Uzu - sản phẩm độc đáo vùng đầu nguồn biên giới tỉnh An Giang

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều sản phẩm sông nước độc đáo, tạo thành nét đặc trưng riêng. Trong đó, có sản phẩm được làm ra từ cây Uzu ở vùng đầu nguồn biên giới tỉnh An Giang, đã làm phong phú thêm bức tranh miệt vườn sông nước.

Để níu giữ nghề, người thợ đã biến tấu nhuộm màu Uzu. Ảnh: Thúy Hạnh

Để níu giữ nghề, người thợ đã biến tấu nhuộm màu Uzu. Ảnh: Thúy Hạnh

Nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, tỉnh An Giang có hai nhánh sông lớn đổ từ thượng nguồn sông Mê Kông vào Việt Nam. Trong đó, thị xã Tân Châu của tỉnh An Giang được gắn liền với tên gọi “Đệ nhất xứ lụa”. Tân Châu mang nhiều nét đẹp của cư dân vùng biên giới và từng là một thương cảng lớn trao đổi hàng hóa với nghề dệt lãnh Mỹ A nổi tiếng qua nhiều giai đoạn lịch sử. Vùng đất chỉ đến một lần mà nhớ mãi: “Tân Châu nô nức người lên/Em đừng qua đó mà quên đường về”.

Tuy nhiên, khi nhắc đến Tân Châu, người ta không chỉ nhớ về thương hiệu lụa lãnh Mỹ A nổi tiếng Nam Kỳ, lục tỉnh trước kia, mà còn nghĩ ngay đến xóm nghề dệt chiếu. Dệt chiếu ở Tân Châu được định hình và phát triển khoảng 5-6 thập kỷ qua. Điều đặc biệt thu hút của làng nghề dệt ở Tân Châu không chỉ là lụa lãnh Mỹ Á, mà còn là ở nguyên liệu dệt. Đó không phải cây lác, cũng không phải dây chuối hột hay cây lục bình, mà là cây Uzu. Tương tự như cây lác, cây Uzu có nguồn gốc từ Campuchia được nhập khẩu vào Việt Nam hàng chục năm trước. Từ đó, những sản phẩm hữu ích được dệt từ loại cây Uzu này đã trở thành sản phẩm đặc trưng cho vùng đầu nguồn biên giới Tân Châu.

Khởi thủy ban đầu, người dân chỉ biết dệt ra những manh chiếu trắng, mộc mạc, đơn màu, chủ yếu phục vụ sinh hoạt trong gia đình với mẫu mã khá thô sơ và đơn giản. Nguyên liệu dù là cây lác hay Uzu, đều có ưu điểm riêng của nó. Đối với Uzu, bỏ bớt đi phần ruột, chỉ lấy phần vỏ bên ngoài, khi dệt chiếu Uzu sẽ có độ dẻo dai và bền. Thân Uzu phơi khô có màu vàng, dễ dàng lên nước, tạo độ bóng sáng khi thành phẩm. Chiếu Uzu nổi trội về mặt chất lượng hơn so với cây lác. Vào năm 1997, sản phẩm từ cây Uzu trở nên nổi tiếng, được bán thịnh hành khắp trong và ngoài nước.

Chủ cơ sở dệt chiếu Uzu Tân Châu Long, phường Long Châu, thị xã Tân Châu, ông Lê Văn Tho chia sẻ: “Đầu tiên là tôi dùng lác, nhưng sản phẩm từ lác đã có rất nhiều trên thị trường. Cơ hội đến khi vào năm 1997, mấy anh bạn của tôi đi mua nguyên liệu qua Campuchia bán, họ nhìn thấy chiếu dệt Uzu đẹp, thích quá, nên đã rủ tôi làm dệt gia công để xuất khẩu sang Hàn Quốc. Khi tỉnh cho tôi được tham gia Hội chợ Long Xuyên, rất nhiều khách hàng mua sản phẩm này, nên tôi đã đầu tư thêm nguyên liệu, máy để nâng cao công suất”.

Ông Tho cũng cho biết thêm, cơ sở của ông thành lập ngay tại làng lụa lãnh nổi tiếng Mỹ A, vừa là khó khăn và cũng là cơ hội để tìm đầu ra cho sản phẩm. Khó khăn ở chỗ người ta chỉ nghe tiếng lụa lãnh Mỹ A, chứ chẳng ai nghe đến chiếu Uzu. Bù lại, những sản phẩm được làm từ Uzu là độc quyền và không phải cạnh tranh như sản phẩm lụa.

