'Pi thủ' Việt Nam trở mặt, chuyển sang đấu tố nhau

Cộng đồng ủng hộ, khai thác Pi dần phân hóa, chuyển sang công kích nhau và sàn giao dịch khi đồng tiền số biến động giá không như ý muốn.

 Cộng đồng Pi Network chia rẽ khi tiền số lên sàn. Ảnh: BeinCrypto.

Cộng đồng Pi Network chia rẽ khi tiền số lên sàn. Ảnh: BeinCrypto.

Sự kiện Pi Network mở mạng, đồng tiền số có blockchain và giao dịch được khiến người khai thác trong nước vui mừng. Việt Nam vốn là một trong những thị trường lớn của dự án “đào coin di động” nói trên.

Tuy nhiên sau ngày 20/2, khi đồng Pi có thể được chuyển lên sàn, mua bán công khai, cộng đồng ủng hộ nó lại phân hóa mạnh. Lực bán lớn làm tiền số mất giá, nhưng các sàn giao dịch thành đối tượng bị đổ tội. Những người bán Pi kiếm lời cũng bị gắn mác “phản bội”.

Chuyển sang công kích

Trước ngày mở mạng, OKX là sàn giao dịch lớn đầu tiên công khai ủng hộ, sớm thông báo niêm yết Pi Network. Động thái được đưa ra khi giới tiền số, blockchain còn nghi ngờ dự án. CEO Bybit và nhiều nhân vật có tiếng khác công khai chỉ trích, xem Pi Network là một mô hình đa cấp khổng lồ, chiêu dụ người già, trung niên thiếu hiểu biết.

Trong tình huống này, OKX được giới Pi thủ (Pioneer - người ủng hộ dự án) tung hô, xem là nền tảng uy tín, được đội ngũ cấp quyền. Trong khi các sàn khác “thấp cấp”, không được giao dịch Pi nên chuyển sang công kích. Tuy nhiên, chính đội ngũ Pi Network đã xác nhận không có liên hệ giữa họ và sàn Bybit.

 Bài đăng kêu gọi rút Pi khỏi sàn OKX. Ảnh: S.C.

Bài đăng kêu gọi rút Pi khỏi sàn OKX. Ảnh: S.C.

Sau khi lên sàn, tình thế đổi chiều khi Pi đột ngột giảm sâu. Từ mức 2,1 USD cao nhất, giá tiền số chia 3. Con số này thấp hơn hẳn thị trường IOU trước đó. Ở các nền tảng OTC, trước khi mở mạng, Pi được mua bán trao tay với giá 40.000-70.000 đồng.

Trước tình huống này, người khai thác Pi tại Việt Nam cho rằng đồng tiền số bị sàn OKX thao túng giá, cố tình bán tháo. Họ rủ nhau rút tiền khỏi nền tảng để phản đối. Chỉ trước đó vài ngày, sàn này còn được tung hô.

Trong cộng đồng Pioneer Việt Nam, người đào Pi cũng chuyển sang công kích nhau. Một nhóm cho rằng đồng tiền số không nên được đem lên mua bán, trái với mục tiêu ban đầu là công cụ trao đổi, vận hành trong hệ sinh thái. Họ phản đối, chỉ trích những người gửi Pi lên sàn giao dịch, bán kiếm lời.

“Pi đem lên sàn giờ là đồ vi phạm”, tài khoản N.P. bình luận. Một số thành viên khác còn nặng lời hơn, gọi người bán Pi là kẻ “phản bội” cộng đồng.

Sự thật đằng sau

Thực tế, có nhiều lý do khiến để phản đối việc bán Pi. Trong nhiều năm đồng tiền số được khai thác, giao dịch trao tay tại Việt Nam, không ít trường hợp gom mua nó với giá cao, nhằm đầu cơ kiếm lời. Tuy nhiên, việc Pi có giá công khai trên sàn ở mức dưới 1 USD, khiến những người này chịu lỗ. Họ kêu gọi cộng đồng ngưng đưa tiền số lên sàn và bán ra để tạo khan hiếm, nhằm giữ giá và tránh thất thu.

Mặt khác, theo M.H., một người khai thác Pi Network lâu năm, cho biết nhà phát triển có tính năng “khóa” tiền số. Đây giống như hình thức stacking lấy lãi ở các blockchain truyền thống. Tuy nhiên thay vì nhận tiền lời, người đào Pi có thể tăng tốc độ khai thác. Do vậy, nhiều người đã chọn khóa phần lớn tài sản ảo từ 6 tháng đến 3 năm nhằm thu lời.

 Pi của nhiều người bị khóa trong nhiều năm, không thể bán lúc này. Ảnh: Pimine.

Pi của nhiều người bị khóa trong nhiều năm, không thể bán lúc này. Ảnh: Pimine.

Tuy nhiên, việc đội ngũ phát triển bất ngờ ra mắt mainnet khiến nhóm này bị “hớ”. Lượng lớn tài sản đã bị khóa dài hạn, họ không thể bán khi đồng tiền số lên sàn. Ông M.H. cho rằng chính những người này đang tìm cách chỉ trích, thuyết phục cộng đồng ngừng bán tháo, nhằm giữ giá, chờ ngày được giải phóng tiền số.

Điều tương tự cũng diễn ra trên các cộng đồng Pioneer quốc tế. “Đến nay đã có 11,6 triệu Pi được gửi vào sàn giao dịch OKX. Xin mọi người đừng mắc sai lầm khi gửi hoặc bán đồng Pi của mình. Những ai bán đi sẽ phải cực kỳ hối hận. Xin đừng gửi hoặc bán đồng Pi của mình khi mạng chính mở!”, tài khoản Pen_jonh đăng tải. Bên dưới có nhiều ý kiến đồng tình.

Tuy nhiên, không ít người bày tỏ thái độ trái ngược. “Pi bị khóa rồi à anh bạn”, tài khoản Superb mỉa mai. “Pi của tôi bị khóa đến 6 tháng nữa. Nhưng hãy làm gì bạn muốn với tài sản của mình. Tôi phát ngán với những kiểu bài đăng ‘đừng bán’ như thế này rồi”, người dùng Rasto68 bày tỏ.

Thông tin về loại tiền số trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Tri Thức - Znews. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.

Hùng Phi

Nguồn Znews: https://znews.vn/pi-thu-viet-nam-tro-mat-chuyen-sang-dau-to-nhau-post1533689.html
Zalo