Vẻ đẹp thanh bình của Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải
Khi đất nước đã hòa bình, di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải vẫn còn đó như một dấu ấn lịch sử không thể phai mờ. Nơi từng là giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền Nam-Bắc theo Hiệp định Geneva ký ngày 21/7/1954, giờ đây trở thành biểu tượng thiêng liêng của khát vọng hòa bình và ý chí thống nhất dân tộc.

Cảnh sắc thanh bình ở Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.
Di tích Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, nằm trên địa bàn các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh và xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Mỗi khi nhắc đến cầu Hiền Lương, người dân đôi bờ Vĩnh Linh-Gio Linh của tỉnh Quảng Trị đều không khỏi bồi hồi, xúc động nhớ về những câu thơ day dứt một thời: "Hiền Lương một lạch hai dòng/Người tuy bên nớ mà lòng bên ni".

Khoảnh khắc nào cũng chứa chan xúc động bên sông Hiền Lương.
Những vần thơ chất chứa nỗi lòng của Quảng Trị, cũng là tiếng lòng của cả một dân tộc phải trải qua cảnh chia cắt đất nước. Cầu Hiền Lương giờ đây vừa là chứng tích lịch sử, vừa trở thành biểu tượng cho khát vọng hòa bình, ý chí thống nhất non sông và lòng tự hào dân tộc luôn hiện hữu trong trái tim mỗi người con đất Việt.

Không khí rộn ràng trước ngày hội thống nhất non sông
Giữa những năm tháng đau thương, chia cắt, năm 1957, trong một buổi chiều đầy tâm trạng, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã viết nên ca khúc "Câu hò bên bờ Hiền Lương" nói thay niềm nhớ thương khôn nguôi của người mẹ miền nam dành cho con trai tập kết ra bắc, lời nhắn nhủ thủy chung của người vợ dành cho chồng và cả tình yêu son sắt của đôi lứa bị ngăn trở bởi chiến tranh.

Cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay.
Những ca từ mộc mạc: "Thuyền ơi, thuyền ơi có nhớ bến chăng/Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền" hay "Nhắn ai luôn giữ câu nguyền/Qua cơn bão tố vững bền lòng son" đã trở thành bờ bến, cột mốc của niềm tin, thành biểu tượng cho tình nghĩa gắn bó keo sơn và khát vọng thống nhất không bao giờ nguôi.

Nhân dân cả nước đều về đây để tưởng nhớ những năm tháng lịch sử.
Phải trải qua 21 năm trường kỳ kháng chiến, với biết bao mất mát, hy sinh của đồng chí, đồng bào, dân tộc ta mới giành lại được độc lập, thống nhất non sông vào mùa xuân năm 1975. Hiện nay, di tích Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải đã trở thành điểm đến du lịch đầy hấp dẫn, mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc.
Với những dấu ấn không thể phai mờ trong hành trình đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, di tích góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, hun đúc tinh thần tự hào dân tộc, và nâng cao ý thức về chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Đôi bờ đã hòa chung niềm vui thống nhất.
Nhận thấy được giá trị quan trọng ấy ấy, ngày 09/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải là di tích quốc gia đặc biệt.
Suốt chiều dài lịch sử dân tộc ta, có những dòng sông gánh trọn bao đau thương, mong nhớ, xót xa. Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương trên khúc ruột miền trung nhỏ hẹp mang trong mình vết cắt chia thuở ấy. Ranh giới là nơi "Bắc đắp mô, nam đắp lũy", hai miền chỉ cách nhau gang tấc mà phải mỏi mòn chờ đợi đến ngày đoàn tụ.
Cầu Hiền Lương có chiều dài 183,65m, rộng 5,50m, phần lưu thông là 3,20m, được khởi công phục dựng năm 2001, khánh thành năm 2008 (cầu bị bom Mỹ đánh sập năm 1967). Để bảo tồn một chứng tích lịch sử, cầu được phục dựng theo thiết kế chiếc cầu sắt do Pháp xây dựng năm 1952.

