Iran, Nga không dùng đồng USD trong thương mại song phương

Iran và Nga không còn sử dụng đồng đô la trong các giao dịch thương mại song phương và đã chuyển sang sử dụng các loại tiền tệ quốc gia nhờ các thỏa thuận đã ký trước đó giữa hai nước trong lĩnh vực tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Hồi giáo Mohammad Reza Farzin cho biết.

"Chúng tôi đã ký một thỏa thuận tiền tệ với Nga và loại bỏ hoàn toàn đồng đô la. Hiện tại chúng tôi chỉ giao dịch bằng rúp và rial", ông Mohammad Reza Farzin phát biểu tại hội nghị do kênh truyền hình SNN phát sóng.

Ngoài ra, ông cũng đề cập rằng các cơ quan tài chính của hai nước đã thống nhất về tỷ giá hối đoái sẽ được sử dụng cho các giao dịch thương mại nước ngoài.

 Nga và Iran hoàn tất thỏa thuận tiền tệ (Ảnh: mehrnews)

Nga và Iran hoàn tất thỏa thuận tiền tệ (Ảnh: mehrnews)

Điện Kremlin đưa tin vào ngày 21/10 rằng việc sử dụng các loại tiền tệ quốc gia trong các giao dịch thương mại song phương giữa Iran và Nga đã tăng 12,4% vào năm 2024, chiếm 96% tổng số giao dịch.

Vào tháng 7, hai nước đã ký kết thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương, đồng thời ngân hàng trung ương Nga và Iran cũng đã hoàn tất việc tích hợp hệ thống thanh toán Mir (Nga) với Shetab (Iran).

Vào ngày 11/11, buổi lễ chính thức khởi động giai đoạn đầu tiên của dự án tích hợp hệ thống thanh toán của Iran và Nga đã được tổ chức tại Tehran, tại đó ông Farzin tuyên bố rằng hiện tại công dân Iran có thể rút tiền mặt từ các máy ATM trên lãnh thổ Nga bằng thẻ ngân hàng Iran của họ.

Theo hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran, Phó Tổng thống Mohammad-Reza Aref tuyên bố giữa hai nước còn nhiều tiềm năng phát triển quan hệ kinh tế song phương, gia tăng các giao dịch thương mại.

Iran coi trọng hợp tác lâu dài và toàn diện với Nga và hai nước quyết tâm thúc đẩy quan hệ song phương lên mức cao nhất.

Ông Mohammad-Reza Aref còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành liên tục các cuộc tham vấn giữa hai bên trong bối cảnh hiện nay ở khu vực Tây Á và thế giới.

Iran và Nga gần đây đã mở rộng quan hệ chính trị và kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng.

USD từ lâu đã nắm giữ vị thế là đồng tiền thống trị thế giới, chủ yếu do quy mô và sức ổn định to lớn của nền kinh tế Mỹ cũng như tính thanh khoản vô song đến từ thị trường tài chính nước này. Những yếu tố đó đã củng cố vị thế thống trị của USD trong thương mại và tài chính quốc tế.

An Nhiên (Theo Tass)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/iran-nga-khong-dung-dong-usd-trong-thuong-mai-song-phuong-post322856.html
Zalo