Về xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu Hoằng Tiến

Nhìn cảnh quan, đường sá rộng rãi, khang trang, sạch đẹp, đồng ruộng thẳng cánh cò bay, khó ai biết được 11 năm trước Hoằng Tiến là một xã khó khăn của huyện Hoằng Hóa với cơ sở hạ tầng xuống cấp, giao thông nhỏ hẹp, sản xuất nông nghiệp manh mún, thu nhập bình quân đầu người thấp...

Xã Hoằng Tiến quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu dạy và học của con em địa phương.

Thôn kiểu mẫu thời 4.0

Giờ đây, Hoằng Tiến được khoác lên mình chiếc áo mới - chiếc áo của hạnh phúc, ấm no, đoàn kết trên vùng quê cách mạng hiếu học.

Cùng chúng tôi rảo bước trên con đường nhựa rộng rãi trải dài trong thôn, 2 bên đường những bồn hoa và cây xanh khoe sắc thắm cùng hệ thống đèn đường sử dụng điện năng lượng mặt trời hiện đại, trưởng thôn Kim Sơn Nguyễn Văn Tư vui vẻ nói: Đây là nhà văn hóa thôn mới được chỉnh trang lại với số tiền gần 474 triệu đồng, trong đó bà con đóng góp gần 354 triệu đồng; bên cạnh là công viên mi ni có tổng diện tích 1.472m2, tổng giá trị xây dựng hơn 428 triệu đồng, trong đó Nhân dân đóng góp hơn 98 triệu đồng; cùng với nguồn vốn hỗ trợ của huyện, xã, bà con trong thôn đã đóng góp 218 triệu đồng xây dựng 89 cột đèn chiếu sáng công cộng với tổng chiều dài 2.905m...

Đặc biệt, từ khi xây dựng mô hình "thôn thông minh” người dân trong thôn đã ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống hàng ngày như giao dịch thương mại điện tử, thông qua mạng xã hội để phản ánh tình hình trong thôn... Ban quản lý thôn cũng không còn vất vả khi phải đi từng nhà thông báo hoặc thông báo trên loa truyền thanh nữa, mà tất cả các công việc của thôn đều được thông báo trên nhóm zalo để bà con nắm bắt. Thậm chí, ngoài đồng có một đám ruộng bị sâu bệnh, bà con cũng quay clip, chụp ảnh đưa lên nhóm zalo để hỏi cách phòng, trừ sâu bệnh...

Hiện toàn thôn Kim Sơn có 5 mắt camera an ninh được lắp đặt tại các ngã ba, ngã tư, nơi tập trung đông người; 97,94% số người dân trong độ tuổi lao động của thôn dùng tài khoản thanh toán điện tử để thanh toán tiền điện, tiền nước, mua hàng trực tuyến, thanh toán tiền phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 60% hộ dân trong thôn lắp camera an ninh tại gia đình; hệ thống đèn chiếu sáng đường giao thông nông thôn được phủ khắp trong thôn...

Trao đổi thêm với chúng tôi về việc xây dựng mô hình “Thôn thông minh”, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Tiến Trần Hữu Cường, cho biết: Để hoàn thành xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đòi hỏi địa phương phải có một thôn thông minh bao hàm đủ các điều kiện về hạ tầng internet cáp quang và thông tin di động 3G/4G đến thôn; cán bộ thôn có ứng dụng các nền tảng số để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền trong thôn; có ít nhất một mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào một trong các lĩnh vực: an ninh trật tự, an toàn giao thông, sản xuất, kinh doanh, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch; năng lượng, chiếu sáng; môi trường, phát triển kinh tế - xã hội; phát triển thương hiệu, thị trường; truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu đạt từ 70% trở lên; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động của thôn có tài khoản thanh toán điện tử, có thể thanh toán được các dịch vụ thiết yếu đạt từ 50% trở lên; tỷ lệ nhà ở trong thôn được gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số đạt 100%. Đến nay, thôn Kim Sơn đã đáp ứng được các tiêu chí của mô hình, đồng thời xây dựng được 1 mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn giao thông trong thôn kết nối hệ thống camera an ninh của công an xã, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, giảm thiểu tệ nạn xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại.

