VDSC: Cổ phiếu ngân hàng có tiềm năng 'dậy sóng' sau mùa BCTC và triển vọng nâng hạng thị trường
Tại chương trình Market Talk do Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tổ chức ngày 17/2, các nhà phân tích đã nêu nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán và tiềm năng của nhóm ngành ngân hàng năm 2025.
Ông Đỗ Thanh Tùng, Trưởng phòng cao cấp Trung tâm phân tích của VDSC, đánh giá thị trường chứng khoán năm nay đang sở hữu nhiều yếu tố hỗ trợ cho đà tăng trưởng.
Về vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước dự kiến duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đề ra (GDP tăng 8%). Bên cạnh đó, câu chuyện nâng hạng vẫn còn nguyên và có khả năng thực hiện hóa trong năm nay.
Từ bối cảnh vĩ mô, ông Huỳnh Hữu Phước, Giám đốc Chi nhánh Cần Thơ của VSDC, cho rằng khác với năm 2024 khi chỉ số chung dao động lên xuống 1.200 - 1.300 điểm, nhà đầu tư cá nhân nên có góc nhìn dài hạn hơn trong 2025, thay vì trading (giao dịch) ngắn hạn thì có chiến lược dài hơi, tự tin hơn.
Ngành ngân hàng vẫn là tâm điểm chú ý trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là một trong những nhóm ngành có ảnh hưởng lớn nhất đến nền kinh tế, phản ánh rõ xu hướng dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư.
Theo dữ liệu của VDSC, lợi nhuận quý IV/2024 của ngành ngân hàng tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập lãi thuần vẫn được thúc đẩy bởi các tài sản sinh lãi. Tăng trưởng tín dụng có sự bứt phá rõ rệt trong quý cuối năm, với hơn 18%.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_18_365_51503287/788b9666b82851760839.jpg)
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_18_365_51503287/c6a92b44050aec54b51b.jpg)
Ngoài ra, ông Tùng nhấn mạnh một yếu tố trong quý IV/2024 là khoản thu nhập khác, bao gồm thu nhập đến từ nợ xấu. Cả năm, toàn ngành ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng khoảng 18% so với 2023.
Với việc các chỉ báo sớm về khả năng trả nợ của người đi vay, ví dụ như số ngày phải thu lãi, tỷ lệ phải thu/tổng tài sản sinh lãi) đang cho thấy tín hiệu tích cực. VDSC tin rằng xu hướng nợ xấu sẽ tiếp tục giảm.
Do chất lượng tài sản vốn là một nhân tố có tác động lớn tới định giá của ngành, chuyển biến tích cực nêu trên sẽ là động lực tái định giá ngành trong các quý tới, bên cạnh xu hướng cải thiện khả năng sinh lời và chi phí vốn tăng nhẹ, nhưng duy trì ở mặt bằng thấp.
Bàn về con số tăng trưởng tín dụng 16% mục tiêu năm 2025, ông Tùng nhận định đây không phải là mức cao, các ngân hàng có khả năng đạt được. Nhu cầu đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh đều có xu hướng cao hơn so với 2024. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn, ngân hàng có thể hướng đến các lĩnh vực như bất động sản, xây dựng
Sau kết quả kinh doanh quý IV/2024 tích cực, các nhà phân tích chưa nhận thấy định giá của ngân hàng niêm yết có diễn biến tái định giá rõ rệt, một phần do thanh khoản thị trường thấp. Ước tính ngành ngân hàng đang được giao dịch ở P/B 1,5 lần, so với bình quân lịch sử 5 năm là 1,7 lần.
VDSC cho rằng mức định giá hiện nay của ngành ngân hàng mang lại tiềm năng tăng giá hấp dẫn, đặc biệt khi kết hợp với câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán lên mới nổi.
Quan điểm ông Tùng quan tâm đến nhóm các ngân hàng có sự chuyển biến tốt lên của tài sản, kể đến như VPBank (Mã: VPB), MB (Mã: MBB) hay BIDV (Mã: BID), sẽ có dư địa tăng giá cổ phiếu trong năm 2025.
Ở góc độ kỹ thuật, theo ông Phước, một số cổ phiếu ngân hàng đã dẫn sóng tăng từ đầu năm, như CTG, TCB, MBB. Tuy nhiên, khi thị trường chưa thực sự bứt phá qua vùng 1.300 điểm, có thể nhóm này sẽ gặp áp lực chốt lời, và dòng tiền có khả năng sẽ tìm đến những cổ phiếu có thị giá thấp hơn hoặc chưa tăng.
Ngoài ra, một điểm cần lưu ý là nhiều ngân hàng sẽ thực hiện chia cổ tức trong quý I.
Trong quá khứ, thống kê của VDSC cho thấy thị trường chứng khoán thường tăng trong tháng 3, khi đó sẽ không thể thiếu sự đóng góp của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Cũng theo ông Phước, bên cạnh ngân hàng, chứng khoán là nhóm ngành hưởng ứng tích cực với mỗi nhịp tăng của thị trường chung, hay câu chuyện nâng hạng sắp tới.
Về thị trường chứng khoán, báo cáo chiến lược 2025 của VDSC nêu dự báo VN-Index có thể vượt 1.400 điểm, định giá thị trường năm nay sẽ ở mức khoảng 13,3 - 14,3 lần.
Từ trước đến nay, hai yếu tố tác động đến thị trường nhiều nhất là dòng tiền và định giá. Như đã đề cập, năm nay nhiều khả năng Nhà nước sẽ đẩy cung tiền để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng GDP cho 2025 và làm nền tảng cho các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp tạo ra nhiều lợi nhuận thì định giá của thị trường sẽ tăng lên.
Ông Phước dự báo trong kịch bản VN-Index vượt 1.300 điểm thời gian tới, cổ phiếu chứng khoán sẽ thuộc nhóm đóng vai trò tiên phong.