Thêm kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh

Tháng 9 là tháng cao điểm đảm bảo an toàn giao thông cho các học sinh đến trường. Ngay đầu năm học, lực lượng Công an phối hợp với các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh, giúp các em tham gia giao thông an toàn, đúng quy định của pháp luật.

Ngoại khóa “Chúng em với an toàn giao thông” tại Trường TH -THCS Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu. Ảnh: PV

Ngoại khóa “Chúng em với an toàn giao thông” tại Trường TH -THCS Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu. Ảnh: PV

Trong các năm học, lực lượng Công an đã tuyên truyền, vận động ban giám hiệu các nhà trường ký cam kết thường xuyên quán triệt đến cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động, học sinh nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. Các nhà trường tổ chức cho cha, mẹ học sinh ký cam kết về việc chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; không giao xe mô tô, xe gắn máy cho học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe. Các tổ chức đoàn thể trong trường học tổ chức các hoạt động ngoại khóa tuyên truyền công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông…

Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng học sinh điều khiển phương tiện giao thông không đội mũ bảo hiểm, chạy xe máy phân khối lớn khi chưa đủ tuổi vẫn tái diễn tại nhiều trường học trong tỉnh. Hình ảnh học sinh điều khiển xe gắn máy, xe điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến tại nhiều tuyến đường từ thành phố đến các huyện, xã vùng sâu, vùng xa... Các em học sinh đang trong tuổi hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh các tai nạn thương tích, luôn muốn tự khẳng định mình với bạn bè nên các vụ tai nạn giao thông liên quan đến các em học sinh vẫn đang diễn ra và có chiều hướng gia tăng.

Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và Luật Giao thông đường bộ nói riêng cho học sinh là vấn đề hết sức quan trọng, giúp hình thành và duy trì được thói quen ứng xử văn minh, ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho học sinh ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp phòng ngừa được nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, kèm theo những hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, các trường học nói riêng, ngành giáo dục nói chung cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với lực lượng cảnh sát giao thông và chính quyền cơ sở trong công tác tuyên truyền để các em học sinh ý thức được nguy cơ, tác hại và hậu quả của việc vi phạm Luật Giao thông.

Các cơ sở giáo dục triển khai công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với thực tiễn nhà trường thông qua hoạt động ngoại khóa, bảng tin tuyên truyền, hệ thống loa phát thanh, hoạt động của đội thanh niên xung kích và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường; tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử, fanpage, các nền tảng mạng xã hội. Hình thức tuyên truyền cần được đổi mới, sinh động, hấp dẫn để tránh gây nhàm chán.

Bên cạnh đó, các nhà trường cho học sinh, phụ huynh học sinh ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định Luật Giao thông đường bộ cũng cần đi vào thực chất hơn, kèm theo những chế tài có tính răn đe cao, gắn chặt với kết quả học tập của học sinh. Chính quyền cơ sở cần chung tay với nhà trường trong việc đề ra giải pháp để ngăn chặn hiệu quả tình trạng học sinh sử dụng và gửi xe máy phân khối lớn ở các bãi giữ xe xung quanh trường.

Với sự nỗ lực của lực lượng chức năng cùng sự phối hợp tích cực của nhà trường, các bậc phụ huynh, tin tưởng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong học sinh tại các trường học trên địa bàn tỉnh ta sẽ ngày càng hiệu quả hơn. Qua đó, không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn mà còn hình thành trong học sinh ý thức chấp hành tốt pháp luật về an toàn giao thông, hướng đến xây dựng văn hóa tham gia giao thông từ sớm cho học sinh - những công dân tương lai của đất nước.

Phong Lưu

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-de-hom-nay/them-kien-thuc-phap-luat-ve-trat-tu-an-toan-giao-thong-cho-hoc-sinh-hKzTgb6Sg.html
Zalo