Lựa chọn tiêu chí giáo dục

Xác định XDNTM là một quá trình liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Vì vậy, sau khi đạt chuẩn NTM (năm 2017), NTM nâng cao (năm 2021), xã Hoằng Tiến tiếp tục XDNTM kiểu mẫu. Cùng với duy trì các tiêu chí NTM nâng cao, xã Hoằng Tiến lựa chọn lĩnh vực giáo dục làm tiêu chí nổi trội để thực hiện.

Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Tiến Trần Hữu Cường, cho biết: Hoằng Tiến lựa chọn lĩnh vực giáo dục làm tiêu chí nổi trội, bởi xã có truyền thống hiếu học lâu đời. Trải qua các triều đại, xã có 1 đại khoa, 180 cử nhân và trên 300 sinh đồ, tú tài.

Kế thừa truyền thống yêu nước và nhân văn của quê hương, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, Nhân dân trong xã hết sức quan tâm và luôn đặt vai trò quan trọng của giáo dục trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quốc phòng - an ninh vững mạnh; xác định việc học là một “nghề” để kiếm sống và thoát nghèo, làm giàu, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Vì vậy, xã luôn ưu tiên dành các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 3 cấp học: mầm non, tiểu học, THCS. Đến nay, cả 3 trường đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Chất lượng giáo dục các nhà trường của xã luôn nằm trong top 5 trường của huyện về thành tích giáo dục đại trà và bồi dưỡng học sinh giỏi. Xã duy trì được nguồn quỹ khuyến học với số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng.

Bên cạnh chú trọng phát triển giáo dục, xã luôn xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân làm nền tảng cơ bản. Theo đó, xã đã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các cây hàng hóa vào sản xuất tập trung thành vùng, thửa lớn như khoai tây, ngô ngọt, ớt... Đồng thời, phát triển thương mại, dịch vụ, phục vụ du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ dân đầu tư xây dựng các nhà hàng, khách sạn; tập trung phát triển nghề mộc truyền thống, nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Đến nay, kinh tế của xã phát triển khá toàn diện, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 73,26 triệu đồng; xã không còn hộ nghèo, hộ giàu, hộ khá tăng lên.

Trong giai đoạn 2021-2023, xã Hoằng Tiến đã tranh thủ nguồn hỗ trợ của trung ương, tỉnh, huyện, ngân sách xã và Nhân dân đóng góp trên 780 tỷ đồng, tập trung đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng điện - đường - trường - trạm, trong đó tập trung ưu tiên nâng cấp các tuyến đường giao thông cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn đô thị và chỉnh trang các khu dân cư. Đến nay, kinh tế của xã phát triển khá toàn diện, năm 2023 thu nhập bình quân đầu người đạt 73 triệu đồng; xã không còn hộ nghèo, hộ giàu, hộ khá tăng lên. Toàn xã đã có 3/6 thôn hoàn thành các tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong quá trình XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, Bí thư Đảng ủy xã Trần Hữu Cường nói: Giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong toàn đảng bộ, nhất là ban thường vụ, ban chấp hành đảng bộ; bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, tạo được niềm tin và sự đồng thuận của Nhân dân. Bảo đảm nhất quán giữa chủ trương, chính sách và hành động; phát huy dân chủ và tập hợp được sức mạnh của hệ thống chính trị, của mọi tầng lớp Nhân dân là yếu tố then chốt làm nên thành công trong công cuộc XDNTM. Bên cạnh đó, vận dụng sáng tạo các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước để cụ thể hóa vào tình hình thực tế của địa phương, tạo môi trường thuận lợi để huy động và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển. Phân cấp, phân quyền, phân việc gắn với trách nhiệm; khuyến khích, khơi dậy sự chủ động sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải quan tâm phát triển toàn diện, có tầm nhìn dài hạn, đồng thời xác định được nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm với quyết tâm cao, hành động quyết liệt thì mới thực hiện được các nhiệm vụ đã đề ra. Thời gian tới, Đảng bộ và Nhân dân xã Hoằng Tiến tiếp tục bổ sung, duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí đã đạt được để diện mạo NTM kiểu mẫu trên địa bàn xã ngày càng văn minh, hiện đại. Tin tưởng rằng Hoằng Tiến sẽ có bước tiến hơn nữa trong chặng đường tiếp theo và sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị văn minh, góp phần cùng quê hương Hoằng Hóa xây dựng thị xã trước năm 2030.

Bài và ảnh: Ngân Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-thon-moi/ve-xa-xay-dung-nong-thon-moi-kieu-mau-hoang-tien/206958.htm
Zalo