Trật tự mới của ngành công nghệ Trung Quốc

Thứ tự chỗ ngồi tại cuộc gặp gỡ ngày 17/2 phản ánh mức độ được trọng vọng của từng công ty. Vị trí cao cấp nhất gọi tên lãnh đạo Huawei, BYD và New Hope.

 Mã Hóa Đằng của Tencent và Lương Văn Phong của DeepSeek cũng xuất hiện. Ảnh: Reuters.

Mã Hóa Đằng của Tencent và Lương Văn Phong của DeepSeek cũng xuất hiện. Ảnh: Reuters.

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức một cuộc họp hiếm hoi với các doanh nhân tại Bắc Kinh vào năm 2018, những doanh nhân được ngồi ở hàng ghế đầu đến từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau như công nghệ cao, năng lượng. Nhưng phần lớn đều là những cái ít xuất hiện trên truyền thông.

7 năm sau, danh sách này đã thay đổi ngoạn mục. Trung Quốc bắt đầu tìm cách định hướng nền kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ ngày càng sâu sắc với Mỹ, đồng thời tôn vinh những tập đoàn Trung Quốc đã vươn lên, bất chấp áp lực của Mỹ.

Sơ đồ chỗ ngồi đầy chiến lược

Ngày 17/2, Tập Cận Bình đã tập hợp một "đội quân" doanh nghiệp tư nhân, bao gồm những cái tên hàng đầu như nhà sáng lập của hãng xe điện BYD, tập đoàn công nghệ Huawei, Alibaba, Tencent, Xiaomi và cả startup AI mới nổi DeepSeek. Hầu hết trong số này đều là những tập đoàn thống lĩnh trong ngành và gây tranh cãi trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đây chính là những công ty then chốt để thực hiện tầm nhìn của ông Tập về “lực lượng sản xuất mới”. Ông cho đây là cần thiết để Trung Quốc thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, cạnh tranh với Mỹ và vực dậy nền kinh tế nội địa vốn đang trì trệ.

“Danh sách doanh nhân này cho thấy ưu tiên của ông Tập đối với khu vực tư nhân là phục vụ mục tiêu tự chủ công nghệ và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng”, Neil Thomas, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, nhận định.

 Sơ đồ chỗ ngồi trong cuộc họp năm 2018 (trước) và 2025 (sau) có nhiều biến động. Ảnh: Reuters.

Sơ đồ chỗ ngồi trong cuộc họp năm 2018 (trước) và 2025 (sau) có nhiều biến động. Ảnh: Reuters.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản suy thoái kéo dài và tiêu dùng yếu kém, gần đây Bắc Kinh tập trung nhiều hơn vào khu vực tư nhân nhằm vực dậy đà tăng trưởng, theo Reuters.

Nhưng danh sách những "anh tài" công nghệ tại hội nghị lần này không chỉ đơn thuần là tín hiệu về thay đổi chiến lược quản lý nền kinh tế. Nó phản ánh một thông điệp quan trọng hơn: Chủ tịch Tập Cận Bình đang huy động lực lượng doanh nghiệp để cạnh tranh về địa chính trị.

Những gương mặt ngồi hàng “ghế danh dự”

“Đây là sự công nhận từ lãnh đạo. Dù họ vẫn ưu tiên mô hình kinh tế lấy nhà nước làm trung tâm, khu vực tư nhân vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các ưu tiên chiến lược của Trung Quốc, bao gồm cả xây dựng khả năng tự chủ công nghệ”, Giám đốc Alfredo Montufar-Helu của tổ chức nghiên cứu The Conference Board nhận xét.

Ông cũng cho rằng Trung Quốc có ý định tận dụng khu vực tư nhân để tự giải phóng khỏi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và hạn chế công nghệ từ phương Tây.

Theo Reuters, thứ tự chỗ ngồi tại các cuộc họp cấp cao như thế này thường phản ánh mức độ được trọng vọng của từng công ty. Tại cuộc họp lần này, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, CEO BYD Vương Truyền Phúc và cha đẻ start-up Unitree Vương Hưng Hưng ngồi đối diện trực tiếp với ông Tập.