Cột cờ Tổ quốc uy nghiêm trong khát vọng hòa bình.
Khu di tích còn có Nhà liên hợp được phục dựng theo nguyên mẫu, kiểu nhà sàn 4 mái, mặt tiền hướng ra quốc lộ 1A. Cột cờ Hiền Lương (Kỳ đài Hiền Lương) gồm phần đài và cột cờ. Phần đài là tổng thể khối kiến trúc được xây cao hơn so với mặt bằng của di tích. Cột cờ có tổng chiều cao 28m, được làm bằng 6 đoạn thép ống, liên kết với nhau.
Bên cạnh đó, khu di tích còn có hệ thống loa phóng thanh, nhà trưng bày "Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất" được xây dựng ở bờ nam, gồm gian khánh tiết (có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức phù điêu phía sau) và gian trưng bày. Không gian này đang lưu giữ 53 tài liệu, hiện vật liên quan trực tiếp đến cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhiều du khách ước mong được một lần bước trên cầu Hiền Lương - chứng tích quan trọng của lịch sử dân tộc.
Cụm tượng đài "Khát vọng thống nhất" nằm ở bờ nam sông Bến Hải, phía đông quốc lộ 1A, có diện tích 2.700m2, gồm hai phần: phần bệ đài, với mặt cạnh là mảng phù điêu, được ghép từ nhiều khối đá, có kích cỡ khác nhau; phần tượng đài là hình tượng bà mẹ miền nam và người con trai được chế tác trên chất liệu đá xanh thể hiện một niềm tin son sắt của đồng bào miền nam vào ngày mai chiến thắng, thống nhất nước nhà.

Sông Bến Hải hiền hòa, thơ mộng bên chứng tích chiến tranh.
Dọc di tích Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải có rất nhiều bến đò. Bến đò Cửa Tùng (bến đò A) nằm trong khuôn viên diện tích 187,6m2, có hệ thống tường rào bao quanh. Bia đài tưởng niệm di tích thể hiện hình tượng những con thuyền vượt qua sóng gió để chuyên chở cán bộ, bộ đội qua sông.
Bến đò Tùng Luật (bến đò B) trước đây kéo dài suốt một đoạn sông chừng 150m ở bờ bắc sông Hiền Lương, thuộc thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang. Đài di tích có hình tượng những con thuyền đang lao về phía trước, bất chấp mọi hiểm nguy, bom đạn của kẻ thù, đêm đêm đưa hàng hóa, bộ đội vào chiến trường đánh Mỹ. Ngoài ra, còn bến đò Lũy chỉ còn dấu tích, hiện không được sử dụng nữa; bến đò Thượng Đông và Dục Đức...

Trong ánh nắng cuối mùa xuân, đầu mùa hè, cảnh sắc bừng lên sức sống.
Theo Ban quản lý di tích, ngoài việc bảo tồn, tôn tạo, Lễ hội Thống nhất non sông được định kỳ tổ chức tại đây vào ngày 30/4 hằng năm. Đây là một lễ hội cách mạng đặc sắc, riêng có ở khu di tích Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải có nội dung đầy ý nghĩa thiêng liêng, hình thức sáng tạo, đáp ứng được nhiệm vụ giáo dục truyền thống cách mạng, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Nhiều du khách đã vượt chặng đường xa xôi với trải nghiệm bằng xe máy để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải.
Nhà văn Xuân Đức (nguyên chiến sĩ thuộc Trung đoàn 270, đơn vị bảo vệ giới tuyến trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước) trong bài văn tế đọc trong Lễ hội Thống nhất non sông lần thứ nhất năm 2000 từng xúc động viết: "Đem áo ra sông mà giặt, áo mòn dạ vẫn trinh nguyên/Đem lưới xuống bến để phơi, lưới khô mắt thì đẫm huyết/Tình trong lá thiếp một câu hò trên bến Hiền Lương..."
Về nguyên mẫu người phụ nữ "đem áo ra sông mà giặt", nhà văn Xuân Đức từng chia sẻ đó là hình ảnh của bà Trần Thị Dĩnh. Nhà văn được nghe nhiều người trong làng kể lại, nhà bà cách bờ sông Bến Hải khá xa nhưng hằng ngày vẫn lấy cớ ra sông giặt áo để được nhìn sang bờ bắc, nơi có người chồng là chiến sĩ công an vũ trang đứng gác bờ bắc cầu Hiền Lương.