Vai trò của Chủ tịch Công đoàn trong việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua 'Hai tốt'

Được Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì vinh danh 'Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu' năm 2024, cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền- Chủ tịch Công đoàn Trường Trung học cơ sở Liên Ninh đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc phối hợp với chính quyền chuyên môn nâng cao chất lượng các phong trào thi đua. Qua đó, khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn tại cơ sở.

Trong những năm qua, Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì luôn xác định nhiệm vụ then chốt của tổ chức Công đoàn đó là “hướng mạnh về cơ sở, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam”. Trong bối cảnh đất nước hội nhập, nhiệm vụ của những người làm công tác Công đoàn tại cơ sở rất quan trọng và nặng nề. Đối với khối giáo dục, sự phối hợp của Công đoàn đối với phong trào thi đua của nhà trường là nhân tố quan trọng có tính chất quyết định nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong nhà trường, tất cả các hoạt động, các mặt công tác đều hướng tới và tập trung cho hoạt động chính trị quan trọng nhất là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Phong trào thi đua trong nhà trường cũng rất phong phú, nhưng cũng đều hướng tới phong trào thi đua “Hai tốt”. Mục đích của phong trào này chính là thực hiện nhiệm vụ của công tác chuyên môn nghiệp vụ, phong trào thi đua quyết định sự sống còn, làm nên “thương hiệu” của mỗi nhà trường.

Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Liên Ninh Phạm Thị Thanh Huyền chia sẻ kinh nghiệm phối hợp chuyên môn thực hiện các phong trào thi đua.

Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Liên Ninh Phạm Thị Thanh Huyền chia sẻ kinh nghiệm phối hợp chuyên môn thực hiện các phong trào thi đua.

Để tổ chức phong trào thi đua “Hai tốt” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thì có rất nhiều lực lượng tham gia, rất nhiều yếu tố đóng góp. Công đoàn là một lực lượng góp phần trong phong trào này, nhưng có thể khẳng định đây là nhân tố quan trọng nhất có tính chất quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong quá trình tổ chức, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Liên Ninh, ngay từ đầu năm học, cô Phạm Thị Thanh Huyền đã chỉ đạo Ban Chấp hành công đoàn phối hợp với Nhà trường tổ chức thành công hội nghị cán bộ, công nhân, viên chức, qua đó thống nhất được các chỉ tiêu thi đua, các việc cần làm, thống nhất quy chế đánh giá thi đua.

Cô cũng tổ chức và phát động đến 100% cán bộ giáo viên đăng ký “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, đăng ký đề tài sáng kiến kinh nghiệm cụ thể. Ngay từ đầu năm học, các hoạt động dự giờ thăm lớp, các kế hoạch kiểm tra chuyên đề đã được tiến hành. Nhờ đó, không khí thi đua làm việc đã thật sự cuốn hút cán bộ giáo viên ngay từ khi bước vào năm học mới.

Theo kinh nghiệm của cô Phạm Thị Thanh Huyền, trong việc phát động, triển khai các phong trào thi đua, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Công đoàn, Ban chấp hành Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với chuyên môn trong việc lập kế hoạch với các nội dung cụ thể, trọng tâm, định hướng từng nội dung cho từng đợt thi đua, cách thức tiến hành từ Ban Chấp hành đến tổ Công đoàn và đoàn viên. Vận động đoàn viên Công đoàn thi giáo viên dạy giỏi các cấp, thi làm và sử dụng đồ dùng dạy học có hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, qua đó giúp cho giáo viên tích cực tự học, tự rèn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Cô Phạm Thị Thanh Huyền nhận danh hiệu "Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu" năm 2024.

Cô Phạm Thị Thanh Huyền nhận danh hiệu "Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu" năm 2024.

Tiếp đến, Công đoàn sẽ phối hợp với lãnh đạo nhà trường, với hội đồng thi đua khen thưởng làm tốt công tác thi đua khen thưởng. Qua mỗi đợt thi đua đều có sơ kết, tổng kết. Mọi sự cố gắng, nỗ lực của đoàn viên có kết quả đều được ghi nhận một cách công bằng và vinh danh kịp thời, tạo sự động viên khích lệ phong trào thi đua.

“Ví dụ, nhân ngày tổng kết năm học, những cán bộ giáo viên có thành tích tốt trong giảng dạy đều được Công đoàn nhà trường tổ chức tôn vinh, khen thưởng. Điều đó động viên những cá nhân được vinh danh đồng thời là động lực thúc đẩy những đồng chí còn chưa đạt được kết quả như mong muốn”, cô Huyền chia sẻ.

Như vậy, có thể khẳng định rằng trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, đã có sự chỉ đạo đúng đắn, có sự phối kết hợp chặt chẽ với chuyên môn nhà trường, Công đoàn đã biết phát huy vai trò quan trọng trong việc phát động, triển khai các phong trào thi đua nên nội bộ luôn đoàn kết nhất trí và có trách nhiệm, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường luôn ổn định và ngày càng nâng cao, nhà trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong năm học.

Điển hình như năm học 2023 -2024 chất lượng giáo dục tăng hơn so với năm học trước, trong đó có nhiều học sinh giỏi cấp huyện và cấp Thành phố. Phong trào thể dục thể thao còn có học sinh đạt Huy chương vàng Taekwondo cấp quốc gia và nhiều huy chương cấp Thành phố, cấp huyện. Giáo viên cũng nhiệt tình tham gia các Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp và đạt giải cao.

Qua quá trình thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch Công đoàn cơ sở, cô Phạm Thị Thanh Huyền chia sẻ kinh nghiệm: “Cần xây dựng được nội quy, quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa các tổ chức, đoàn thể và nghiêm túc tuân thủ trong quá trình triển khai các hoạt động. Phải tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và trong học sinh; sự ủng hộ của các ngành, các cấp và của địa phương; trong đó sự chủ động của chính quyền và Công đoàn là nhân tố quan trọng đem lại sự thành công trong cuộc vận động. Trong công tác thi đua khen thưởng, phải theo đúng quy định, sát với thực tế để đảm bảo khách quan, trung thực”.

Trong những năm qua, Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì luôn xác định nhiệm vụ then chốt của tổ chức Công đoàn đó là “hướng mạnh về cơ sở, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam”. Qua đó, nhiều phong trào thi đua đã được triển khai sâu rộng và đạt được nhiều thành tích cao. Đặc biệt, qua các hoạt động phong trào tại cơ sở cho thấy tâm huyết cũng như kỹ năng của đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở - những người giữ vai trò và có nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đó là “làm dâu trăm họ” nhưng vẫn luôn nỗ lực cố gắng, xây dựng mối quan hệ hài hòa, xây dựng một tập thể đoàn kết và phát triển vững mạnh.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/vai-tro-cua-chu-tich-cong-doan-trong-viec-to-chuc-thuc-hien-phong-trao-thi-dua-hai-tot-175260.html
Zalo