Thương mại điện tử: 'Đòn bẩy' giúp doanh nghiệp bứt phá
Thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong, trụ cột của nền kinh tế số và là động lực phát triển kinh tế tại Việt Nam.
Do đó, cần có cơ chế, giải pháp hỗ trợ, tạo "đòn bẩy" cho doanh nghiệp tiếp tục bứt phá thông qua thương mại điện tử.
Trụ cột của nền kinh tế số
Theo Bộ Công Thương, quy mô nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 36 tỷ USD trong năm 2024, tăng 16% so với năm 2023. Trong đó, thương mại điện tử đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2023 và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế số.
Trong khi đó, báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024” do Google - Temasek dự báo, đến năm 2030, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng trung bình hơn 19% mỗi năm và đạt 63 tỷ USD, vượt Thái Lan và đứng thứ hai khu vực, sau Indonesia. Kết quả này cho thấy, thương mại điện tử ngày càng khẳng định rõ vai trò là trụ cột của nền kinh tế số và là động lực phát triển kinh tế tại Việt Nam.
Giám đốc khu vực miền Bắc NielsenIQ Việt Nam Đặng Thúy Hà thông tin, với dân số đông, tỷ lệ sử dụng internet cao, lưu lượng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam hiện tăng 150% so với năm 2020, với lượt truy cập hằng ngày vào các trang thương mại điện tử đạt 3,5 triệu. Bên cạnh đó người dùng internet Việt Nam mua sắm hằng tuần đứng thứ 11 toàn cầu…
Với thương mại điện tử xuyên biên giới, số liệu từ Access Partnership cho thấy, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử của Việt Nam năm 2023 đạt 86 nghìn tỷ đồng.
Có thể thấy, nếu đẩy mạnh chuyển đổi số, đón đầu xu hướng và tận dụng ưu thế vượt trội của thương mại điện tử, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt nhiều khó khăn khi tham gia thị trường thương mại điện tử. Đó là hạn chế về hạ tầng và công nghệ với chi phí đầu tư cao; chưa tối ưu hóa công nghệ do chưa tận dụng được công nghệ hỗ trợ, phân tích dữ liệu hay hệ thống quản lý khách hàng. Cùng với đó là khó khăn do thiếu nhân lực có trình độ công nghệ và tiếp thị số trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thay đổi “chóng mặt”…
Tăng tính cạnh tranh từ thương mại điện tử
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nhận định, với đà tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2024 và các năm tiếp theo, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đây cũng chính là thời điểm để xây dựng những mô hình và chiến lược mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tăng sức cạnh tranh và chống chịu của doanh nghiệp, tổ chức trong bối cảnh mới.
Thời gian qua, Bộ Công Thương luôn đồng hành với các doanh nghiệp, tổ chức trong quá trình chuyển đổi số, thông qua việc triển khai các giải pháp chính sách nhằm phát triển thị trường thương mại điện tử cạnh tranh lành mạnh, xây dựng các hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực thích ứng với những xu thế kinh doanh và công nghệ mới.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, Hà Nội là một trong 2 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử. Hiện tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua hàng trực tuyến chiếm 52%; việc ứng dụng thương mại điện tử tại doanh nghiệp đạt 47%; tỷ lệ sử dụng hóa đơn điện tử đạt 67%. Thành phố Hà Nội xác định phát triển thương mại là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại điện tử, hạ tầng về công nghệ thông tin, logistics, phương tiện thanh toán, nguồn nhân lực... Trên cơ sở đó, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ trì, tham mưu cho các đơn vị, ban, ngành thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử; đưa ra các giải pháp, tổ chức thực hiện; hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tham gia.
Để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam Gijae Seong lưu ý, cần kết hợp “kiềng 3 chân”, trong đó doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng lợi thế về các sản vật, nguyên, vật liệu riêng của vùng miền. Thứ hai là nắm vững các kỹ năng trực tuyến để vận hành doanh nghiệp trên môi trường thương mại điện tử một cách thuần thục. Thứ ba là đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, tạo điểm nhấn khác biệt và dễ nhận diện.
Thời gian qua, Amazon Global Selling Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hàng chục khóa đào tạo cho khoảng 4.000 doanh nghiệp về thương mại điện tử, hướng tới mục tiêu năm 2026 sẽ đào tạo khoảng 10.000 doanh nghiệp nhằm tiếp cận tốt hơn với thương mại điện tử và xuất khẩu. Trong chiến lược năm 2025, Amazon Global Selling Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương phát triển kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới, nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu và thúc đẩy sự phát triển của các thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.