Khởi nghiệp đã hội tụ đủ 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa'

Theo ông Nguyễn Tài Tuệ - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp Quốc gia, hiện đã hội tụ đủ 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' cho hoạt động khởi nghiệp.

Tinh thần khởi nghiệp đang rất mạnh mẽ

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Tài Tuệ - Phó Giám đốc phụ trách Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp Quốc gia (Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia) cho rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các bộ, ngành, địa phương, tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, điều này thể hiện qua số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong những năm gần đây có sự cải thiện đáng kể.

Việt Nam có nhiều cơ chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Ảnh minh họa

Việt Nam có nhiều cơ chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Ảnh minh họa

Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và gia nhập thị trường hàng năm đã lên tới hơn 200.000 doanh nghiệp. Điển hình năm 2023, Việt Nam ghi nhận có 159.300 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,2% so với cùng thời điểm năm trước, cùng với đó 58.400 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động trong năm 2023 là 217.700 doanh nghiệp.

Năm 2024, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tuy có giảm hơn năm 2023 với 157.200 doanh nghiệp, tuy nhiên doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 76.200 doanh nghiệp, đưa tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động trong năm 2024 đạt 233.400 doanh nghiệp, tăng 7,1% so với năm trước.

Kết quả trên có được nhờ các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp của Đảng, Chính phủ trong thời gian qua. Cụ thể là năm 2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025". Quyết định nêu rõ, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp, khả năng tăng trưởng nhanh, dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất thành lập Quỹ Đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo Quốc gia, nhằm bổ sung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Bên cạnh những chính sách trên, theo ông Nguyễn Tài Tuệ, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp cũng đang dần được đầu tư hoàn thiện. Việc di chuyển từ các tỉnh, thành đến các cảng biển, cảng hàng không ngày càng thuận lợi, cùng với đó là các chính sách pháp lý ngày càng minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Về con người (nhân hòa), có thể nói tinh thần khát khao khởi nghiệp tại Việt Nam đang rất lớn, nhất ở ở những người trẻ” – ông Nguyễn Tài Tuệ khẳng định.

Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp cũng đang dần được đầu tư hoàn thiện. Ảnh minh họa

Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp cũng đang dần được đầu tư hoàn thiện. Ảnh minh họa

Thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Trước mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 của Chính phủ nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030, ông Nguyễn Tài Tuệ cho rằng, để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng trên, doanh nghiệp và mỗi người dân đóng một vai trò quan trọng.

“Bởi nếu Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 10% thì không dễ, nhưng nếu mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp đều đặt mục tiêu tăng trưởng thu nhập từ 10% trở lên mỗi năm thì điều đó sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP quốc gia, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra” – ông Nguyễn Tài Tuệ thông tin.

Cũng theo ông Nguyễn Tài Tuệ, dù tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam đang rất mạnh mẽ, nhưng nhìn vào bức tranh doanh nghiệp vẫn dễ dàng nhận thấy, số doanh nghiệp thành lập mới, quay lại thị trường có tăng, nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, dẫn đến rút lui khỏi thị trường mỗi năm cũng rất lớn.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới và gia nhập thị trường là 233.400 doanh nghiệp, tuy nhiên số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng lên tới 197.900 doanh nghiệp, tăng 14,7% so với năm 2023. Điều đó chứng tỏ, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Trong khi đó, năm 2025 được đánh giá là năm có ý nghĩa quan trọng với nhiều dấu mốc đặc biệt trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, là năm đặc biệt quan trọng đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2025.

Để tiếp tục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đất nước, theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp, bao gồm: Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng; tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các FTA với các đối tác còn nhiều tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng; Hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ một số ngành có thể bị tác động do ảnh hưởng của kinh tế thế giới như: da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ…; Xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật; Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng các mô hình chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững, cắt giảm phát thải carbon, phát triển công nghệ sạch, chuyển dịch sang sử dụng năng lượng tái tạo, giao thông sạch, nông nghiệp bền vững.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 và giai đoạn 2026-2030, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn cho khu vực doanh nghiệp hoạt động, tăng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khoi-nghiep-da-hoi-tu-du-thien-thoi-dia-loi-nhan-hoa-375266.html
Zalo