Trường học thành nơi trú náu, thầy cô góp tay nấu nướng ngày mưa lũ

Nhiều trường học trở thành điểm trú ẩn an toàn cho người dân, là nơi để người dân gửi tài sản đề phòng nước dâng cao.

Giáo viên Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) ủng hộ người dân miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Ảnh: NTCC

Giáo viên Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) ủng hộ người dân miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Ảnh: NTCC

Cùng đó, các thầy cô, đội ngũ nhà bếp còn nấu ăn phục vụ người dân và những học trò bán trú, sinh viên ở lại ký túc xá.

Trường học đón dân đến sơ tán

Trường học được xây mới khang trang hiện đại luôn là điểm lưu trú an toàn của nhiều hộ dân có nhà cửa không kiên cố khi bão ập đến. Trước khi cơn bão số 3 đổ bộ vào đất liền, 160 người dân sống tại nhà tập thể A7 Tân Mai đã được chính quyền di dời đến Trường Tiểu học Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) để đảm bảo an toàn tránh bão.

Tại Hải Phòng, trong cơn bão số 3, hàng chục nghìn người dân sống tại các khu chung cư xuống cấp, vùng trũng, tàu, thuyền... được di dời tới các trường học an toàn. 160 trường học trở thành ngôi nhà chung mà ở đó có sự sẻ chia, đồng cảm, giúp đỡ tận tình của cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Bà Hoàng Thị Vân - người dân ở khu tập thể A7 Tân Mai cho biết: “Người dân trong khu tập thể đều lo lắng trước sức tàn phá mạnh của cơn bão trong khi khu nhà cũ lại không đảm bảo an toàn. Do đó, người dân đã nghiêm chỉnh chấp hành yêu cầu của chính quyền địa phương, sơ tán đến địa điểm an toàn. Chúng tôi được nhà trường bố trí chỗ ở khang trang sạch sẽ và cảm thấy yên tâm, tạm cư tránh bão”.

Cô Trần Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Mai cho biết: Ngay sau khi nhận được văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội, nhà trường đã chuẩn bị các phương án để phòng chống cơn bão số 3. Đặc biệt, trường còn được giao nhiệm vụ làm địa điểm đón nhận các hộ dân từ nhà tập thể A7 Tân Mai đến tránh bão.

Để thực hiện nhiệm vụ này, nhà trường chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, chăn màn phục vụ người dân trong thời gian lưu trú tạm thời; bố trí giáo viên, nhân viên túc trực để hướng dẫn, bật điều hòa tại các phòng học để đảm bảo sức khỏe cho người già, trẻ nhỏ. Trường cách khu tập thể A7 khoảng hơn 300m, nên thuận tiện cho người dân di chuyển đến đây.

Tại các trường học là điểm tránh trú bão cho người dân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất được chuẩn bị chu đáo. Các phòng học làm nơi tránh trú đều có quạt, điều hòa, tivi, Internet, chăn gối đầy đủ để người dân yên tâm tạm trú. Bếp ăn nhà trường cũng sẵn sàng phục vụ bà con khi có nhu cầu.

Chia sẻ của cô Đỗ Thị Hồng Nhung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chương Dương, cơ sở A của trường tại số 140 phố Vọng Hà có 21 phòng học từ tầng 2 đến tầng 4 được dọn dẹp gọn gàng sạch sẽ, mỗi tầng có 4 khu vệ sinh, đón nhân dân địa bàn vào trú tránh bão. Ngoài ra, nhà trường còn chuẩn bị chỗ giúp dân gửi tài sản đề phòng nước dâng cao.

 Các thầy, cô giáo Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) dọn vệ sinh nhà đồng nghiệp ngập ngày 10/9. Ảnh: NTCC

Các thầy, cô giáo Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) dọn vệ sinh nhà đồng nghiệp ngập ngày 10/9. Ảnh: NTCC

Tình người nở hoa trong bão lũ

Khi mưa bão kéo tới, người người, nhà nhà lo việc tích trữ thực phẩm, gia cố nhà cửa để tránh bão, thì các cô giáo Trường Mầm non 8-3 (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) lại phân chia nhau vận động nhân dân khu chung cư quanh trường vào tránh, trú. Việc các cô giáo cùng chung sức đỡ cụ già vào trường lánh bão mãi là hình ảnh đẹp khi tình người “nở hoa” giữa tâm bão.