Một trong những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ cây Uzu. Ảnh: Thúy Hạnh

Một trong những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ cây Uzu. Ảnh: Thúy Hạnh

Giai đoạn hưng thịnh ở Tân Châu có đến hàng chục hộ dân sản xuất. Cũng giống như nhiều làng nghề truyền thống khác, sản phẩm từ Uzu cũng có những giai đoạn thăng trầm riêng. Sản xuất được một thời gian thì nguyên liệu trở nên khan hiếm. Cụ thể, ngày trước, mỗi khi nhập về vài chục tấn nguyên liệu Uzu, ngày nay chỉ còn vài tấn, chủ yếu để sản xuất cho sản phẩm đặt hàng. Cây Uzu đạt yêu cầu tiêu chuẩn dệt chiếu là đủ độ dài từ 1,4m đến 1,5m, trong khi ở nước ta ít có nơi nào cung cấp nguyên liệu đạt đủ yêu cầu đó, mà chủ yếu là ở Campuchia.

Bên cạnh đó, giá của chiếu nguyên liệu tăng cao, sản phẩm cạnh tranh. Từ đó, chiếu Uzu ở Tân Châu ngày càng đắt, dẫn đến thị trường ngày càng thu hẹp. Hiện, chỉ còn 3 cơ sở dệt trên toàn thị xã, nghề dệt chiếu Uzu cũng đang đứng trước nguy cơ bị mai một, khó cạnh tranh với các sản phẩm khác cùng phân khúc.

Là người gắn bó với nghề trên dưới 20 năm, chủ cơ sở dệt chiếu Tài Thọ, xã Long An, thị xã Tân Châu, anh Lê Văn Thọ trầm tư nói: “Giai đoạn khó khăn có lúc tôi cũng buồn, nản, vì bán cũng không có lời lãi gì, nhưng mà không làm thì nghề sẽ ra sao, nên tôi đã nghiên cứu làm sản phẩm mới. Giá thành sản phẩm mới có thể tăng hơn chút, nhưng lấy chất lượng làm đầu, tăng chất lượng sản phẩm đặc trưng, độc đáo hơn, có như vậy, tôi mới thêm niềm đam mê yêu nghề và có điều kiện để trang trải cuộc sống”.

Trải qua bao thăng trầm, nghề dệt chiếu dần không còn hưng thịnh như trước, với tình yêu và nhiệt huyết, người dân quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống. Để níu giữ nghề, người dân đã tìm tòi, sáng tạo thêm nhiều bất ngờ mới từ Uzu. Thay đổi phương thức sản xuất, họ đã tạo ra được các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vô cùng độc đáo từ sản phẩm Uzu, từ cọng lác sang Uzu với biến tấu nhuộm màu sắc.

Từ một loại cây cỏ tưởng chừng vô ích như những loại cây cỏ thông thường khác, nhưng qua những đôi bàn tay khéo léo của người thợ, đã cho ra được rất nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo và hữu ích như: chiếu, mũ, túi xinh, quạt, đôi dép... Sản phẩm giữa truyền thống và hiện đại, giữa lạ và quen, giữa mềm mại và cứng cáp, tất cả được minh chứng cho sự sáng tạo từ óc nhiệt huyết đam mê với nghề và luôn đổi mới, sáng tạo của người thợ. Nhờ vậy, Uzu đã mở bước ngoặt mới cho xóm nghề dệt chiếu ở Tân Châu.

Cũng từ đây, sản phẩm Uzu được người dân ưa chuộng, nhận được sự tin dùng của nhiều khách hàng trong nước, đặc biệt là khách nước ngoài, không những thế, còn tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động ở địa phương.

Uzu - sản phẩm độc đáo vùng đầu nguồn biên giới tỉnh An Giang đã dệt nên câu chuyện vượt khó đầy ý nghĩa, từ những tấm lòng yêu nghề, nhiệt huyết, bền bỉ và sáng tạo của người dân Tân Châu. Từ những sản phẩm thông thường, Uzu đã tạo nên sản phẩm đặc trưng độc đáo, góp phần đưa Tân Châu đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với nhiều du khách ở khắp nơi, trong và ngoài nước.

Thúy Hạnh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/uzu-san-pham-doc-dao-vung-dau-nguon-bien-gioi-tinh-an-giang-post486528.html
Zalo