Căn cứ địa Chiến khu 19 tại vùng Núi Chúa: Diện mạo mới trên chiến khu anh hùng
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), chúng tôi về Chiến khu 19 anh hùng, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận), tìm hiểu về truyền thống cách mạng và sự đổi thay trong đời sống của đồng bào Ra Glai tại hai thôn Cầu Gãy và Đá Hang.

Đồn Biên phòng Vĩnh Hải trao quà Tết tặng đồng bào Ra Glai.
Nhà nước quyết định thành lập căn cứ địa Chiến khu 19 tại vùng Núi Chúa (xã Vĩnh Hải). Từ đó, nơi đây trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc trong suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc.
Một lòng theo Đảng, cách mạng
Đồng chí Cao Văn Đen, Bí thư Chi bộ thôn, Trưởng thôn Cầu Gãy cho biết, trước năm 1975, xã Vĩnh Hải có 3 thôn: Vĩnh Hy, Thái An và Mỹ Hòa nằm giữa địa thế hiểm trở với dãy núi cao và vùng biển rộng bao quanh. Vị trí chiến lược này khiến cả ta và địch đều coi trọng địa bàn.
Quân và dân ta xây dựng vùng Núi Chúa thành căn cứ địa cách mạng vững chắc. Vịnh Vĩnh Hy và trạm Chi Lăng trở thành tuyến huyết mạch của Khu ủy Khu 5 trong công tác hậu cần, quân và dân ta luôn tập trung nguồn lực, chiến đấu kiên cường và giữ vững trận địa cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong thời kỳ kháng chiến, Núi Chúa trở thành địa bàn hoạt động chính của cán bộ, chiến sĩ cách mạng, còn dưới chân núi đồng bào Ra Glai tại 2 thôn Đá Hang và Cầu Gãy sinh sống. Đồng bào nơi đây sớm giác ngộ, một lòng theo Đảng, theo cách mạng và đã có nhiều đóng góp cho cuộc kháng chiến đến ngày toàn thắng.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Hải hướng dẫn đồng bào Ra Glai trồng lúa nước để bảo đảm lương thực sau khi rời núi cao xuống định cư ở vùng xuôi thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải từ năm 2000.
Đồng bào Ra Glai thôn Cầu Gãy vẫn nhớ đến chiến công của ông K Văn Danh - người du kích cơ động từng nhiều lần đột nhập vào khu vực địch “dồn dân lập ấp", vận động người dân phá ấp trở về núi tiếp tục sản xuất, lấy lương thực tiếp tế cho quân cách mạng, đồng thời tổ chức lực lượng cảnh giới, bảo vệ cho cán bộ, chiến sĩ hoạt động an toàn tại Chiến khu 19. Ông Danh kể: Dù bị địch bắt và chịu nhiều đòn tra tấn dã man, ông luôn giữ lòng kiên trung, quyết tâm bảo vệ đồng đội, bảo vệ cơ sở, khiến quân địch không khai thác được gì, đành phải thả ông về, để ông tiếp tục hoạt động cho cách mạng đến ngày quê hương được giải phóng.
Với những đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, năm 1994, Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Hải được Đảng, Nhà nước ghi nhận và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Diện mạo mới sau ngày đất nước thống nhất
Do cuộc sống du canh, du cư, sau ngày đất nước thống nhất, đồng bào Ra Glai lên núi Đá Đỏ, Núi Ông… phát quang lấy đất làm rẫy, trồng ngô, khoai, săn bắt thú rừng và tiếp tục đời sống tách biệt với thế giới bên ngoài.

