua kể từ khi bộ phim đoạt giải Oscar The Social Network ra mắt, lột tả Zuckerberg như một kẻ phản diện. Nhiều người vẫn tiếp tục ở lại Facebook nhưng không tránh khỏi cảm giác bị "Zucked", từ lóng chỉ việc bị cấm đăng bài mà không rõ lý do.

Mark Zuckerberg (giữa) tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Donald Trump tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ vào ngày 20/1. Ảnh: Kenny Holston.
Theo Gizmodo, cả phe cánh hữu lẫn cánh tả ở Mỹ đều cảm thấy Facebook có quyền lực quá lớn trong việc kiểm soát nội dung. Phe bảo thủ phàn nàn rằng Facebook kiểm duyệt nội dung của họ, còn phe Dân chủ đổ lỗi cho Zuckerberg vì đã góp phần đưa Donald Trump lên làm tổng thống năm 2016.
Những lần xuất hiện trước Quốc hội của Zuckerberg trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump cũng không giúp cải thiện hình ảnh của ông. Biểu cảm cứng nhắc, ánh mắt trừng trừng và mái tóc cắt ngắn khiến nhiều người tin vào thuyết âm mưu rằng ông là một loài “bò sát đội lốt người”. Trong phiên điều trần vào năm 2016, ông nhìn thẳng vào camera, liếm môi và khẳng định: “Tôi không phải thằn lằn”.
Sau đó là chiến dịch làm mới bản thân. Zuckerberg để tóc dài hơn, tập trung vào tập thể hình, diện mạo phong trần hơn. Ông xuất hiện trên bãi biển, lướt sóng với lá cờ Mỹ, uống bia vào ngày 4/7. Nếu đây là nỗ lực khiến người ta quên đi hình ảnh Zuckerberg với lớp kem chống nắng trắng bệch khi lướt sóng, nó đã thất bại.
Dù có thay đổi hình ảnh đến đâu, nước Mỹ vẫn biết Zuckerberg là ai, ông đại diện cho điều gì. Và họ không ưa ông.