Cô Ngô Thị Diệp Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non 8-3 chia sẻ: Từ chiều 6/9, nhà trường chủ động mua lương thực, thực phẩm thiết yếu. Sáng 7/9, sau khi hoàn thành việc vận động dân đến tránh trú an toàn, nhà trường cử giáo viên đi mua thêm thịt, xương, bánh đa, giá đỗ... để tăng chất trong khẩu phần ăn cho nhân dân. Ban giám hiệu và cán bộ giáo viên coi trường như nhà chung, và khách đến nhà cần được đối đãi chu đáo, thịnh tình.

Cô Nguyễn Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền) cho hay, những ngày qua, nhà trường và các thầy, cô giáo đều căng mình thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa là nơi tránh, trú bão cho nhân dân, vừa thực hiện chống bão.

 Thầy và trò Trường THCS Quang Trung, TP Thái Nguyên phân chia lương thực hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng do lũ. Ảnh: Phương Thảo

Thầy và trò Trường THCS Quang Trung, TP Thái Nguyên phân chia lương thực hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng do lũ. Ảnh: Phương Thảo

Để làm tốt công việc này, nhà trường đã kiểm tra kỹ cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng để phòng chống bão. Cùng đó, chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết như chỗ ăn, ngủ, vệ sinh cho người dân đến trường tạm trú. Dù điều kiện không thể như ở nhà riêng, nhưng nhà trường đã cố gắng từng chi tiết để nhân dân yên tâm ở lại đến hết bão.

Trong số 39 người dân đến tránh trú tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) có 1 cụ già 70 tuổi sức khỏe yếu và nhiều trẻ em. Theo cô Hiệu trưởng Trần Thị Mị, suốt thời gian tránh trú bão, ban giám hiệu, 3 bảo vệ, 2 giáo viên nam và tổng phụ trách gần như ứng trực cả đêm để đồng hành với nhân dân.

Ghi nhận sự vào cuộc của nhà trường, ông Trần Tiến Chinh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hải Phòng cho hay: Các trường được chọn làm địa điểm tránh bão, cán bộ, giáo viên đã tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm, thuốc men và đón tiếp, hỗ trợ nhân dân. Đến thời điểm này, các trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được ngành Giáo dục giao.

 Người dân tránh bão tại Trường Tiểu học Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Người dân tránh bão tại Trường Tiểu học Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 đã làm hơn 40 trường học tỉnh Lào Cai bị ảnh hưởng, thiệt hại. Tuy nhiên với cơ sở vật chất được xây dựng kiên cố, nhiều trường học đã mở cửa để người dân vào tránh bão. Những bữa cơm ấm tình người cũng được thầy cô sẻ chia để người dân vượt qua khó khăn trước mắt.

Tại thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa (Lào Cai) xảy ra trận sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Giữa những đau thương, mất mát, nhiều lực lượng, cơ quan, đơn vị đã chung tay hỗ trợ để người dân có nơi ăn, nghỉ an toàn, sớm ổn định cuộc sống.

Sau khi tất cả học sinh bán trú Trường PTDTBT Tiểu học Sử Pán, thị xã Sa Pa được nghỉ học để tránh bão, nhà trường đã trở thành chỗ nghỉ tạm của gần 100 người dân thôn Hòa Sử Pán 1 và các thôn khác trên địa bàn.

 Điểm tránh trú bão tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) - Ảnh: Nguyễn Dịu

Điểm tránh trú bão tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) - Ảnh: Nguyễn Dịu

“Do mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp, để hỗ trợ bà con an toàn trong mưa bão, từ chiều 8/9, nhà trường bố trí giáo viên tuyên truyền đến các thôn trên địa bàn xã; đặc biệt hỗ trợ người dân thôn Hòa Sử Pán 1 di chuyển đến trường ở tạm đến khi mưa lũ đi qua”, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Sử Pán Nguyễn Viết Thuyết chia sẻ.

Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tất cả chung tay vì người dân vùng lũ, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Sử Pán tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng ở, các bữa cơm chiều cho bà con tránh trú. Từ chiều 8/9, ba thầy giáo Lê Mạnh Thắng, Nguyễn Hữu Đạt, Trần Xuân Hà đã tình nguyện ở lại để chăm lo chỗ ăn, ngủ cho bà con vùng lũ Mường Hoa. Đến 21 giờ cùng ngày có gần 100 người, trong đó có người già, trẻ nhỏ tránh trú tại đây tới khi mưa lũ ổn định.