Đồng bào Ra Glai ở 2 thôn Cầu Gãy và Đá Hang giao lưu văn hóa, văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Hải vào dịp địa phương tổ chức các lễ hội truyền thống.
Năm 1992, Nhà nước tái lập tỉnh Ninh Thuận từ tỉnh Thuận Hải. Kể từ đó, chính quyền tỉnh tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng và thực hiện các chính sách chăm lo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đời sống của người dân không ngừng cải thiện.
Đồn Biên phòng Vĩnh Hải đã gắn bó mật thiết với đồng bào hai thôn Cầu Gãy và Đá Hang. Trung tá Nguyễn Văn Giang, Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải cho biết, từ năm 1994, đơn vị thực hiện chỉ đạo của tỉnh, cử cán bộ, chiến sĩ lên núi cao thực hiện chủ trương “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm).
Nghe đồng bào thổ lộ nguyện vọng biết đọc, biết viết tiếng Việt, cán bộ, chiến sĩ dựng lán trại và tổ chức các lớp học xóa mù chữ, phổ cập. Nhờ đó, ngày càng nhiều trẻ em và người lớn tuổi trong thôn biết đọc, biết viết, đồng thời nhận thức của đồng bào về đời sống cũng được nâng lên.
Năm 2000, tỉnh triển khai chủ trương xây hồ nước ngọt rộng gần 100 ha giữa lòng Núi Chúa và tuyên truyền, vận động đồng bào hai thôn Cầu Gãy và Đá Hang xuống núi, nhường đất làm hồ. Thực hiện chủ trương này, người dân xuống định cư tại vùng đất mới cách thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải khoảng 2 km và tích cực tham gia bảo vệ hệ sinh thái Vườn quốc gia Núi Chúa, ổn định đời sống tại nơi ở mới.
Hiện nay, kết cấu hạ tầng tại hai thôn Cầu Gãy, Đá Hang được Nhà nước quan tâm đầu tư. Hầu hết đường giao thông nội thôn, giao thông giữa các thôn được bê-tông hóa, người dân được hỗ trợ đầy đủ nhà ở theo các Chương trình 134, 167… Từ việc biết trồng lúa nước, năng suất đạt khoảng 4 tạ/sào/vụ và trồng cây điều dưới tán rừng,… đồng bào vừa bảo đảm lương thực hằng ngày, vừa tăng thêm thu nhập bình quân hơn 20 triệu đồng/hộ/năm. Đáng chú ý, các hộ như: Cao Thị Luông, Cao Thị Thủy, Cao Thị Đanh… ở thôn Cầu Gãy biết cách làm du lịch cộng đồng tại khu vực suối Lồ Ồ, thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng, góp phần cải thiện đời sống.

Đồn Biên phòng nhận đỡ đầu, chăm sóc nhiều học sinh là con em của đồng bào Ra Glai thôn Cầu Gãy có điều kiện đến trường.
Sau 25 năm xuống núi định cư, dân số thôn Cầu Gãy đã tăng lên 98 hộ/335 khẩu; thôn Đá Hang 92 hộ/347 khẩu; 90% số người dân biết đọc, biết viết; tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết. Số hộ nghèo, cận nghèo tại hai thôn giảm đáng kể; hơn 70% hộ có xe gắn máy, có ti-vi; trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Đáng chú ý, nhiều em như Katơ Vũ, sinh năm 1998, Cao Thị Ngọt… đã học lên bậc đại học, cao đẳng; nhiều thanh niên trở thành cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Hải và cán bộ chủ chốt của xã.
Bí thư Huyện ủy Ninh Hải Phan Tấn Cảnh cho biết, những năm gần đây, các loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu di tích lịch sử kháng chiến tại xã Vĩnh Hải thu hút đông du khách trong nước và quốc tế khiến mô hình du lịch cộng đồng ngày càng lan tỏa. Qua đó, đồng bào có thêm nguồn thu nhập từ việc hướng dẫn du khách đi trải nghiệm cảnh đẹp vùng Núi Chúa, phục vụ các món đặc sản rừng, biển… Trong quý I/2025, Vĩnh Hải đón khoảng 500.000 lượt du khách, đem lại doanh thu từ dịch vụ du lịch hàng chục tỷ đồng. Với tiềm năng, lợi thế về rừng, biển, Vĩnh Hải có 13 sản phẩm đạt OCOP với 3 chủ thể đạt 3 sao. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,15%; xã đạt toàn bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Chứng kiến diện mạo Vĩnh Hải đổi thay, với nhiều công trình hạ tầng nông thôn được hoàn thiện; vùng Núi Chúa được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới với đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên độc đáo thu hút đông du khách, các nhà khoa học tham quan, nghiên cứu. Quan trọng hơn, khi Vĩnh Hải được Trung ương chọn triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân 2, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế-xã hội trong tương lai. Có thể thấy Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Hải đang chung sức, chung lòng viết tiếp trang sử mới vẻ vang cho vùng đất anh hùng ngày càng giàu mạnh, góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.