2 gương mặt từng là tâm điểm của chiến dịch siết chặt doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc, là Jack Ma (Mã Vân) của Alibaba và Pony Ma (Mã Hóa Đằng) của Tencent, lần này lại được xếp vào hàng ghế đầu. Trong khi đó, Vương Hưng, nhà sáng lập nền tảng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc Meituan, chỉ được ngồi hàng thứ 2.

 Tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, những gương mặt sáng giá nhất của nền kinh tế tư nhân Trung Quốc đã tề tựu. Ảnh: Xinhua.

Tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, những gương mặt sáng giá nhất của nền kinh tế tư nhân Trung Quốc đã tề tựu. Ảnh: Xinhua.

Sự xuất hiện của Jack Ma không thoát khỏi sự chú ý của truyền thông và giới đầu tư. Nhà sáng lập Alibaba đã bắt tay với ông Tập. Hình ảnh này được nhiều người xem như một tín hiệu cho thấy sự “tái hòa nhập” của ông Ma sau khi biến mất khỏi công chúng từ năm 2020.

Một nhân vật nổi bật khác là Lương Văn Phong, nhà sáng lập startup AI DeepSeek. Công ty này đã khiến thị trường toàn cầu chấn động kể từ khi công bố mô hình AI mới vào tháng trước.

Thị trường phản ứng rất tích cực với cuộc họp này. Giới chuyên gia coi đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ đối xử "nhẹ tay" hơn với doanh nghiệp tư nhân, đồng thời chấm dứt chiến dịch siết chặt các tập đoàn công nghệ.

Chỉ số công nghệ Hang Seng của Hong Kong đã chạm mức cao nhất trong 3 năm qua vào ngày thứ 18/2. Cổ phiếu của Alibaba tăng 2% sau khi CCTV phát sóng hình ảnh ông Tập bắt tay với Jack Ma.

Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn dè chừng, bởi những thất vọng trước đây hẳn vẫn còn mới nguyên trong tâm trí họ.

"Cuộc họp này sẽ tác động tích cực đến niềm tin của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, để duy trì hiệu quả, chính sách tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn vẫn là điều cần thiết để kéo nền kinh tế Trung Quốc ra khỏi vòng xoáy giảm phát hiện tại”, giáo sư Zhu Tian của Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc - châu Âu tại Thượng Hải nhận xét.

Tư duy lãnh đạo đổi khác

Theo Reuters, bối cảnh trong và ngoài nước tại cuộc họp năm 2025 hoàn toàn khác so với năm 2018. Khi đó, Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ. Dù căng thẳng thương mại với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã nhen nhóm, nó vẫn chưa leo thang đến mức như hiện nay.

Năm đó, hội nghị triệu tập các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, có cả các công ty quy mô nhỏ hơn như hãng phần mềm Neusoft hay nhà sản xuất linh kiện ô tô Wanxiang. Dù Tencent và Baidu có mặt, họ không được xếp ngồi hàng đầu.

Nhưng năm 2025, bức tranh toàn cảnh đã đổi thay. “Tư duy của giới lãnh đạo Trung Quốc đã thay đổi. Đây là một sự thật khó chấp nhận. Nhưng so với năm 2018, giờ đây họ đã nhận ra rằng đóng góp của các công ty công nghệ Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế lớn hơn so với những gì họ từng nghĩ”, Giám đốc Alfredo Montufar-Helu của tổ chức nghiên cứu The Conference Board nhận xét.

 Nhà sáng lập DeepSeek Lương Văn Phong bắt tay với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Nhà sáng lập DeepSeek Lương Văn Phong bắt tay với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Tại cuộc họp được lên kế hoạch kỹ lưỡng này, ông Tập kêu gọi các doanh nhân "phát huy tài năng" và tự tin vào mô hình cũng như thị trường của Trung Quốc. Ông cũng cam kết rằng các công ty tư nhân sẽ được cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp nhà nước.

“Những doanh nhân được ông Tập tiếp đón lần này chính là đại diện cho công nghệ mũi nhọn mà Bắc Kinh muốn thúc đẩy để tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế”, Paul Triolo, chuyên gia về chính sách công nghệ tại DGA-Albright Stonebridge Group, đánh giá.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/tuyen-dau-moi-cua-doi-quan-cong-nghe-trung-quoc-post1532548.html
Zalo