Sau bữa cơm chiều tại khu bán trú nhà trường, bà con được các thầy giáo thăm hỏi, động viên tinh thần, bật tivi để cập nhật tình hình mưa lũ. Các thầy giáo cũng sắp xếp chỗ ngủ, đệm êm, chăn ấm để bà con có giấc ngủ ngon. Sáng sớm hôm sau, các thầy lại dậy từ sớm để chuẩn bị thực phẩm nấu bữa sáng cho người dân. Công việc tuy vất vả, bận rộn nhưng các thầy đều cố gắng để hỗ trợ người dân Mường Hoa ổn định cuộc sống.

 Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Sử Pán chuẩn bị bữa cơm cho nhân dân đến tránh bão lũ. Ảnh: Thuận Thiên

Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Sử Pán chuẩn bị bữa cơm cho nhân dân đến tránh bão lũ. Ảnh: Thuận Thiên

Thầy trò chung tay hỗ trợ

Mưa lũ diễn biến bất thường nên các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) tiếp tục cho học sinh nghỉ học. Bên cạnh việc túc trực, ứng phó, bảo vệ tài sản của nhà trường, các thầy, cô giáo cũng được huy động đến điểm tiếp nhận hỗ trợ, phân chia nhu yếu phẩm cần thiết tiếp tế cho bà con nhân dân trong vùng lũ.

Chia sẻ thông tin, bà Đỗ Thị Quyên - Trưởng phòng GD&ĐT TP Thái Nguyên đồng thời trao đổi: Với tinh thần sẻ chia, ngay khi được huy động nhiều thầy cô và học sinh ở vùng an toàn đã tình nguyện tham gia. Điều đó đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, đồng hành hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn của ngành Giáo dục.

Mưa lũ cũng khiến Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) tạm dời lịch nhập học cho sinh viên khóa mới, đồng thời yêu cầu trưởng các đơn vị tìm cách tiếp cận thăm hỏi, hỗ trợ trực tiếp những cán bộ, giảng viên, sinh viên chịu ảnh hưởng của mưa lũ.

TS Nguyễn Quang Đông - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ học sinh, sinh viên Trường Đại học Y - Dược cho biết: Phòng Công tác học sinh, sinh viên đã phối hợp với Đoàn Thanh niên xác định nhu cầu, số lượng và tổ chức các đoàn thăm hỏi động viên và hỗ trợ sinh viên. Cùng đó, trường thành lập đội hỗ trợ cộng đồng. Các bộ môn Nội và Khoa Điều dưỡng khẩn trương biên soạn, xây dựng các tài liệu, video clip hữu ích, thiết thực về xử lý, cấp cứu... chuyển tải trên nền tảng mạng xã hội để hỗ trợ đảm bảo vệ sinh, an toàn trong và sau lũ lụt. Trường đăng ký với các cơ sở y tế để tham gia hỗ trợ, kêu gọi ủng hộ vật chất cho cán bộ viên chức, người học bị thiệt hại, ảnh hưởng.

Tại Lào Cai, từ sáng 10/9, Công đoàn Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) tổ chức hoạt động khắc phục bão lũ với gần 100% thầy, cô giáo tình nguyện tham gia. Theo thầy Hiệu trưởng Ngô Thanh Xuân, khoảng 10 nhà của giáo viên bị ngập sâu trong nước lũ. Khi nước rút để lại lớp bùn dày 30cm, cuộc sống đảo lộn; gia đình các giáo viên khác bị ảnh hưởng nhẹ hơn. Với tinh thần tương thân tương ái, giáo viên nhà trường đã cùng nhau hỗ trợ thu dọn bùn đất, lau dọn lại đồ đạc trong nhà, vệ sinh môi trường sống… Đáng nói, sự hỗ trợ này không chỉ dành cho giáo viên đang công tác mà với cả cựu nhà giáo và nhân dân sống quanh trường.

“Hoạt động thiết thực không những là trách nhiệm, ý thức của mỗi thầy cô đối với đồng nghiệp, người dân, xã hội, mà còn góp phần sớm ổn định cuộc sống, giúp giáo viên yên tâm trở lại trường lớp trong những ngày tới…”, thầy Ngô Thanh Xuân chia sẻ.

Nhóm PV

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-hoc-thanh-noi-tru-nau-thay-co-gop-tay-nau-nuong-ngay-mua-lu-post700349.html
Zalo